Dịch cúm gia cầm hoành hành, làm đảo lộn nguồn cung thực phẩm của thế giới
Vấn nạn toàn cầu
Theo tờ Bloomberg, mùa cúm gia cầm thường bắt đầu từ tháng 10 từ những con chim di cư rời khỏi vùng lạnh đến những nơi ấm áp. Nhưng năm nay, dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng trong những tháng ấm hơn, càng khiến virus lan rộng và dẫn đến việc tiêu hủy hàng loạt.
Tổ chức Sức khỏe Động vật Thế giới (WOAH) cho biết thiệt hại về gia cầm từ tháng 10 đến ngày 1/12 đã tăng hơn 70% so với năm ngoái, lên đến 16,1 triệu con.
Tại Mỹ, Anh và những nơi khác, tình trạng trên đã gây ra lo ngại về những món đặc trưng cho dịp nghỉ lễ như gà tây nướng cho Lễ Tạ ơn và Giáng sinh. Nhưng quan trọng hơn, gia cầm là thực phẩm chính trong các bữa ăn toàn cầu.
Các đợt tiêu hủy đang làm giảm nguồn cung của hàng loạt sản phẩm, từ trứng cho đến gan ngỗng, khuếch đại lạm phát thực phẩm. Có thể phải mất đến vài năm nữa thế giới mới có vắc xin được cộng đồng quốc tế công nhận.
Ông Mark Gorotn, Giám đốc điều hành công ty chăn nuôi gia cầm Traditional Norfolk Poultry ở Anh, nhấn mạnh: “Tình hình dịch bệnh năm nay tồi tệ hơn bao giờ hết và khiến tất cả mọi người bị bất ngờ. Vấn đề này không phải của riêng nước Anh mà là của toàn thế giới. Chúng ta phải tìm cách giải quyết”.
Nhu cầu dành cho cho thịt gà giá phải chăng đã tăng gấp đôi kể từ năm 1999. Để đáp ứng nhu cầu lớn này, các nông trại trên khắp thế giới đang nuôi khoảng 35 tỷ con gia cầm. Khủng hoảng chi phí sống trong năm 2022 càng khiến doanh số tăng mạnh khi người tiêu dùng từ bỏ thịt bò để chuyển sang những lựa chọn rẻ hơn, ví dụ như thịt gà.
Đợt bùng phát trầm trọng lên đúng lúc người chăn nuôi đối mặt với chi phí năng lượng và thức ăn tăng cao. Ông Nan-Dirk Mulder, chuyên gia về protein động vật tại ngân hàng Rabobank, dự đoán sản lượng gia cầm toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 1% trong năm nay và năm sau, kém hơn hẳn tỷ lệ thường thấy trong quá khứ là 2,5%.
Cúm gia cầm là căn bệnh gây tử vong cao, cả đàn thường bị tiêu hủy ngay khi một con nhiễm bệnh. Tác động từ đợt bùng phát khiến cho giá trứng bán lẻ tại Mỹ tăng gấp đôi trong vòng một năm và giá gà sẵn sàng cho chế biến tại Anh tăng ít nhất 25%.
Cúm gia cầm là vấn đề toàn cầu. Malaysia đang phải nhập khẩu trứng bởi thức ăn chăn nuôi đắt đỏ khiến cho người nông dân phải giảm quy mô đàn. Các trang trại ở Pháp đã mất hàng triệu con vịt vì bệnh cúm trong hai mùa đông qua. Các nhà nhập khẩu thường hạn chế mua từ những vùng có dịch.
Ông Gregorio Torres, trưởng bộ phận khoa học tại WOAH, cho biết cúm gia cầm thường biến mất vào mùa hè nhưng điều này đã không còn đúng kể từ năm 2021. Virus đang biến hóa nhanh chóng và có nguy cơ sẽ lây lan mạnh hơn.
Châu Á "thoát nạn"
Cúm gia cầm có thể lây sang người, nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kể từ năm 2018 đến nay thế giới chỉ ghi nhận chưa đến 10 người bị nhiễm chủng H5N1.
Theo ông Birthe Steenberg, Tổng thư ký của hiệp hội buôn bán gia cầm châu Âu AVEC, quy mô đợt bùng phát dịch hiện nay cho thấy những biện pháp phòng chống truyền thống như hạn chế tiếp cận chuồng trại và tiêu hủy nhanh chóng là “không còn đủ để đối phó nữa”.
Điều may mắn là không phải khu vực nào cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Các đợt bùng phát ở châu Á được kiểm soát tương đối dễ dàng. Nhưng Nhật Bản đã phát hiện trường hợp nhiễm cúm gia cầm sớm hơn mọi năm và khoảng hai chục trang trại ở Hàn Quốc cũng bị dính virus.
Tạm thời, những người chăn nuôi gia cầm đang được khích lệ bởi giá bán cao, nhưng rủi ro cũng đang tăng lên nhanh chóng. Chuyên gia Mulder của Rabobank đánh giá: “Thế giới có nhu cầu nhưng không có nguồn cung. Thị trường đang ở trong tình trạng cực kỳ không chắc chắn”.
Ông John Brunnquell, CEO của công ty sản xuất trứng Egg Innovations tại Mỹ, cho biết trong quá khứ cúm gia cầm thường là sự kiện chỉ xảy ra một lần: “Mọi năm, cúm gia cầm đến rồi lại đi. Nhưng lần này nó không chịu rời đi”.