|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chuyện chưa kể từ thời Paul Volcker: Khống chế lạm phát không chỉ cần Fed và lãi suất

08:00 | 06/11/2022
Chia sẻ
Những góc khuất từ câu chuyện chống lạm phát của cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker cách đây hơn 40 năm có thể giúp ích cho cuộc chiến của ông Jerome Powell và các đồng nghiệp bây giờ.

 

Nhiều chuyên gia thúc giục Chủ tịch Fed Jerome Powell (bên trái) nối gót người tiền nhiệm Paul Volcker để khống chế lạm phát. (Ảnh: The Wire/Reuters).

Áp lực đang tiếp tục đè nặng lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bởi lạm phát vẫn chưa rút khỏi mức cao nhất trong hàng thập kỷ. Giữa tuần này, Fed đã nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản - lần thứ 4 liên tiếp trong năm nay để khống chế áp lực giá cả.

Tuy nhiên, các quan chức “diều hâu” muốn Chủ tịch Jerome Powell phải noi gương người tiền nhiệm Paul Volcker: tăng lãi suất lên mức cao hơn nữa để kìm hãm nhu cầu, ngay cả khi cái giá phải trả là một cuộc suy thoái kinh tế nguy hiểm.

Các đợt tăng lãi suất của Volcker vào những năm 1980 đã khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoảng. Nhưng cuối cùng Mỹ cũng phục hồi và trải qua giai đoạn “Đại Ổn định".

Trong hơn ba thập kỷ kể từ chu kỳ thắt chặt chính sách của Chủ tịch Volcker, lạm phát tại siêu cường lớn nhất thế giới duy trì ở mức rất thấp, ngay cả khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng.

Câu chuyện chống lạm phát của “người hùng” Paul Volcker, dù mang lại sự tín nhiệm cho các nhà hoạch định chính sách của Fed, lại thiếu vắng nhiều chi tiết khác giúp giải thích tại sao lạm phát lại thoái lui.

Các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ có thể siết chặt nguồn cung tín dụng, nhưng không thể giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến vai trò của các liên đoàn lao động hay chuỗi cung ứng.

Nói cách khác, chu kỳ thắt chặt tiền tệ do Paul Volcker khởi xướng chỉ là một phần của toàn bộ chính sách chống lạm phát. Hiện giờ, tình thế không thực sự ưu ái Fed bởi các yếu tố từng giúp sức cho Volcker không khả dụng ngay bây giờ.

Dù lương của người lao động đang tăng, các công đoàn không còn là lực lượng giúp thúc đẩy lương đi lên nữa. Mặt khác, chuỗi cung ứng toàn cầu từng cho phép Mỹ nhập khẩu hàng hoá giá rẻ đang đổ vỡ và trở thành một phần nguyên nhân gây ra lạm phát.

 

Các công đoàn giúp đánh bại lạm phát ra sao?

Fed có một “núm xoay chỉnh” để tăng giảm nhiệt độ của nền kinh tế: lãi suất. Khi Fed tăng chi phí đi vay, phần còn lại của hệ thống tài chính sẽ lần lượt nâng lãi suất, qua đó giảm bớt nguồn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp. Họ sẽ gặp khó khăn hơn nếu muốn mở công ty mới, tài trợ dự án mới hoặc mua nhà.

Ngân sách của các hộ gia đình sẽ trở nên eo hẹp hơn và người lao động dễ có nguy cơ mất việc cũng như không có cơ sở vững chắc để yêu cầu tăng lương. Chi tiêu và tăng trưởng lương sẽ cùng chậm lại.

Mối quan hệ giữa lạm phát và việc làm từng được mô tả trong lý thuyết kinh tế nổi tiếng năm 1958 - đường cong Phillips. Học thuyết này cho rằng lạm phát tăng khi tỷ lệ thất nghiệp giảm.

Đường cong Phillips làm phát sinh một bài toán hóc búa là nhiều việc làm hơn thì đồng nghĩ rằng giá cả sẽ lên cao hơn. Đây chính là trọng tâm các cuộc thảo luận về lạm phát trước thời Paul Volcker.

Trong thời kỳ bùng nổ những năm 1950 và 1960, rất nhiều người Mỹ có thể dễ dàng tìm việc làm và leo lên tầng lớp trung lưu. Sau giai đoạn này, có vẻ họ đã tiêu thụ nhiều hơn lượng hàng hoá có thể sản xuất được và do đó trở nên phụ thuộc hơn vào hàng nhập khẩu, chẳng hạn như dầu mỏ.

Khi giá xăng tăng cao, người lao động yêu cầu được tăng lương, buộc ông chủ của họ phải nâng giá bán hàng để chi trả cho mức lương mới. Điều này gây áp lực lên khách hàng, lại buộc họ phải đòi hỏi tăng lương - tạo thành vòng xoáy giá-lương.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách của Fed cố không tăng mạnh lãi suất nhằm làm hài lòng các chính trị gia. Vox nhận xét rằng không ai khi đó đủ can đảm để dập tắt chu kỳ tăng trưởng của đất nước.

