|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed có nguy cơ bị chia rẽ vì lãi suất

15:00 | 02/12/2022
Chia sẻ
Một số nhà hoạch định chính sách lo rằng chiến dịch tăng lãi suất của Fed sẽ đi quá xa và gây ra  thiệt hại không cần thiết cho nền kinh tế. Những người khác thì tin rằng Fed phải duy trì lập trường cứng rắn để khống chế hoàn toàn lạm phát.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. (Ảnh: Financial Times). 

Quan điểm trái chiều

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng mặt trận thống nhất của giới chức Fed đang có nguy cơ tan rã. Các nhà hoạch định chính sách ngày càng có quan điểm khác nhau về tốc độ tăng lãi suất để khống chế lạm phát.

Sau một trong những đợt tăng lãi suất quyết liệt nhất lịch sử, giới chức Fed đang bất đồng bởi hai câu hỏi: Fed còn phải thắt chặt chính sách đến đâu và nền kinh tế phải bị kìm kẹp đến mức nào?

Ông Bill English, cựu cố vấn của ngân hàng trung ương Mỹ, chỉ ra: “Các quan chức Fed luôn muốn đạt được sự đồng thuận, nhưng lần này họ có thể sẽ bất đồng quan điểm với nhau. Vấn đề cơ bản là trong thời gian tới, những gì họ cần và muốn làm với chính sách sẽ trở nên khó đoán hơn nhiều”.

Theo biên bản cuộc họp tháng 11, một số quan chức đã cảm thấy an tâm khi dữ liệu chỉ ra rằng lạm phát đang đi xuống. Nhưng một nhóm các quan chức khác có vẻ vẫn cảnh giác trước khả năng áp lực giá ngóc đầu đi lên – đặc biệt là khi chênh lệch cung-cầu lao động vẫn còn rất lớn.

 

Theo ông Andrew Hollenhorst, kinh tế trưởng của Citi về thị trường Mỹ, biên bản cuộc họp gần nhất cho thấy các quan chức Fed không còn đồng thuận rằng rủi ro khi thắt chặt chính sách quá nhẹ tay lớn hơn hậu quả của việc quá nặng tay.

Một số quan chức nói rằng tác động tổng hợp từ những động thái thắt chặt của Fed có thể đã “vượt quá mức cần thiết” để đưa lạm phát quay về tầm kiểm soát.

Ông Hollenhorst dự đoán: “Trong tương lai gần, việc phân tích dự định và nhận xét của các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ rất khác so với trước kia, bởi trong Fed đang hình thành sự chia rẽ".

Trong phần lớn năm 2022, các quyết định chính sách của Fed khá rõ ràng. Khi chứng kiến lạm phát ngày càng bám rễ vào nền kinh tế, hầu hết các quan chức đều đồng ý điều chỉnh chiến lược lãi suất và tung ra 4 đợt tăng 75 điểm cơ bản (bps) liên tiếp.

Fed đã kéo lãi suất chính sách lên phạm vi 3,75%-4%. Các quan chức cho rằng mức lãi suất này là đã đủ để bắt đầu hạn chế nhu cầu tiêu dùng.

Các dấu hiệu hiện nay cho thấy doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ đã bắt đầu chao đảo dưới sức nặng của chi phí đi vay. Lúc này, giới chức Fed đang đứng giữa ngã rẽ quan trọng và phải đưa ra quyết định về mức độ tăng lãi suất sắp tới.

Đa số quan chức Fed ủng hộ nâng lãi suất 50 bps trong tháng 12. Tuy nhiên, bà Mary Daly, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, thừa nhận rằng những tháng tới sẽ là giai đoạn “khó khăn hơn nhiều” của quá trình hoạch định chính sách. 

Ông Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics, nhận xét: “Khi đến điểm bước ngoặt, ý kiến của các quan chức Fed càng trở nên khác biệt. Một số quan chức nhìn vào dữ liệu gần đây và háo hức tin chắc rằng lạm phát đang trên đà giảm, còn những người khác thì vẫn ngờ vực.

Ở thời điểm hiện tại, chúng ta mới chỉ thấy một số rạn nứt nhỏ. Nhưng trong những tháng tới, tôi cho là sự bất đồng của giới chức Fed sẽ lan rộng ra”.

Nguyên nhân gây bất đồng

Nguyên nhân dẫn đến sự chia rẽ tại Fed là cuộc tranh luận về hướng đi của lạm phát. Giá hàng hóa và nhà ở đã giảm so với mức đỉnh, giá nhiều loại mặt hàng cũng bắt đầu hạ nhiệt. Tuy nhiên, giá cả trong ngành dịch vụ vẫn còn cao.

Biên lợi nhuận của các nhà bán lẻ cũng đã đi xuống bởi doanh nghiệp phải giảm giá để xử lý lượng hàng tồn kho dư thừa.

Bà Lael Brainard, Phó Chủ tịch Fed, nói rằng quá trình này có thể sẽ giúp đỡ “đáng kể” cho việc giảm áp lực lạm phát. Theo một số thước đo, tăng trưởng tiền lương vẫn cách xa mục tiêu 2% của Fed nhưng cũng đã bắt đầu giảm tốc.

Các quan chức Fed công khai bày tỏ nghi ngờ về xu hướng hạ nhiệt của lạm phát bao gồm Thống đốc Christopher Waller và bà Loretta Mester, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland.

Hai người cảnh báo rằng ngân hàng trung ương Mỹ cần phải thấy bằng chứng rõ ràng hơn về sự suy giảm của áp lực giá thì mới nên chắc rằng lạm phát đã được kiểm soát.

Hai chủ tịch chi nhánh St. Louis và Minneapolis cũng khẳng định rằng Fed vẫn chưa đến gần điểm ngừng tăng lãi suất.

Phó Chủ tịch Brainard đồng ý rằng Fed vẫn còn việc phải làm. Nhưng bà là một trong những quan chức đầu tiên ủng hộ giảm tốc độ tăng lãi suất và thường xuyên cảnh báo về tác động đến thị trường quốc tế mà chiến dịch thắt chặt chính sách gây ra.

Bà Susan Collins, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, cũng đã nêu ý kiến tương tự trong tháng này. Bà cho hay: “Lãi suất càng lên cao, lo ngại rằng chúng ta đang đi quá xa càng lớn”.

Hầu hết các nhà kinh tế tin rằng Fed cần tăng lãi suất lên trên 5% vào năm 2023 để hạ nhiệt nền kinh tế và dập tắt lạm phát. Nhiều chuyên gia cũng dự báo Mỹ sẽ suy thoái nhẹ.

Trong tuần này, các quan chức Fed đã đồng loạt bày tỏ rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Ông John Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, còn nói rõ rằng ít nhất một năm nữa Fed mới có thể bắt đầu hạ lãi suất.

Nhưng nhà đầu tư trên thị trường tương lai vẫn đang cược rằng Fed sẽ giảm lãi suất trong nửa cuối năm sau.

Giang