Fed cảnh báo liên hồi nhưng các nhà đầu tư vẫn tin lãi suất sẽ giảm trong năm 2023
Suy thoái hay "hạ cánh mềm"
Theo tờ Financial Times (FT), giới đầu tư hiện dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất khi chứng kiến nền kinh tế giảm tốc vào năm tới.
Nói cách khác, họ đang cược rằng cái kết của chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ lịch sử của Fed đang ở gần hơn nhiều so với tín hiệu mà cơ quan này đưa ra.
Cụ thể, các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ tin rằng Fed sẽ buộc phải hạ lãi suất hai lần trong quý IV/2023.
Trong khi đó, tuần trước, Chủ tịch Jerome Powell và các quan chức hàng đầu của Fed đã nói rõ rằng họ sẽ vẫn duy trì chi phí vay ở mức cao dù sắp điều chỉnh giảm quy mô của các đợt tăng lãi suất.
Thị trường tương lai phản ánh rằng lãi suất chính sách của Fed sẽ đạt đỉnh 4,9% vào tháng 5/2023, sau đó giảm xuống còn 4,4% vào cuối năm, tương ứng với mức giảm lãi suất 0,5 điểm %.
Các vị thế cược rằng Fed sẽ hạ lãi suất trong năm tới gia tăng sau khi ông Powell ra tín hiệu Fed có thể giảm nhịp độ tăng lãi suất xuống còn 0,5 điểm % từ tháng 12.
Các nhà đầu tư cũng ngó lơ báo cáo việc làm tháng 11 được công bố vào ngày 2/12. Số liệu việc làm và tăng trưởng tiền lương cao hơn dự kiến của Phố Wall cho thấy áp lực lên lạm phát vẫn còn rất lớn.
- TIN LIÊN QUAN
-
Cơ hội để Fed 'hạ cánh mềm' nền kinh tế thu hẹp hơn sau báo cáo việc làm tháng 11 03/12/2022 - 17:04
Ông Matt Raskin, trưởng bộ phận nghiên cứu lãi suất Mỹ tại Deutsche Bank, dự báo rằng Fed sẽ buộc phải giảm lãi suất 0,5 điểm % trong tháng 12/2023.
Ông giải thích: “Rõ là hiện tại Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) không dự kiến sẽ giảm lãi suất trong năm tới.
Nhưng nhà đầu tư như chúng tôi thì nghĩ khác. Vì sao? Vì những người tham gia thị trường dự đoán Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023, còn FOMC vẫn đang kỳ vọng nền kinh tế sẽ hạ cánh mềm”.
Ông Raskin chỉ ra nhiều tín hiệu suy thoái, bao gồm sự đảo ngược của đường cong lợi suất trong tuần trước.
Dự báo của ông Raskin phù hợp với mô hình chu kỳ tăng lãi suất truyền thống. Trong mọi chu kỳ kể từ năm 1980, Fed đều giảm lãi suất trong vòng 6 tháng sau khi lãi suất đạt đỉnh, chỉ trừ giai đoạn 2004-2006.
"Được voi đòi tiên"
Bà Margaret Kerins, Giám đốc cấp cao tại BMO Capital Markets, cũng nghiêng về khả năng Fed sẽ giảm lãi suất.
Bà cho hay: “Thường thì Fed sẽ thắt chặt chính sách quá đà cho đến khi nền kinh tế gặp trục trặc. Điều đó cũng có khả năng xảy ra trong chu kỳ hiện tại, vì vậy chúng tôi không loại trừ khả năng Fed sẽ điều chỉnh chính sách vào cuối năm sau”.
Kỳ vọng của bà Kerins và ông Raskin trái ngược với tuyên bố của các quan chức Fed. Tuần trước, ông Powell đã nói dứt khoát rằng Fed không có dự định sớm đảo chiều chính sách.
Tại Viện Brookings, ông Powell lặp lại quyết tâm của Fed là đưa lạm phát về mục tiêu 2%. Chủ tịch Fed cho biết: “Tôi và các đồng nghiệp không muốn thắt chặt chính sách quá đà. Và chúng tôi không muốn cắt giảm lãi suất quá sớm, do đó chúng tôi sẽ làm chậm tốc độ tăng lãi suất”.
Ông Calvin Tse, Giám đốc chính sách vĩ mô Mỹ của ngân hàng BNP Paribas, nhận xét: “Thị trường đang hành xử theo kiểu được voi đòi tiên. Nhà đầu tư nghe Chủ tịch Powell nói rằng ông ấy không muốn thắt chặt quá đà, rồi bỏ qua vế thứ hai của câu nói rằng Fed sẽ duy trì lãi suất ở mức kìm hãm nền kinh tế. Thị trường đang đòi hỏi quá nhiều”.
Theo tờ FT, các nhà đầu tư cũng nhận thức được rằng gần đây thị trường thay đổi rất nhanh chóng và và có thể dễ dàng đảo chiều trong nay mai.
Ông Matthew Scott, Giám đốc cấp cao tại công ty quản lý tài sản AllianceBernstein, nhận định: “Các nhà đầu tư đang giao dịch dựa trên những bình luận gần nhất của ông Powell và kỳ vọng về báo cáo giá tiêu dùng (CPI) sắp tới. Tôi cho là không có ai trên thị trường dám chắc chắn về mức lãi suất của Fed vào cuối năm sau”.