Sau đó, chúng ta có câu chuyện chống lạm phát của Volcker và những người kế nhiệm như Alan Greenspan. Họ được cho là đã ngừng vòng xoáy giá-lương chỉ bằng cách tăng lãi suất, đồng thời còn giành lại sự tín nhiệm cho Fed. Tuy nhiên, câu chuyện không đề cập đến những góc khuất có phần lộn xộn khác.

Trong nghiên cứu công bố đầu năm nay, hai nhà kinh tế cấp cao của Fed là David Ratner và Jae Sim cho biết Fed có thể khống chế đà đi lên của tiền lương là nhờ công của những chính sách từng khiến người lao động khó yêu cầu tăng lương.

Không có các công đoàn lớn chống lưng, công nhân thường khó có thể đòi hỏi mức lương cao hơn ngay cả khi nhu cầu lao động tăng lên. Thực tế này sẽ làm phẳng đường cong Phillips.

Phân tích của Ratner và Sim cho thấy, việc công nhân mất khả năng thương lượng mức lương đã làm giảm mức độ biến động lạm phát khoảng 87% mà không cần các biện pháp can thiệp tiền tệ như tăng lãi suất.

 

“Cú sốc Volcker” diễn ra cùng lúc với nỗ lực chống lại các công đoàn của cựu Tổng thống Ronald Reagan cũng như một số diễn biến khác khiến sức mạnh của các tổ chức này trở nên yếu ớt hơn.

Theo Vox, Volcker và các đồng nghiệp quả thực từng ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của sức mạnh công đoàn tới việc tăng lương của người lao động.

Các công đoàn có thể đã đạt được một số bước tiến ở thời điểm hiện tại, nhưng tỷ lệ công đoàn hoá quốc gia hiện chỉ bằng một nửa so với năm 1983.

Ngày nay, thay vì thúc đẩy mức lương cao hơn cho công nhân, các công đoàn có thể đang làm điều ngược lại. Bằng cách thương lượng các hợp đồng dài hạn, họ đã chốt lương cho công nhân ở mức cố định trong nhiều năm.

Hiện tại, xu hướng tăng lương có lẽ bắt nguồn từ làn sóng nghỉ hưu khó có thể thể tránh khỏi trong tương lai gần, các cơ hội việc làm mới sau đại dịch và việc nhiều người trong những ngành nghề vất vả nhưng lương thấp chọn nghỉ việc.

Chuỗi cung ứng “đóng lại”

Tương tự, chu kỳ thắt chặt chính sách của Paul Volcker còn diễn ra cùng lúc với việc toàn cầu hoá bùng nổ và sự ra đời của chuỗi cung ứng siêu hiệu quả trên toàn thế giới, Vox nhấn mạnh.

Các cơ sở hạ tầng logistics cùng các thoả thuận thương mại và phương pháp quản lý tồn kho mới đã cho phép doanh nghiệp Mỹ mua được hàng hoá và linh kiện giá rẻ từ bên kia thế giới với tốc độ nhanh chóng đáng kinh ngạc.

 

Toàn cầu hoá cũng góp phần làm suy yếu sức mạnh của công đoàn, vì nó giúp các công ty chuyển nhà máy đến những nước có lao động giá rẻ và chi phí vận hành thấp hơn. Công nhân Mỹ lại càng mất đi khả năng cải thiện điều kiện làm việc hay tăng lương.

Khi những thứ mà tiền lương của người lao động mua trở nên rẻ hơn, họ sẽ ít cần đòi hỏi mức lương cao hơn. Mặt khác, lạm phát sẽ thấp hơn khi toàn cầu hoá giúp làm tăng lượng hàng hoá nhập khẩu và cạnh tranh lao động tại Mỹ.

Song, mô hình toàn cầu hoá này đang dần sụp đổ, dẫn đến việc giá cả tăng một cách khó lường. Giờ đây, chuỗi cung ứng có nhiều điểm tắc nghẽn hơn, chẳng hạn như việc hoạt động sản xuất gián đoạn vì chính sách Zero COVID tại Trung Quốc.

Trong khi các nút thắt chuỗi cung ứng được dự đoán sẽ dịu bớt trong năm nay thì bất ổn địa chính trị lại chen chân vào. Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và làn sóng trả đũa kinh tế sau đó đã làm đảo lộn nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Ngoài ra, mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa phương Tây và Trung Quốc cũng gây thêm rối ren, đặc biệt là khi phần nhiều hàng hoá mà Mỹ nhập khẩu là đến từ đất nước tỷ dân.

Nếu Fed không thể can thiệp đến các động lực nội tại của thị trường lao động, thì họ càng không thể tác động đến các chính sách đối ngoại và địa chính trị, Vox nhận xét.

Các nhà hoạch định chính sách đã tăng lãi suất từ đầu năm nay nhưng lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt. Lãi suất của Fed dường như gây ra nỗi đau cho nền kinh tế Mỹ, nhưng không tạo ra thành tựu trong cuộc chiến chống lạm phát. Theo Vox, nếu để một mình Fed đương đầu với lạm phát thì Mỹ có thể thất bại.

Yên Khê

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.