Dân Mỹ vẫn vung tiền mua sắm, chính sách lãi suất của Fed càng thêm khó đoán
Thêm báo cáo, thêm bất ổn
Hôm 16/11, Bộ Thương mại Mỹ thông báo doanh số bán lẻ tháng 10 tăng khoảng 1,3% so với tháng trước đó (đã điều chỉnh yếu tố mùa vụ). Theo Wall Street Journal, thước đo này đã liên tục đi lên trong những tháng gần đây.
Người tiêu dùng đã chi nhiều tiền hơn cho các mặt hàng thiết yếu đang ngày càng trở nên đắt đỏ như xăng dầu và thực phẩm. Đồng thời, họ cũng tăng chi tiêu cho các món hàng tuỳ ý như xe hơi, đồ nội thất và bữa ăn tại nhà hàng.
Theo các nhà kinh tế, một số khoản chi tiêu là nhằm mua vật liệu xây dựng và đồ đạc để sửa sang lại nhà cửa sau cơn bão Ian.
Doanh số bán lẻ tháng 10 tăng vọt là bằng chứng cho thấy các hộ gia đình Mỹ vẫn còn đủ nguồn lực để mạnh tay mua sắm, bất chấp lạm phát đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ, lãi suất lên cao và bất ổn kinh tế leo thang.
Rất nhiều gia đình đã tích luỹ được khoản tiền tiết kiệm khổng lồ trong giai đoạn đầu của đại dịch nhờ các gói cứu trợ hàng nghìn tỷ USD của chính phủ cũng như do họ ít có cơ hội chi tiêu trong thời kỳ phong toả và được hưởng mức lương cao hơn.
Công ăn việc làm cũng còn khá dồi dào, bất chấp thực tế là doanh nghiệp trong một số ngành nghề như công nghệ đang đẩy mạnh việc sa thải nhân viên. Ngoài ra, các nhà bán lẻ cũng đã bắt đầu giảm giá sớm trước mùa mua sắm cuối năm, qua đó giúp kích cầu tiêu dùng.
Theo ước tính từ Fed, tính đến giữa năm nay, người tiêu dùng tại Mỹ đang có khoảng 1.700 tỷ USD tiền tiết kiệm. Nếu thu nhập và chi tiêu tăng tương tự mức trước đại dịch thì con số tiết kiệm cũng không cao đến vậy.
Đầu tuần này, ông lớn bán lẻ Walmart cho biết so với một năm trước, doanh số bán hàng tại Mỹ của tập đoàn đã đi lên trong quý III. Home Depot cũng báo cáo kết quả khả quan tương tự khi người dân đẩy mạnh mua sắm các món hàng giá trị cao và tân trang nhà cửa.
Tuy nhiên, Target cho biết người tiêu dùng đã rút lui trong những tuần gần đây, khiến doanh số bán lẻ trong quý gần nhất của gã khổng lồ này đi xuống.
Khác với nhiều báo cáo của chính phủ, doanh số bán lẻ không được điều chỉnh theo lạm phát và có thể phản ánh chênh lệch giá bán trên thị trường, bên cạnh doanh số bán hàng, tờ Wall Street Journal cho hay.
Doanh số bán lẻ cũng cung cấp một phần bức tranh nhu cầu tiêu dùng, vì báo cáo này không bao gồm các khoản chi tiêu cho dịch vụ như du lịch, nhà cửa và tiện ích.
Fed đang tăng lãi suất với tốc độ mạnh mẽ nhất kể từ đầu những năm 1980 để hạ nhiệt chi tiêu tiêu dùng, hoạt động tuyển dụng và đầu tư - qua đó khống chế lạm phát.
Nhu cầu tiêu dùng vững mạnh, tăng trưởng việc làm cùng tăng trưởng tiền lương ổn định đang khiến nhiệm vụ đó của Fed trở nên khó khăn hơn. Các quan chức có thể phải kéo lãi suất lên cao hơn và duy trì ở mức cao lâu hơn.
Nhiệm vụ ngày càng thách thức
Hôm 15/11, bà Esther George - Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas, cho biết lạm phát có nguy cơ ăn sâu bám rễ vào nền kinh tế do thị trường việc quá nóng. Điều đó khiến Fed ngày càng khó kìm chế lạm phát mà không gây ra suy thoái.
“Tôi thấy thị trường lao động đang bị siết rất chặt, không biết có cách nào để chúng ta đè bẹp lạm phát mà không khiến nền kinh tế đi chậm lại... thậm chí có thể chúng ta còn cần nền kinh tế phải thu hẹp lại”, bà George nhấn mạnh.
Một ngày sau, Thống đốc Fed - ông Christopher Waller cảnh báo rằng còn quá sớm để kết luận là lạm phát đã đạt đỉnh hoặc ngân hàng trung ương Mỹ có thể chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất vào đầu năm tới.
Vị thống đốc cho rằng tăng trưởng kinh tế và tiền lương tại Mỹ cần phải chững lại thì Fed mới có đủ tự tin rằng việc tăng lãi suất sẽ làm giảm lạm phát. Bài phát biểu này được đưa ra sau khi Bộ Thương mại công bố doanh số bán lẻ tháng 10.
Theo ông Waller, trong mùa hè năm nay và một năm trước, áp lực lạm phát có vẻ từng dịu bớt, nhưng sau đó lại tăng tốc trở lại. “Chúng ta đã từng thấy thước phim này, vì vậy còn quá sớm để kết luận rằng kết thúc lần này sẽ có hậu”, ông lưu ý.
Dù vậy, lạm phát tháng 10 đã hạ nhiệt phần nào. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng vừa qua chỉ tăng 7,7% so với một năm trước - chững lại đáng kể với thời điểm đầu năm nay cũng như so với mức tăng 9,1% ghi nhận trong tháng 9.
Nếu so với tháng liền kề thì CPI tháng 10 tăng 0,4% (đã điều chỉnh yếu tố mùa vụ). Tuy nhiên, so với tăng trưởng doanh số bán lẻ cùng tháng thì mức tăng CPI này lại không bằng, Wall Street Journal chỉ ra.
Các nhà kinh tế và giám đốc điều hành doanh nghiệp đang theo dõi chặt chẽ chi tiêu của người tiêu dùng trong những tuần đầu của mùa mua sắm cuối năm. Tuần tới, sự kiện Black Friday sẽ diễn ra.
Cô Alana Carr, đồng chủ sở hữu của một chuỗi bán lẻ nhỏ tại Washington, cho biết tình hình mua bán trong năm nay rất tích cực. “Chúng tôi sắp sửa có năm kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay”, cô cho hay.
Song, cô Carr lo lắng rằng doanh số bán hàng có thể giảm đôi phần trong kỳ nghỉ lễ cuối năm do triển vọng kinh tế bất ổn và lạm phát ăn vào ngân sách của người tiêu dùng.