|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tổng thống Biden bỏ ngoài tai mọi tiếng chuông báo động suy thoái

19:33 | 07/11/2022
Chia sẻ
Theo các quan chức Nhà Trắng, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden không cho rằng kinh tế Mỹ đang trên đà rơi vào suy thoái. Do đó, họ cũng không chuẩn bị cho tình huống này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một phát biểu. (Ảnh: Reuters)

Sự lạc quan của Nhà Trắng

Trả lời phỏng vấn MSNBC, Chánh Văn phòng Nhà Trắng, ông Ron Klain nói: "Chúng ta không trong tình trạng suy thoái. Tôi muốn thực sự rõ ràng về điều này". Trong khi đó, Thư ký Báo chí Nhà Trắng, bà Karine Jean-Pierre nói với MSNBC rằng chính quyền của ông Biden không lên kế hoạch cho tình trạng suy thoái.

Theo bà Jean-Pierre, không có cuộc họp hay bất cứ điều gì xảy ra giống như để chuẩn bị cho một cuộc suy thoái khi hiện nay thị trường lao động Mỹ vẫn mạnh mẽ.

Thị trường việc làm của Mỹ đang chuyển biến tích cực, với tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 10 đứng ở mức 3,7%, tăng nhẹ so với mức 3,5% trong tháng 9.

 

Trong tháng trước, kinh tế Mỹ tạo thêm 261.000 việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp, giảm nhẹ so với mức 263.000 việc làm trong tháng 9, nhưng cao hơn dự kiến của một số nhà kinh tế.

Đăng tải trên trang Twitter, Tổng thống Biden đã “khoe” rằng: “Số việc làm đang tăng, tổng sản phẩm quốc nội cũng tăng trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm. Nước Mỹ đang khẳng định lại sức mạnh của chính mình".

Trong một tuyên bố do Nhà Trắng đưa ra ngày 4/11, ông Biden nhận định: Bình luận của lãnh đạo đảng Cộng hòa dường như cho thấy họ đang chuẩn bị cho một cuộc suy thoái, song kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng và tạo thêm việc làm, giá xăng tiếp tục đi xuống. 

Định nghĩa suy thoái

Trái với những nhận định lạc quan từ Nhà Trắng, một số chỉ số kinh tế khác lại cho thấy Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong tương lai gần.

Một nền kinh tế thường được coi là suy thoái nếu trải qua hai quý tăng trưởng âm liên tiếp - tình trạng mà Mỹ đã trải qua trong hai quý đầu năm nay khi GDP thu hẹp lần lượt 1,6% và 0,6%.

Trong quý III/2022, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,6%, song điều này không đồng nghĩa với việc kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý IV/2022. GDP tiếp tục giảm sẽ là một dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ xảy ra suy thoái.

Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới không được coi là rơi vào suy thoái cho đến khi các nhà kinh tế thuộc Ủy ban Xác định Chu kỳ Kinh doanh (BCDC) thuộc Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) đưa ra thông báo chính thức.

Theo định nghĩa của NBER, suy thoái là tình trạng hoạt động kinh tế suy giảm đáng kể và kéo dài trong một vài tháng và BCDC cho rằng Mỹ vẫn chưa trải qua tình huống như vậy. 

GDP của Mỹ tăng trưởng dương sau hai quý giảm liên tiếp.

Ông Thomas Gift, Giám đốc sáng lập Trung tâm Chính trị Mỹ tại Đại học College London, nói với tờ Newsweek rằng: “Đối với ông Biden, giảm khả năng suy thoái là một điều cần thiết trên chính trường vào thời điểm hiện nay. Trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 8/11, không ai trong đảng Dân chủ muốn nhà lãnh đạo của họ lo lắng về viễn cảnh suy thoái kinh tế”.

Theo ông Gift, trong mùa hè, Nhà Trắng đã cố gắng điều chỉnh lại định nghĩa suy thoái, để tránh việc chính quyền của ông Biden bị gắn với từ này.

Hồi tháng 7, Nhà Trắng đã phản đối quan điểm cho rằng Mỹ rơi vào suy thoái kinh tế sau hai quý tăng trưởng âm liên tiếp. Động thái trên đã dẫn đến những cuộc thảo luận rộng rãi về định nghĩa suy thoái và dấy lên cáo buộc Nhà Trắng cố gắng định nghĩa lại thuật ngữ này.

Triển vọng suy thoái

Trong dự báo công bố ngày 17/10, Bloomberg Economics dự kiến nước Mỹ gần như chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng.

Các nhà kinh tế của Bloomberg ước tính có 100% khả năng kinh tế rơi vào suy thoái trước tháng 10/2023, tăng so với tỷ lệ 65% trong dự báo trước đó.

Theo khảo sát của công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng Bankrate, Chỉ số Kinh tế Quý III cho thấy có 65% khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng 12 đến 18 tháng tới, so với tỷ lệ 52% trong cuộc khảo sát quý II.

CEO của cả Goldman Sachs và JPMorgan cũng đều dự báo về một cuộc suy thoái tại Mỹ trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nỗ lực chống lạm phát. Ngân hàng Barclays đã dự báo về sự suy giảm tại các nền kinh tế lớn trong đó có Mỹ trong quý IV và cánh cửa để nước này thoát được suy thoái trong năm 2023 là khá hẹp.

Trả lời tờ Newsweek, ông Mark Hamrick, nhà phân tích của trang Bankrate.com nói: “Nhiều nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp đều nhất trí rằng nguy cơ suy thoái sẽ khá cao trong năm 2023. Tại cuộc họp báo gần đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, cũng thừa nhận con đường cho một cuộc hạ cánh mềm đang thu hẹp. Điều này có nghĩa là khả năng suy thoái đang tăng lên”.

Fed đã tăng lãi suất 6 lần liên tiếp kể từ tháng 3 năm nay.

Lạm phát và lãi suất

Một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra mối lo ngại về suy thoái là chính sách tăng lãi suất của Fed để kiểm soát lạm phát.

Tỷ lệ lạm phát tại Mỹ trong tháng 9 là 8,2%, vượt xa mục tiêu 2% của Fed. Số liệu lạm phát cho tháng 10 sẽ được công bố ngày 10/11.

Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp kéo dài trong hai ngày 1-2/11, đưa lãi suất lên phạm vi 3,75 - 4%. Đây lần tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản thứ tư liên tiếp và là lần tăng lãi suất thứ sáu liên tiếp của Fed.

Quyết sách cứng rắn của Fed đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế khi làm mất đi động lực tăng trưởng kinh tế do đà tăng của chi phí đi vay.

Tờ The Washington Post mới đây đã có bài viết cho rằng Fed có thể phải kích hoạt một cuộc suy thoái để giải quyết lạm phát. Trong khi đó, một cuộc khảo sát của hãng CNN cho thấy 75% cử tri cảm thấy nước Mỹ đang rơi vào suy thoái.

Trà My