|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cục Chăn nuôi: Tết này không sợ thiếu nguồn cung heo, chỉ lo sức mua

14:14 | 05/11/2023
Chia sẻ
Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết với tổng đàn heo 29 triệu con, Tết Nguyên đán 2024 không cần lo lắng đến nguồn cung. Mối quan tâm lớn nhất vẫn là khi nào giá sẽ nhích lên, cải thiện thu nhập cho nông dân, lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Cuối năm thường là thời điểm thị trường chăn nuôi sôi động nhất năm, mùa "vàng" của nông dân và doanh nghiệp khi nhu cầu tiêu thụ thịt và giá bán heo cùng lên cao. Tuy nhiên, thị trường năm nay lại diễn biến khác thường, giá heo hơi từ đầu quý IV đến nay không cải thiện, chỉ dao động quanh mức dưới 55.000 đồng/kg, dưới giá vốn của nông dân.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) về những vấn đề nội tại của ngành chăn nuôi và triển vọng trong năm 2024.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT). (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Thông thường vào thời điểm cuối năm, giá heo và nhu cầu tiêu thụ đều đi lên. Tuy nhiên năm nay lại ngược lại. Điều gì đang xảy ra với ngành chăn nuôi, thưa ông?

Ông Tống Xuân Chinh: Chỉ hơn hai tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán nhưng chưa có sự nhộn nhịp như mọi năm. Thị trường chăn nuôi thời điểm này khá ảm đạm do ba vấn đề.

Thứ nhất, hậu COVID-19, người dân bị giảm việc, thất nghiệp khiến thu nhập giảm và phải thắt chặt chi tiêu.

Thứ hai, nhiều bếp ăn thể cơ cấu lại quy mô sản xuất, nhu cầu nhập hàng thực phẩm giảm xuống.

Thứ ba, đó là sức ép từ hàng nhập khẩu và nhập lậu. Chúng ta có 19 hiêp định thương mại tự do, do đó thịt trâu bò, heo, gà vào Việt Nam gia tăng, cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của người nông dân.

Với đặc thù đường biên giới dài hơn 3.000 km, hàng nhập lậu ồ ạt vào thị trường trong nước, kèm theo các rủi ro liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh và môi trường.

Như ông chia sẻ, nhu cầu đang ở mức rất thấp. Vậy còn nguồn cung hiện thế nào?

Tổng đàn heo đã lên 29 triệu con. Nếu không có dịch bệnh bất ngờ, chúng ta hoàn toàn không lo lắng đến nguồn cung, mối quan tâm lớn nhất vẫn là khi nào giá sẽ nhích lên, cải thiện thu nhập cho nông dân, lợi nhuận cho doanh nghiệp. 

Hiện tại không có vấn đề gì quá nghiêm trọng về sức sản xuất, chỉ lo ở đầu tiêu thụ. Bệnh dịch hiện cũng không còn nặng nữa bởi trải qua nhiều năm, độc tố cũng đã giảm dần, không còn bùng mạnh như thời điểm mới xuất hiện. 

Thời điểm này, giá heo ở nhiều nơi đã xuống dưới 55.000 đồng/kg, mức giá này nông hộ không ai dám nuôi, thua lỗ rất nhiều.

Thực tế, giá thành của nông hộ hiện khoảng 60.000 đồng/kg vì chi phí cho an toàn sinh học hiện rất tốn kém. Còn doanh nghiệp quy mô lớn khoảng 50.000 – 55.000 đồng/kg.

Thời gian qua, cả nông hộ và doanh nghiệp nhỏ đều hụt hơi vì kinh doanh dưới giá thành. Các doanh nghiệp lớn cũng ghi nhận lợi nhuận giảm sâu.

Vậy có động lực nào cho thị trường cuối năm 2023 và năm 2024, thưa ông?

Ông Tống Xuân Chinh Với tình hình như hiện nay, tăng trưởng kinh tế chưa phải là động lực. Chúng tôi chưa tìm thấy động lực rõ ràng cho ngành chăn nuôi, chỉ hy vọng nhu cầu tiêu thụ, sức mua sẽ cải thiện hơn vào giai đoạn Tết Nguyên đán.

Về dài hạn, chúng tôi kỳ vọng có nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, hút ngoại tệ về cho ngành. Xưa nay chúng ta hay nói về việc phải có vắc xin thì giấc mơ xuất khẩu mới thành hiện thực, nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Chúng ta vẫn có thể xuất khẩu bằng thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Thái Lan là một bài học điển hình. Nước này không hề sử dụng vắc xin nhưng họ vẫn xuất khẩu thịt gia cầm trên 4,7 tỷ USD/năm.

C.P. Việt Nam hiện đang đẩy mạnh việc chăn nuôi an toàn sinh học để hướng tới việc xuất khẩu. Chúng tôi cũng hy vọng các doanh nghiệp lớn khác như Masan, Hoà Phát, Xuân Thiện...cũng sẽ làm vậy trong tương lai.

‘Nông hộ không ai dám nuôi’, điều này có nghĩa quy mô chăn nuôi của đối tượng này đang ngày càng thu hẹp lại, thưa ông?

Ông Tống Xuân Chinh Xu hướng chuyển đổi đã rất rõ, doanh nghiệp phát triển mạnh và nhanh, còn nông hộ ngày càng ít. Từ 4 triệu hộ chăn nuôi heo, Việt Nam chỉ còn 1,8 triệu hộ vào năm 2022 và hiện nay con số còn có thể nhỏ hơn nữa.

Như vậy, chăn nuôi nông hộ phải chuyên nghiệp mới có thể trụ lại. Nếu nông dân không đủ tài chính, kiến thức thì hình thức an toàn nhất là nuôi liên kết, gia công cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, chăn nuôi nhỏ “đứng một mình” sẽ rất khó tồn tại.

Với giá heo dưới 55.000 đồng/kg như hiện nay, Tết này bà con chỉ có thể hy vọng vào các sản phẩm bản địa, đặc sản.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang lớn mạnh, dấy lên lo ngại về sự chiếm lĩnh và chi phối thị trường Việt Nam. Ông bình luận thế nào về điều này?

Ông Tống Xuân Chinh:  FDI gia tăng về quy mô và thị phần, đó cũng là điều dễ xảy ra khi doanh nghiệp trong nước chưa kịp lớn lên.

Tuy nhiên mấy năm gần đây, ngoài Dabaco, các “ông lớn” ngành khác như Masan, Hòa Phát, Xuân Thiện bắt đầu đầu tư vào ngành chăn nuôi. Hy vọng rằng thị phần của doanh nghiệp trong nước sẽ không chênh lệch quá nhiều với FDI.

Nếu thị phần của doanh nghiệp trong nước và FDI chênh lệch quá lớn, chúng ta có thể chịu sự chi phối và nhiều hệ lụy khác.

Xin cảm ơn các chia sẻ của ông!

Phạm Mơ

Nghiên cứu giảm thuế phí năm 2025, kéo dài thời gian giảm 2% VAT đến tháng 6/2025
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm tổng kết, đánh giá, đề xuất ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất trong năm 2025, nhất là việc tiếp tục gia hạn thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025.