|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cử tri đặc biệt quan tâm lạm phát, Đảng Dân chủ của ông Biden yếu thế thấy rõ

06:36 | 09/11/2022
Chia sẻ
Những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm hướng sự quan tâm của cử tri từ lạm phát sang cuộc phục hồi của thị trường lao động không thực sự hiệu quả. Đảng Dân chủ đang yếu thế thấy rõ so với Đảng Cộng hoà.

Trọng tâm là nền kinh tế

Nhiều tháng trước, cử tri tại Mỹ từng bàn tán xôn xao về quyền phá thai, các mối đe doạ đối với nền dân chủ, biến đổi khí hậu, nhập cư và tội phạm.

Giờ đây, khi cuộc bầu cử giữa kỳ bắt đầu, họ đang để tâm nhiều hơn tới tình trạng chung của nền kinh tế và đặc biệt là lạm phát.

Chia sẻ với Bloomberg, ông Jeff Jones, biên tập viên cao cấp tại nền tảng Gallup Poll, cho biết lần gần nhất các cử tri gọi lạm phát là vấn đề hàng đầu trong một năm bầu cử là vào tháng 8/1982.

Khi đó, Mỹ đang trải qua một cuộc suy thoái sâu và ông chủ Nhà Trắng là một thành viên Đảng Cộng hoà. Lần này, “lạm phát đã trở thành mối quan tâm hàng đầu trong suốt cả năm nay”, ông Jones nói.

Đảng Dân chủ thường thất bại trong các cuộc bầu cử giữa kỳ. Hồi đầu mùa hè, họ hy vọng có thể thay đổi lịch sử bằng cách giành lấy lòng tin của các nhóm cử tri quan trọng cũng như tập trung vào các chủ đề như tiếp cận dịch vụ phá thai và kiểm soát súng đạn.

Tuy nhiên, hy vọng đó đã tàn lụi vào mùa thu bởi những tin tức kinh tế tiêu cực, chẳng hạn như lãi suất cho vay thế chấp tăng cao, giá nhà sụt giảm, thị trường chứng khoán và trái phiếu bất ổn.

Phần lớn các diễn biến trên đều là hệ quả của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) triển khai để kiềm chế lạm phát.

Đột nhiên, từ “suy thoái” xuất hiện trong các cuộc trò chuyện của người dân, sau khi các nhà kinh tế phát đi cảnh báo về triển vọng u ám của nền kinh tế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Getty Images).

Đảng Dân chủ thay đổi thông điệp

Tóm lại, lạm phát và suy thoái là những vấn đề đang xâm chiếm tâm trí cử tri. Đó cũng là lý do tại sao chính quyền Tổng thống Biden đã cố gắng thay đổi thông điệp kinh tế trong những ngày cuối của cuộc đua.

Nhà Trắng và các đồng minh trong Quốc hội đã cố gắng nhấn mạnh một thông điệp trong vài tháng qua, rằng dữ liệu kinh tế nổi bật nhất trong nhiệm kỳ của ông Biden không phải là lạm phát, mà là sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường lao động.

Hai năm rưỡi sau khi đại dịch đẩy hàng chục triệu người Mỹ vào cảnh mất việc, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc đã giảm trở lại mức 3,7% - tương đương con số trước các cuộc phong toả.

Sau cuộc Đại Suy thoái năm 2008, Mỹ mất gần hai lần khoảng thời gian đó để khôi phục số việc làm bị mất, tờ Bloomberg cho hay.

Bên trong Nhà Trắng, Chánh văn phòng Ron Klain là người đặc biệt ủng hộ duy trì thông điệp lạc quan này.

Trong một đoạn tweet vào ngày 4/11, ngay sau khi Bộ Lao động công bố báo cáo việc làm tháng 10, ông Klain đã trình bày về loạt thành tựu của chính quyền Biden trên thị trường việc làm.

Bất chấp thông điệp mới của Đảng Dân chủ, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy Nhà Trắng đã không thể thành công trước Đảng Cộng hoà trong việc thay đổi góc nhìn của cử tri về nền kinh tế.

 

Lâu nay, Đảng Cộng hoà vẫn luôn tìm cách đổ lỗi cho chính quyền ông Biden vì đã để lạm phát leo lên mức đỉnh 40 năm.

Chẳng hạn, theo cuộc thăm dò gần đây của New York Times và Siena College, các cử tri quan tâm nhiều nhất đến lạm phát cho biết họ tin tưởng Đảng Cộng hoà sẽ xử lý tốt các vấn đề kinh tế, với tỷ lệ chênh lệch là 2:1.

Ông Gary Cohn, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, cho hay: “Gói kích thích tài khoá 2.000 tỷ USD là không cần thiết...chính quyền ông Biden đã tiếp tục gây thêm áp lực lạm phát”.

“Nếu họ thực sự quan tâm đến cuộc chiến chống lạm phát, đáng lẽ họ phải hút tiền ra khỏi nền kinh tế. Tất cả những gì chính quyền Biden làm là bơm thêm tiền vào nền kinh tế Mỹ”, ông Cohn nhấn mạnh.

