|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Powell tuyệt đối không được lặp lại sai lầm của cựu Chủ tịch Paul Volcker

15:05 | 15/09/2022
Chia sẻ
Một cựu thống đốc Fed nhấn mạnh, Chủ tịch Jerome Powell không nên mắc phải sai lầm mà người tiền nhiệm Paul Volcker từng gặp phải. Nếu không, cái giá mà Fed phải trả sẽ còn đau đớn và vất vả hơn nhiều.

 

Cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker. (Ảnh: Getty Images). 

Paul Volcker được coi là chủ tịch ngân hàng trung ương vĩ đại nhất mọi thời đại vì ông và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thành công khống chế lạm phát vào đầu thập niên 1980.

Tuy nhiên, điều ít người nhắc đến là sai lầm chính sách nghiêm trọng mà Volcker đã phạm phải vào năm 1980, cây bút Frederic Mishkin - hiện là giáo sư tại Trường Kinh doanh Columbia và từng là thống đốc Fed, cho hay.

Kết quả của sai lầm đó là lạm phát tăng cao và kéo dài hơn, đòi hỏi Fed phải thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay hơn, để rồi dẫn đến cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất tại Mỹ kể từ sau Thế chiến II cho đến thời điểm đó.

Theo ông Mishkin, có rất nhiều điểm tương đồng giữa tình hình hiện tại của Chủ tịch Jerome Powell và những gì từng xảy ra dưới thời của Paul Volcker. Vì lẽ đó, vị giáo sư khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách nên rút kinh nghiệm để tránh lặp lại sai lầm.

 

Sai lầm của quá khứ

Tại thời điểm Volcker trở thành “thuyền trưởng” của Fed vào tháng 7/1979, uy tín của ngân hàng trung ương Mỹ về vấn đề lạm phát đã bị huỷ hoại bởi các chính sách tai hại của hai người tiền nhiệm là Arthur Burns và G. William Miller. Tháng 10 cùng năm, lạm phát đã chạm mốc 12%.

Tại một cuộc họp báo bất ngờ vào ngày 6/10/1979, Volcker thông báo rằng Fed sẽ cho phép lãi suất quỹ liên bang “dao động trong một phạm vi rộng hơn”. Đến tháng 4/1980, lãi suất chuẩn tại Mỹ đã vọt lên hơn 17%.

Công chúng ngày càng gây sức ép buộc Fed phải đảo ngược các đợt tăng lãi suất. Nông dân phong toả trụ sở của Fed bằng máy kéo, trong khi các đại lý ô tô gửi chìa khoá xe hơi trong quan tài đến cho Fed.

Các chính trị gia của cả hai đảng cũng vào cuộc và thúc giục ngân hàng trung ương Mỹ phải hạ lãi suất, ông Mishkin kể lại trên tờ Financial Times.

Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tăng hơn 1 điểm % lên khoảng 7% vào tháng 5/1980, Fed quyết định đảo chiều và giảm mạnh lãi suất quỹ liên bang hơn 7 điểm %. Động thái này được thực hiện bất chấp thực tế là lạm phát đã đạt đỉnh 14,7% vào tháng 4.

Fed đã nao núng và sự tín nhiệm mà công chúng dành cho Volcker như một người hùng chống lạm phát cũng lung lay. Kỳ vọng lạm phát ở mức cao trong thời gian dài và lạm phát thực tế quả thực đã ở trên mức 12% cho đến cuối năm 1980.

 

Khi suy thoái kinh tế dần khép lại vào tháng 7 năm đó, Fed đã quay trở lại cuộc chiến chống lạm phát và bắt đầu nâng lãi suất một lần nữa. Song, lần này, để thiết lập lại uy tín của mình, ngân hàng trung ương Mỹ đã phải kéo lãi suất chuẩn lên gần mức 20% vào giữa năm 1981.

Cuối cùng thì Chủ tịch Volcker cũng có đủ can đảm để đánh sập nền kinh tế và khống chế lạm phát. Cuộc suy thoái tiếp theo bắt đầu vào tháng 7/1981, trở thành cú sốc kinh tế lớn nhất của Mỹ kể từ sau Thế chiến II.

Chỉ sau khi “hãm phanh” nền kinh tế và giữ lãi suất quỹ liên bang ở mức gần 15% cho đến giữa năm 1982, Fed mới khiến kỳ vọng lạm phát và lạm phát chầm chậm hạ xuống mức 3% vào năm 1983.

Nhìn lại quá khứ, chúng ta có thể thấy rằng nếu Fed đảo chiều chính sách trước khi nhiệm vụ kiềm chế lạm phát thực sự hoàn thành, uy tín của chính họ sẽ bị ảnh hưởng và cuối cùng các nhà hoạch định phải trả cái giá đắt hơn là so với khi Volcker “cầm chắc tay súng” mà nhắm vào lạm phát.

Rút sợi dây kinh nghiệm

Có nhiều điểm tương đồng giữa giai đoạn kể trên với những thách thức mà ngân hàng trung ương Mỹ đang phải đối mặt hiện nay, giáo sư Mishkin nhận định. Uy tín của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát đã bị suy yếu do một số sai lầm về chính sách.

Chẳng hạn, trong suốt năm ngoái, Fed cho rằng lạm phát chỉ mang tính chất “tạm thời”, bất chấp cảnh báo sớm từ những chuyên gia như cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Lawrence Summers.

Hiện, Fed đã đảo ngược hướng đi và đang tăng lãi suất quỹ liên bang với tốc độ nhanh nhất trong hơn 40 năm. Theo giáo sư Mishkin, việc Fed đánh mất uy tín ở giai đoạn đầu sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách phải tăng lãi suất nhiều hơn so với dự đoán của chính họ hoặc của thị trường.

Chủ tịch Fed hiện tại Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images).

Do đó, khả năng hạ cánh mềm là khá thấp và suy thoái ngày càng dễ xảy ra. Cho đến nay, Chủ tịch Powell và các đồng nghiệp vẫn nhấn mạnh quyết tâm ghìm cương lạm phát. Họ quả quyết suy thoái sẽ không thể ngăn cản Fed nâng lãi suất lên cao hơn cho đến khi lạm phát quay đầu về mức mục tiêu 2%.

Tuy nhiên, Fed có thể dễ dàng theo đuổi lập trường này khi nền kinh tế Mỹ hoạt động trơn tru và khi giới chính trị gia không gây mấy áp lực nhằm buộc các quan chức phải hạ lãi suất chuẩn.

Mọi việc có thể thay đổi khi công nhân không thể tìm được việc làm và lãi suất vay thế chấp để mua xe hay mua nhà lên quá cao. Khi tình hình trở nên khó khăn hơn nữa, ông Powell sẽ cần phải giữ vững tâm thế.

Fed sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất lên mức kìm hãm tăng trưởng và giữ lãi suất ở đó trong thời gian đủ dài. Nói cách khác, họ cần phải tránh không lặp lại sai lầm mà Paul Volcker đã mắc phải vào năm 1980.

 

Yên Khê