|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

250.000 tấn gà nhập lậu vào Việt Nam mỗi năm, doanh nghiệp chăn nuôi chịu ảnh hưởng nặng nề

19:50 | 17/10/2023
Chia sẻ
Lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm, điều này có thể ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chăn nuôi và môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam có đường biên giới dài với các quốc gia Trung Quốc, Lào, Campuchia với nhiều đường mòn, lối mở nên hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép giống gia súc, gia cầm diễn ra phức tạp trong thời gian dài, kéo theo nhiều hệ lụy cho ngành chăn nuôi trong nước.

Tại “Hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững”, ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn, phục vụ tiêu thụ dịp cuối năm nên nhu cầu về con giống tăng cao.

Nắm bắt được thực tế, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phổ biến.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. Ngoài ra, VIPA cho biết mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam.

Báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn cho thấy 9 tháng năm 2023, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý và tiêu hủy 100.000 con gà, vịt giống, hơn 8.500 kg sản phẩm từ gia cầm các loại như chân gà, đùi gà, vịt thịt đông lạnh…

Nhiều vụ việc nhập lậu gia súc, gia cầm tại Quảng Ninh, Cao Bằng, Nghệ An, Long An, Hà Nội… đã được phản ánh và xử lý.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam cho rằng: “Tình trạng nhập lậu chủ yếu rơi vào các thời điểm các nước lân cận bị khủng hoảng dư cung và thói quen tiêu dùng của người Việt, ưa chuộng sản phẩm gà dai.”, ông Vũ Anh Tuấn nói.

 

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam. (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

 

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi, C.P chịu ảnh hưởng nặng nề từ vấn đề nhập lậu, đặc biệt là về giá bán. Ngoài ra, khi người chăn nuôi chịu thiệt hại, giảm đàn cũng sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Vũ Anh Tuấn đề nghị Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan có biện pháp mạnh hơn trong vấn đề kiểm soát nhập lậu, bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Trước phản ánh của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết trong vài năm gần đây, doanh nghiệp chăn nuôi liên tục thua lỗ, “heo ăn hết sổ đỏ”. Vấn đề nhập lậu ảnh hưởng đến giá sản phẩm chăn nuôi trong nước, môi trường đầu tư.

Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi Việt Nam khoảng 3,7 tỷ USD, Thứ trưởng đặt vấn đề rằng nếu không tìm được giải pháp bền vững cho ngành chăn nuôi, liệu các doanh nghiệp có ở lại hay làn sóng đầu tư sẽ chảy về nơi khác.

Công an tỉnh Lạng Sơn điều tra đường dây nhập lậu gà giống. (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, kiểm soát nhập lậu là một trong những giải pháp cốt lõi để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, tuy nhiên vấn đề này chưa được đánh giá hết và đúng tính chất.

“Không kiểm soát tốt nhập lậu không thể kiểm soát được dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là khi đa phần bệnh dịch trong chăn nuôi ở Việt Nam xuất phát từ nước ngoài. Cùng với đó, hệ lụy của nhập lậu gia súc, gia cầm là không kiểm soát được an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa”, ông Dương nói.

Do đó, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng công tác kiểm tra biên giới và kiểm soát hàng hóa nội địa cần phải được thực hiện song hành.

Để giải quyết vấn đề nhập lậu, bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, Cục Thú y đề nghị Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ điều tra nắm bắt tình hình các đối tượng đầu nậu, các đường dây chuyên buôn bán, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.

Đồng thời đề nghị Bộ Quốc phòng kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phạm vi địa bàn quản lý.

Phản hồi về đề xuất của Cục Thú y, Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết công tác đấu tranh chống buôn lậu không hề đơn giản do phạm vi kiểm soát, quản lý rộng lớn, địa hình phức tạp.

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp kiến nghị các ngành cần chia sẻ trách nhiệm, cùng chống buôn lậu, đồng thời ngành chăn nuôi và thú y cũng cần có giải pháp căn cơ như xây dựng các trang trại lớn, quy mô công nghiệp, sự tham gia của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để giải quyết tình trạng nhập lậu này.

Hoàng Anh