|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát hạ nhiệt có thể làm khó Fed

08:30 | 14/12/2022
Chia sẻ
Lạm phát tiêu dùng tại Mỹ đã chững lại hai tháng liên tiếp. Cuộc tranh luận của Fed về định hướng lãi suất năm tới có thể sẽ trở nên căng thẳng hơn.

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). (Ảnh: Wall Street Journal).

Để khống chế lạm phát vẫn đang ở mức cao, Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (bps) trong hôm nay (ngày 14/12), qua đó kéo lãi suất quỹ liên bang lên phạm vi 4,25% - 4,5%.

Tuy nhiên, hai tháng liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chững lại có thể làm phức tạp thêm định hướng của giới chức Fed về mức tăng lãi suất vào đầu năm tới, tờ Wall Street Journal cho hay.

CPI tháng 11 chỉ tăng 0,1% so với tháng 10 và 7,1% so với cùng kỳ năm 2021, số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 13/12 chỉ ra. Cả hai đều giảm đáng kể so với các báo cáo trước.

Fed theo dõi rất sát CPI lõi (chỉ số không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động), bởi đây là thước đo lạm phát tương lai tốt hơn so với CPI toàn phần. Trong ba tháng qua, chỉ số lõi đã tăng khoảng 4,3% so với cùng kỳ, thấp nhất trong hơn một năm qua.

Báo cáo lạm phát mới có thể làm căng thẳng cuộc tranh luận của các quan chức Fed về việc có nên tiếp tục giảm quy mô tăng lãi suất xuống 25 bps tại cuộc họp đầu tiên của năm 2023 hay không.

Sự đồng thuận của các quan chức về việc tăng lãi suất lên cao tới đâu và duy trì chúng trong bao lâu có nguy cơ bị lung lay khi triển vọng lạm phát và tiền lương trở nên khó đoán.

Phe “bồ cầu” cho rằng lạm phát có thể sẽ tiếp tục hạ nhiệt và do đó, họ muốn giảm bớt rủi ro thất nghiệp của người lao động trong bối cảnh lãi suất lên cao đang kìm hãm nền kinh tế Mỹ.

Phe “diều hâu” lại sẵn sàng áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn để chống lạm phát vì họ nghĩ rằng lạm phát có thể sẽ neo ở mức cao hơn ngưỡng mục tiêu 2% của Fed.

 

Chia sẻ với Wall Street Journal, bà Aneta Markowska, kinh tế trưởng tại ngân hàng Jefferies, cho rằng báo cáo lạm phát tháng 11 nhiều khả năng sẽ không tác động đến quyết định lãi suất của Fed trong hôm nay.

“Song, sau bản báo cáo này, tôi chắc chắn rằng phe bồ câu sẽ lên tiếng mạnh mẽ hơn nhằm kêu gọi Fed giảm tốc độ tăng lãi suất xuống 25 bps càng nhanh càng tốt”, bà Markowski nói.

Xác suất Fed tăng lãi suất 50 bps trong tuần này và 25 bps vào tháng 2 năm sau đã tăng lên khoảng 56% vào cuối buổi sáng ngày 13/12, theo dữ liệu từ CME Group.

Fed dự kiến sẽ công bố quyết định chính sách và dự báo kinh tế mới vào lúc 14h ngày 14/12 (tức khoảng 2h sáng ngày 15/12 theo giờ Việt Nam). Chủ tịch Jerome Powell sẽ phát biểu sau đó nửa tiếng.

Nhà đầu tư đang hy vọng rằng từ các công bố mới hoặc bình luận của ông Powell, họ sẽ nhận được tín hiệu cho thấy giới chức Fed có thể làm chậm tốc độ tăng lãi suất hơn nữa vào năm tới.

Trong dự báo mà Fed công bố hồi tháng 9, hầu hết các nhà hoạch định chính sách đều kỳ vọng lãi suất quỹ liên bang sẽ tăng lên mức 4,6% trong năm 2023.

Trong những tuần gần đây, các quan chức đã gợi ý rằng lãi suất có thể lên cao hơn trong dự báo mới. Các nhà phân tích đang phân vân không rõ hầu hết quan chức Fed sẽ kéo lãi suất lên cao hơn hay dưới 5%.

Ông Matthew Luzzetti, kinh tế trưởng của Deutsche Bank tại Mỹ, nói báo cáo lạm phát tháng 11 sẽ “mang lại cho Chủ tịch Powell và các đồng nghiệp một chút tự tin” rằng lạm phát đang giảm tốc trong năm nay như kỳ vọng của nhiều quan chức.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng còn quá sớm để Fed tuyên bố chiến thắng vì có một số lo ngại rằng thu nhập ngày càng tăng sẽ giúp củng cố chi tiêu của người tiêu dùng và giữ lạm phát trên mức mục tiêu 2% của Fed.

Theo ông Luzzetti, báo cáo CPI tháng 10 và 11 cho thấy việc lạm phát chững lại là chưa đủ để chứng minh Fed đã hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là khi thị trường lao động và người tiêu dùng vẫn đang vững mạnh.

 

Tháng trước, ông Powell gợi ý rằng Fed đang xem xét xu hướng lạm phát theo ba nhóm.

Thứ nhất, giá các hàng hoá như ô tô đã qua sử dụng đang giảm mạnh sau hai năm tăng cao. Thứ hai, tiền thuê nhà và các thước đo khác về chi phí nhà ở vẫn đang đi lên nhưng dự kiến sẽ tăng chậm hơn trong năm tới.

Thứ ba là giá dịch vụ - thước đo giúp phản ánh phần lớn chi phí lao động của doanh nghiệp.

Ông Powell xác định nhóm thứ ba là chỉ báo quan trọng nhất của áp lực giá cơ bản (underlying price pressure). “Thị trường lao động là chìa khoá để giúp chúng tôi đánh giá được lạm phát trong nhóm thứ ba”, ông nói.

Tăng trưởng tiền lương tại Mỹ hiện không cho thấy dấu hiệu chậm lại đáng kể, đặc biệt là khi doanh nghiệp vẫn đang đưa ra mức lương cao để thu hút người lao động mới.

Một số quan chức Fed và nhà kinh tế tư nhân đã bày tỏ lo ngại rằng lạm phát cao trong năm 2023 có thể thúc đẩy người lao động yêu cầu mức lương cao hơn, qua đó kích thích lạm phát đi lên.

Bà Marksowska của Jefferies cho biết: “Kịch bản cơ sở của tôi là lạm phát sẽ hạ xuống mức 3,5% đến 4% và sau đó ổn định ở đó. Tôi không thấy có lý do gì để thay đổi quan điểm sau báo cáo lạm phát tháng 11”.

Một kết quả như vậy có thể sẽ khiến các quan chức Fed không vui. Và mặc dù kịch bản đó không buộc họ phải tiếp tục tăng lãi suất mạnh tay vào năm tới, Fed sẽ phải giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn dự kiến.

Một rủi ro khác là nếu Fed báo hiệu sẽ điều chỉnh nhịp độ tăng lãi suất hoặc kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, thị trường tài chính sẽ phục hồi, khiến chi phí đi vay xuống thấp hơn.

Điều này sẽ kích thích nền kinh tế nóng lên chứ không thể hạ nhiệt hoạt động kinh tế và lạm phát, Wall Street Journal nhận thấy.

Khả Nhân

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.