|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà kinh tế nổi tiếng El-Erian: Thế giới không chỉ hướng đến suy thoái, mà là một 'cuộc chuyển đổi kinh tế sâu sắc'

15:56 | 24/11/2022
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về suy thoái. Tuy nhiên, một nhà kinh tế nổi tiếng cho rằng những dấu hiệu trong nhiều tháng qua đang chỉ ra một sự chuyển đổi sâu sắc hơn, chứ không chỉ đơn thuần là suy thoái.

“Một cuộc chuyển đổi kinh tế và tài chính sâu sắc”

Trong nhiều tháng qua, các chuyên gia và thị trường đã liên tục lên tiếng cảnh báo về nguy cơ suy thoái. Song, một nhà kinh tế nổi tiếng nhận thấy cuộc suy thoái tiềm tàng này hoàn toàn khác với những gì thế giới từng trải qua trước kia.

Theo Fortune, nhà kinh tế học đó chính là ông Mohamed El-Erian - cựu CEO của hãng tài chính PIMCO. Ông cũng từng là Chủ tịch Hội đồng Phát triển Toàn cầu của Tổng thống Barack Obama và viết nhiều cuốn sách bán chạy về kinh tế.

Nói một cách đơn giản, nhà kinh tế El-Erian là một trong những chuyên gia về thị trường và Fed giỏi nhất còn sống, và ông không thích những gì mình nhìn thấy trong khoảng thời gian qua.

Nhà kinh tế Mohamed El-Erian tại một sự kiện ở Đại học Cambridge. (Ảnh: Getty Images).

Trong một bài luận đăng trên Foreign Affairs, ông cho rằng một số cơ quan và thị trường đang tin rằng những thách thức kinh tế hiện nay “chỉ mang tính tạm thời và có thể nhanh chóng đảo ngược”.

Vị chuyên gia đề cập đến nhận định ban đầu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rằng lạm phát chỉ tăng nhất thời hoặc việc các nhà kinh tế cho rằng suy thoái có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

Ông tiếp tục: “Thế giới bây giờ không chỉ nghiêng ngả trên bờ vực suy thoái, mà còn đang ở giữa một cuộc chuyển đổi kinh tế và tài chính sâu sắc hơn”.

Cựu CEO Pimco đã nhắc đến một lý thuyết kinh tế, trong đó lập luận rằng suy thoái xảy ra khi chu kỳ kinh doanh đạt đến điểm kết và trước khi chu kỳ tiếp theo thực sự bắt đầu.

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng thay vì được hưởng thêm một vòng quay kinh tế nữa, thế giới có thể đang trải qua một loạt thay đổi lớn về mặt cấu trúc “dự kiến sẽ kéo dài lâu hơn chu kỳ kinh doanh hiện tại”.

Ông El-Erian đã nhấn mạnh ba xu hướng nhằm chứng minh một cuộc chuyển đổi kinh tế đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Ba xu hướng đang thay đổi quỹ đạo kinh tế

Theo nhà kinh tế, xu hướng đầu tiên là cuộc chuyển đổi từ không đủ cầu (insufficient demand) sang thiếu cung (insufficient supply).

Xu hướng thứ hai là giai đoạn bơm thanh khoản ồ ạt của các ngân hàng trung ương đã đến hồi kết và thứ ba là thị trường tài chính ngày càng trở nên mong manh.

Ba chuyển biến trên giúp giải thích “nhiều diễn biến kinh tế bất thường trong vài năm qua”, ông El-Erian viết trong bài luận.

Trong tương lai, vị chuyên gia dự đoán triển vọng sẽ càng bấp bênh hơn khi các cú sốc kinh tế “đến ngày càng thường xuyên và bạo lực hơn”. Ông nói thêm rằng các nhà phân tích vẫn chưa thức tỉnh để nhận ra thực tế này.

Xu hướng đầu tiên bắt nguồn từ đại dịch COVID-19. Ban đầu, toàn bộ hệ thống kinh tế đột ngột khựng lại và sau đó nhận được các gói kích thích khổng lồ từ chính phủ, dẫn đến “nhu cầu tăng mạnh so với nguồn cung”.

Song, thời gian trôi qua, ông El-Erian nhận thấy rõ ràng là vấn đề nguồn cung “không chỉ xuất phát từ đại dịch”.

Nó còn liên quan đến cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, dẫn đến các lệnh trừng phạt và căng thẳng địa chính trị. Ngoài ra, cú sốc nguồn cung còn gắn liền với tình trạng thiếu hụt lao động mà đại dịch gián tiếp gây ra.

Các gián đoạn trong chuỗi cung ứng đã thúc đẩy doanh nghiệp đưa dây chuyền về gần quê nhà hơn. “Nearshoring” - cách mà giới chuyên gia gọi tên xu hướng này, cho thấy “bản chất của toàn cầu hoá” đang thay đổi.

“Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn khi những thay đổi trong hệ thống kinh tế toàn cầu diễn ra cùng lúc các ngân hàng trung ương thay đổi lập trường chính sách tiền tệ”, ông El-Erian lưu ý thêm.

 

Trong nhiều tháng qua, nhà kinh tế liên tục chỉ trích Fed, cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ đã quá chậm chạp trong việc nhận diện lạm phát cũng như tăng lãi suất để kìm hãm áp lực giá cả.

Khi lạm phát leo thang, Fed đã tăng lãi suất một cách mạnh mẽ, trong đó có 4 lần tăng 75 điểm cơ bản liên tiếp. Tuy nhiên, việc Fed đảo chiều chính sách đã dẫn đến vấn đề thứ ba, ông El-Erian nhận định.

“Thị trường nhận ra rằng Fed đang cố gắng bù đắp quãng thời gian đã mất và bắt đầu lo lắng rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài, qua đó gây hại cho nền kinh tế. Kết quả là thị trường tài chính biến động dữ dội”, ông viết.

Vị chuyên gia cho hay, thị trường đã quen với nguồn tiền rẻ từ các ngân hàng trung ương và điều này đã gây ra một “tác động tiêu cực”.

“Một mảng lớn của hệ thống tài chính toàn cầu” đã đổ dồn vào các công ty quản lý tài sản, các công ty cổ phần tư nhân và quỹ phòng hộ - những tổ chức tài chính ít bị kiểm soát hơn, ông El-Erian viết.

Vì lẽ đó, chúng ta có thể hiểu được sự biến động trên thị trường tài chính kể từ khi kỷ nguyên tiền rẻ kết thúc trong năm nay. Mảng lớn nói trên đang tìm kiếm một “ngôi nhà mới”, một cách đầu tư khôn ngoan hơn. Bởi vậy, thị trường bây giờ rất mong manh.

Nhà kinh tế nói thêm: “Sự mong manh của hệ thống tài chính cũng làm phức tạp hoá công việc của các ngân hàng trung ương.

Thay vì chỉ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan bình thường - làm thế nào để khống chế lạm phát mà không làm tổn hại đến tăng trưởng, Fed bây giờ bị tấn công từ cả ba phía - làm sao để hạ nhiệt lạm phát, bảo vệ tăng trưởng và việc làm, và đảm bảo ổn định tài chính”.

Ông El-Erian kết luận rằng do những thay đổi nói trên, trong tương lai các nhà phân tích sẽ rất khó phán đoán kết quả kinh tế. Hơn nữa, kết quả đó có thể không đơn giản, mà sẽ diễn ra theo “hiệu ứng xếp tầng” - tức là một sự kiện xấu này sẽ dẫn đến một diễn biến tồi tệ khác.

Yên Khê