|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Nếu Fed nâng lãi suất tới khi lạm phát còn 2%, nền kinh tế sẽ suy thoái sâu'

16:44 | 21/11/2022
Chia sẻ
Ông Raphael Bostic, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, tỏ ý ủng hộ việc giảm tốc độ nâng lãi suất để giúp nền kinh tế hạ cánh mềm, tức là tránh được một cuộc suy thoái. Vị quan chức Fed này cho rằng lãi suất không nên tăng thêm quá 100 điểm cơ bản (bps).

Ông Raphael Bostic (giữa), Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, không phải là thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) năm 2022 nhưng được tham dự các cuộc họp của FOMC và đóng góp ý kiến về nền kinh tế và chính sách, chỉ không được biểu quyết các chính sách. (Ảnh: Bloomberg).

Tờ Fortune dẫn lời Chủ tịch chi nhánh Atlanta của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát biểu tại một sự kiện hôm 19/11: “Nếu nền kinh tế diễn biến như tôi kỳ vọng thì tôi cho rằng việc nâng lãi suất thêm 75 - 100 bps nữa là hợp lý”.’

Ông Bostic nói thêm: “Rõ ràng là lãi suất cần tăng thêm, và tôi tin rằng mức lãi suất chính sách [sau khi tăng 75 - 100 bps] là đủ để ghìm cương lạm phát trong khoảng thời gian hợp lý”.

“Tôi nghĩ là Fed không nên tiếp tục nâng lãi suất cho đến khi lạm phát chạm ngưỡng mục tiêu 2%. Do chính sách tiền tệ có độ trễ, việc nâng lãi suất đến khi lạm phát rơi xuống còn 2% chắc chắn là quá mạnh tay và sẽ gây ra suy thoái sâu".

Thước đo lạm phát ưa thích của Fed là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân cốt lõi (core PCE). Tháng 9 năm nay, core PCE tăng 5,1% so với cùng kỳ 2021. Số liệu tháng 10 sẽ được công bố vào ngày 1/12.

Tỷ lệ lạm phát đang cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.

Các thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed đã nâng lãi suất thêm 75 bps lần thứ 4 liên tiếp vào hôm 2/11 vừa qua, đưa lãi suất quỹ liên bang của Mỹ lên vùng 3,75 – 4%. Nếu dự đoán của ông Bostic là đúng thì lãi suất sẽ tiếp tục đi lên vùng 4,75 – 5% trong vài cuộc họp tới.

Chủ tịch chi nhánh Atlanta của Fed cho rằng khoảng lãi suất 4,75 – 5% là “có tác dụng hạn chế vừa phải” và Fed nên giữ mức lãi suất này trong một thời gian dài để tiếp tục tạo áp lực giảm giá cả.

Một số quan chức Fed đã ra tín hiệu cho biết có thể sẽ ủng hộ việc nâng lãi suất thêm 50 bps thay vì mức 75 bps trong 4 cuộc họp vừa qua. Tất nhiên, quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào diễn biến của các số liệu kinh tế. Cuộc họp sắp tới của FOMC sẽ diễn ra vào ngày 13 – 14/12.

“Giả sử nền kinh tế trong vài tuần tới chuyển biến như tôi dự báo, tôi sẽ sẵn lòng chấm dứt các đợt nâng lãi suất 75 bps vào cuộc họp tiếp theo”, ông Bostic nói cuối tuần vừa qua.

Hôm 16/11, ông Christopher Waller, một trong 7 thống đốc của Fed, chia sẻ trên kênh CNBC: “Nhìn về cuộc họp tháng 12 của FOMC, số liệu kinh tế trong những tuần vừa qua khiến tôi sẵn lòng hơn trong việc xem xét giảm tốc độ nâng lãi suất còn 50 bps. Nhưng tôi sẽ chỉ đưa ra quyết định về vấn đề này sau khi có thêm dữ liệu, bao gồm chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) và báo cáo thị trường việc làm tiếp theo”.

Ngược lại, ông James Bullard, Chủ tịch chi nhánh St. Louis của Fed, lại tỏ ra "diều hâu" hơn khi đề xuất nâng lãi suất lên vùng 5 – 7%, ít nhất là trong khoảng 5 – 5,25%.

Lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt trong những tháng gần đây nhưng vẫn ở mức cao.

Ông Bostic cho rằng có “những tia hy vọng” về việc sự đứt gãy nguồn cung đang giảm bớt nhưng cũng nhận định rằng tình hình lạm phát hiện nay “có nhiều tín hiệu trái chiều” và còn nhiều việc cần làm để giảm áp lực giá cả.

Theo ông Bostic, một khi lãi suất chính sách đạt đến mức thắt chặt vừa phải, Fed nên giữ nguyên lãi suất trong một khoảng thời gian dài chứ không nên vội vàng đảo chiều. Mục đích là để lạm phát không ngóc đầu sống dậy như trong thập niên 1970. Ông kêu gọi các nhà hoạch định chính sách hãy “nhớ rõ mục tiêu và phải kiên quyết” cho đến khi lạm phát được kiểm soát.

Đức Quyền

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.