Phố Wall ngày càng tự tin về khả năng ‘hạ cánh mềm’ nền kinh tế của Fed
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), mới chỉ vài tháng trước, Phố Wall vẫn còn bác bỏ ý kiến cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm”. Giờ đây, một nhóm nhà đầu tư lớn và ngày càng đông đảo đang đặt cược vào điều ngược lại.
Goldman Sachs cho biết các quỹ tương hỗ và đầu cơ quản lý khoảng 4.800 tỷ USD tài sản đang đổ tiền vào những nhóm cổ phiếu sẽ được hưởng lợi từ việc lạm phát hạ nhiệt, lãi suất đi xuống và nền kinh tế Mỹ tránh được suy thoái.
Phân tích của Goldman Sachs phát hiện rằng những nhà đầu tư trên đang nắm giữ các vị thế lớn hơn bình thường đối với cổ phiếu công nghiệp, vật liệu và năng lượng.
Cả ba nhóm cổ phiếu này đều nhạy cảm với những thay đổi trong nền kinh tế, có nghĩa chúng sẽ sinh lời nếu Mỹ có thể tránh được kịch bản "hạ cánh cứng" - hay nói cách khác là Mỹ tránh được một cuộc suy thoái sâu và kéo dài.
Dữ liệu gần đây đem đến cho nhà đầu tư niềm hy vọng. Thị trường lao động vẫn mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp tháng trước vẫn ở gần mức thấp trước đại dịch là 3,7%. Chi tiêu tiêu dùng đang gia tăng.
Ngoài ra, nền kinh tế Mỹ còn có những dấu hiệu cho thấy lạm phát đang suy yếu. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 7,7%, đánh dấu mức tăng thấp nhất kể từ tháng 1.
Theo bà Katie Nixon, Giám đốc đầu tư của quỹ Northern Trust Wealth Management, có vẻ như ngày càng có khả năng Mỹ sẽ tránh được "suy thoái kinh tế nghiêm trọng”.
Không phải chuyên gia nào cũng có nhận định như bà Nixon. Nhiều nhà đầu tư khác vẫn cảnh báo nguy cơ suy thoái cận kề.
Nền kinh tế vẫn còn các thử thách lớn – một trong số đó là thị trường lao động nóng bỏng. Trong bài phát biểu tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell ngụ ý rằng tiền lương vẫn đang tăng trưởng quá nhanh để lạm phát có thể quay về mức mục tiêu 2%.
Bức tranh lạm phát
Nhà đầu tư sẽ có thêm thông tin về lạm phát và đường lối chính sách của Fed trong những ngày tới. Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 vào ngày 13/12. Báo cáo sẽ cung cấp cho Fed cái nhìn cuối cùng về lạm phát trước khi công bố quyết định lãi suất cuối cùng trong năm 2022 vào ngày 14/12.
Đông đảo nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % trong cuộc họp sắp tới. Nhưng dữ liệu lạm phát cao hơn dự kiến có thể làm trật hướng kế hoạch giảm tốc độ tăng lãi suất trong năm 2023 của Fed.
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 9/12 đồng loạt giảm điểm sau khi dữ liệu cho thấy chỉ số giá sản xuất tháng 11 cao hơn dự báo của các nhà kinh tế.
Ông Brian Overby, chuyên gia cấp cao tại công ty chứng khoán Ally, nhận định: “Mọi người đều sẽ nhìn vào hướng đi của CPI. Chỉ cần dữ liệu cho thấy lạm phát đang trên đà giảm là đủ để thị trường thấy thoải mái, chứ nhà đầu tư cũng không cần thấy lạm phát xuống thấp hơn hẳn”.
Lịch sử thường không đứng về phía Fed. Dữ liệu từ ngân hàng trung ương Mỹ cho thấy trong 12 lần Fed thắt chặt chính sách tiền tệ thì có đến 9 lần nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Giai đoạn suy giảm của nền kinh tế sẽ làm gia tăng áp lực lên thị trường chứng khoán Mỹ. Chứng khoán Mỹ đã hồi phục đáng kể từ đáy tháng 10. Nhưng chỉ số S&P 500 vẫn thấp hơn 17% so với đầu năm, sắp sửa ghi nhận năm giao dịch tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo dữ liệu từ năm 1929 do Dow Jones Market Data cung cấp, thị trường chứng khoán Mỹ thường lao dốc khoảng 30% trong giai đoạn suy thoái.
Tuy nhiên, tờ WSJ cho biết các nhà kinh tế và nhà phân tích tại nhiều công ty tài chính lớn đang dự báo rằng Mỹ sẽ tránh được kịch bản hạ cánh cứng vào năm tới. Trong số đó có thể kể đến Goldman Sachs, BMO Wealth Management và Credit Suisse.
Nhà kinh tế Joseph Briggs của Goldman viết trong lưu ý: “Rất có thể chúng ta đã vượt qua những thách thức lớn nhất với chi tiêu tiêu dùng”.
Ngân hàng này kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục dịu đi trong năm tới, nhưng tỷ lệ thất nghiệp sẽ chỉ tăng lên 4,1% từ mức 3,7% hiện tại.