|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Người đứng đầu 'ngân hàng của các NHTW': Mỹ có thể tránh được suy thoái

17:32 | 12/12/2022
Chia sẻ
Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho rằng Mỹ có khả năng tránh được suy thoái nhờ các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

 

Ông Agustin Carstens - Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). (Ảnh: Bloomberg).

Phát biểu trước thềm một số cuộc họp chính sách quan trọng trong tuần này, người đứng đầu Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho rằng Mỹ có thể tránh được suy thoái vì dữ liệu gần đây về việc làm và tăng trưởng đều tốt hơn dự kiến.

Cụ thể, ông Agustin Carstens - Tổng Giám đốc BIS, cho biết Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương khác đã thực hiện động thái đúng đắn là tăng lãi suất để khống chế lạm phát.

Mặt khác, ông đã giảm nhẹ rủi ro về suy thoái. Tờ SCMP cho rằng bình luận của Tổng Giám đốc BIS đã giúp xoa dịu lo lắng về ảnh hưởng tiêu cực của các đợt tăng lãi suất lên nền kinh tế.

Chia sẻ với SCMP, ông Carstens nói: “Những số liệu gần đây về thị trường việc làm và hoạt động của nền kinh tế Mỹ đều tốt hơn dự kiến và gây ngạc nhiên theo chiều hướng tích cực”.

“Một vài tháng trước, có lẽ tôi từng băn khoăn một chút về tác động của chu kỳ tăng lãi suất [đến triển vọng kinh tế Mỹ]”, ông nói thêm.

Trong tháng 11, Mỹ đã tạo thêm 263.000 việc làm mới. Tiền lương theo giờ tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.

“Chúng ta chưa hoàn toàn ở vị thế có thể tuyên bố chiến thắng, nhưng mọi việc cho đến nay vẫn rất tốt. Mỹ có khả năng sẽ tránh được suy thoái kinh tế. Đó là một khả năng thực sự”, ông Carstens nhấn mạnh.

 

Ông Carstens là một nhà kinh tế người Mexico. Vị chuyên gia đã dẫn dắt BIS - “ngân hàng của các ngân hàng trung ương” - kể từ năm 2017.  Ông cũng từng là Thống đốc của Ngân hàng Trung ương Mexico trong 7 năm.

Ngoài ra, ông Carstens và bà Christine Lagarde - hiện là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - từng là hai ứng viên chính cho vị trí Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Cuối cùng, bà Lagarde là người được chọn.

Trái với nhận định của Tổng Giám đốc BIS, một số nhà đầu tư khác lại không lạc quan đến vậy.

6 trong số 10 nhà đầu tư tổ chức - hiện đang quản lý tổng cộng 20,1 nghìn tỷ USD tài sản trên toàn cầu - tin rằng Mỹ sẽ không tránh khỏi suy thoái, theo cuộc khảo sát đầu tháng 12 của Natixis Investment Managers.

Trong tuần này, cả ba ngân hàng trung ương lớn của phương Tây, gồm Fed, ECB và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), đều sẽ công bố quyết định chính sách cuối cùng của năm 2022.

Hãng quản lý tài sản Đức DWS dự đoán cả ba sẽ tăng lãi suất chuẩn thêm 50 điểm cơ bản.

 

Helen Qiao, kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc, Hong Kong và Macau của BofA Global Research, nhận định: “Nền kinh tế Mỹ đang quá nóng và lạm phát thì quá cao. Fed không còn lựa chọn nào khác ngoài tăng lãi suất”.

Nếu Fed ra quyết định chính sách như dự đoán của thị trường, đây sẽ là lần nâng lãi suất thứ 7 của ngân hàng trung ương này trong năm nay. Đáng chú ý là trước đó, Fed đã có 4 lần tăng lãi suất liên tiếp 75 điểm cơ bản.

Vào tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Áp lực giá cả đã dịu bớt so với các tháng trước, bởi CPI tháng 7, 8 và 9 lần lượt tăng 8,5%, 8,3% và 8,2% so với cùng kỳ.

Lạm phát tiêu dùng tại Mỹ từng vọt lên 9,1% vào tháng 6, mức cao nhất kể từ tháng 11/1981.

Liên quan đến chính sách tiền tệ tương lai của Fed, ông Carstens cho rằng lãi suất tại Mỹ có thể sẽ sớm đạt đỉnh nhưng nhiều khả năng sẽ không sớm đi xuống, theo SCMP.

“Chúng ta sẽ phải trải qua thời kỳ lãi suất tương đối cao trong một khoảng thời gian”, ông nói. “Nếu chúng ta để lạm phát bén rễ và ăn sâu vào tâm trí người dân, việc ghìm cương lạm phát về sau sẽ khó khăn hơn rất nhiều và có thể cần các biện pháp tiền tệ cứng rắn hơn”.

 

Khả Nhân