Theo Bloomberg, các đảng viên Cộng hoà rất nhất quán về thông điệp lạm phát, nhưng Đảng Dân chủ đã cố gắng tránh né chủ đề này trong suốt nhiều tháng.

Dữ liệu từ nền tảng AdImpact chỉ ra, các ứng viên Đảng Cộng hoà trong những tuần gần đây đã chi vượt các đối thủ Đảng Dân chủ về quảng cáo chính trị, trong đó chủ yếu đề cập đến lạm phát. Tỷ lệ chênh lệch là 4:1.

 

Ông Biden đã đi sai đường?

Nhà Trắng bắt đầu coi lạm phát là một vấn đề chính trị nghiêm trọng vào mùa thu năm ngoái, khi các khảo sát cho thấy tỷ lệ tín nhiệm của ông Biden đang giảm xuống khi giá cả tiếp tục đi lên.

Hai nguồn tin thân cận của Bloomberg cho biết, đương kim Tổng thống Mỹ đã rất tức giận khi các trợ lý của ông kiên quyết khẳng định rằng vấn đề lạm phát chỉ là “nhất thời”.

Ông Biden cũng tự hỏi rằng liệu các cố vấn của mình có đang phớt lờ cảnh báo từ giới chuyên gia hay không. Thời điểm đó, nhiều người cho rằng gói giải cứu trị giá 1.900 tỷ USD sẽ khiến nền kinh tế dư thừa tiền mặt, từ đó kích thích lạm phát tăng lên.

Trong số những người kêu gọi Washington ban hành một gói kích thích nhỏ hơn có ông Larry Summers - giáo sư kinh tế Đại học Harvard, Bộ trưởng Bộ Tài chính thời ông Obama và là một người quen thân của ông Biden.

Ngay cả một số trợ lý kinh tế của ông chủ Nhà Trắng cũng kín đáo bày tỏ lo ngại về quy mô của gói giải cứu trước khi nó được thông qua, đặc biệt là giá trị của các khoản viện trợ tiền mặt.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nếu ông Biden và các cố vấn đánh giá sai lầm về quy mô của gói kích thích, thì tất cả là do họ đều làm việc trong Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Obama.

Khi đó, Mỹ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và họ từng tận mắt chứng kiến việc một gói cứu trợ quá nhỏ đã trì hoãn sự phục hồi của thị trường lao động như thế nào.

“Khi tỷ lệ thất nghiệp lên cao, các hộ gia đình, cộng đồng và những đứa trẻ có bố mẹ thất nghiệp sẽ bị tổn hại. Do đó, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp từng là ưu tiên hàng đầu”, ông Heather Boushey - cựu thành viên hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng, giải thích.

Nhà phân tích Jason Furman thì cho rằng Đảng Cộng hoà và phe chỉ trích chính quyền ông Biden đã quá chú tâm đến vai trò của gói cứu trợ đối với lạm phát.

Ông Furman, hiện là giáo sư kinh tế tại Harvard, cho biết: “Có ba yếu tố làm áp lực lạm phát phình to - quá nhiều kích thích tài khoá, Fed chậm chân trong cuộc đua tăng lãi suất và vận rủi trên toàn cầu”.

Trong một bài luận được xuất bản vào cuối tháng 5 trên Wall Street Journal, Biden đã viết rằng Fed có “trách nhiệm chính trong việc kiểm soát lạm phát”. Sau đó, ông đã lặp lại thông điệp này khi gặp riêng Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Nhà Trắng.

Tuy nhiên, một số người nói cuộc gặp trên gợi nhắc đến buổi gặp mặt của Tổng thống Ronald Reagan và Chủ tịch Fed Paul Volcker cách đây hơn 40 năm, khi ông Reagan tìm cách tái tránh cử giữa lúc giá cả leo thang.

Trong khi cam kết không can thiệp vào sứ mệnh của Fed, ông Biden và nhóm cố vấn kinh tế của mình đã tìm cách giải toả áp lực giá cả trong một năm rưỡi qua.

Nhà Trắng đã thành lập một nhóm chuyên gia chuỗi cung ứng vào tháng 6/2021 để giải quyết tình trạng tắc nghẽn tại các cảng, cũng như đưa nhiều dây chuyền sản xuất chất bán dẫn trở về Mỹ hơn.

Họ cũng giải phóng hơn 180 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược để giữ giá xăng trong tầm kiểm soát, sau đó ban hành Đạo luật Giảm Lạm phát, tờ Bloomberg liệt kê.

Song, bên trong Cánh Tây, các cố vấn Nhà Trắng vẫn thất vọng vì trên thực tế, giá của nhiều mặt hàng, từ thịt, vé máy bay đến giá thuê nhà, vẫn còn rất cao. Và điều này hẳn sẽ không giúp chính quyền ông Biden được lòng cử tri.

Khả Nhân