|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm trong nước lép vế trước FDI, thị phần mảng gà trắng chỉ còn 10%

21:34 | 28/04/2023
Chia sẻ
Ở mảng gà trắng, doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm có vốn đầu tư nước ngoài đang áp đảo doanh nghiệp nội địa và nông dân, chiếm tới 90% tổng đàn.

Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết giai đoạn từ năm 2018 - 2022, chăn nuôi gia cầm từ 435,9 triệu con năm 2018 lên 557,3 triệu con vào năm 2022. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm.

Trong quý I/2023, chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563.000 tấn, tăng 4,2%; trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức tiêu thụ yếu, tổng cung đang vượt tổng cầu khiến tỷ suất lợi nhuận lại rất thấp, đặc biệt là doanh nghiệp và người chăn nuôi trong nước.

Tại hội nghị “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) cho biết Việt Nam đứng trong top đầu thế giới về tổng đàn gia cầm nhưng ngành chăn nuôi không bền vững, thị trường giá cả luôn bấp bênh, doanh nghiệp và nông dân đang lép vế trước các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo thống kê của VIPA, ở mảng chăn nuôi gà công nghiệp lông trắng, doanh nghiệp nội chỉ chiếm 10%, trong khi doanh nghiệp FDI chiếm 90% thị phần năm 2022. Còn với mảng gà lông màu công nghiệp, doanh nghiệp FDI chiếm 55%, doanh nghiệp nội chiếm 45% thị phần, trong khi con số này năm 2021 lần lượt là 40% và 60%. Hàng loạt doanh nghiệp nhỏ, hộ chăn nuôi thua lỗ, phải chuyển sang nuôi gia công cho các công ty FDI vì không thể cạnh tranh được. 

 (Nguồn: VIPA)

“Đứng trước các doanh nghiệp FDI được ví như “gã khồng lồ” trong ngành chăn nuôi, doanh nghiệp trong nước đang lép vế, còn nông dân như “người tí hon”, quy mô nhỏ đang bị loại dần ra khỏi cuộc chơi.

Trong khi số lượng nông hộ chăn nuôi giảm mạnh do thua lỗ trong thời gian qua thì các doanh nghiệp FDI vẫn đang mở rộng chăn nuôi tại Việt Nam và hiện đã áp đảo về sản lượng lợn thịt, gà thịt xuất chuồng…”, ông Nguyễn Thanh Sơn nói.

Trao đổi với báo chí, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thừa nhận rằng với nguồn lực tài chính dồi dào, công nghệ tiên tiến, các công ty FDI đã phát triển rất nhanh chóng thời gian qua và đang dần chiếm lĩnh ngành chăn nuôi trong nước.

Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong khi thị trường tiêu thụ thịt gia cầm lại chững lại khiến doanh nghiệp, người chăn nuôi phải bán gà dưới giá thành, rơi vào thua lỗ.

Nghịch lý rằng người chăn nuôi thua lỗ nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao, mấu chốt vấn đề nằm ở việc phân chia lợi nhuận không có sự đồng đều. Tỷ lệ lợi nhuận đang tập trung ở khâu giết mổ và phân phối, người nông dân chịu rủi ro nhiều nhất nhưng lại nhận về mức lợi nhuận thấp nhất, thậm chí như hiện nay lợi nhuận âm. 

Để hỗ trợ doanh nghiệp và nông hộ, VIPA đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét đề xuất chính sách tín dụng ưu đãi, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi; đơn giản hóa thủ tục để các doanh nghiệp có thể dễ tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ.

Đồng thời kiến nghị giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và có chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp nội và người chăn nuôi trong nước đủ sức cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp FDI.

Sau khi nghe những phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng trong bối cảnh khó khăn bủa vây, ngành chăn nuôi gia cầm cần nâng cao sức cạnh tranh qua năng lực sản xuất, công nghệ và xúc tiến thương mại.

Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục chăn nuôi phối hợp với Văn phòng Chính phủ sớm ban hành Quyết định hỗ trợ chăn nuôi, với các cơ chế hỗ trợ giống, thức ăn chăn nuôi, chi phí sản xuất để giảm áp lực cho các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Hoàng Anh