Đảng Cộng hòa nhiều khả năng giành lại Hạ viện Mỹ, các tập đoàn lớn chịu tác động ra sao?
Theo New York Times, Đảng Cộng hòa và các doanh nghiệp lớn trước đây rất thân thiết nhưng nay lại đang trong một cuộc tranh chấp. Hàng chụp doanh nghiệp đã ngừng tài trợ cho phe Cộng hòa kể từ khi đảng này bỏ phiếu để nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020.
Trong vài năm qua, nhiều tập đoàn lớn đã công khai chống lại những đạo luật được phe Cộng hòa thông qua, ủng hộ phong trào Black Lives Matter (chống phân biệt chủng tộc với người da đen), công kích quyết định về quyền phá thai của Tòa án Tối cao Mỹ và chấp nhận phong trào bảo vệ môi trường, xã hội và quản lý có trách nhiệm (ESG).
Nhiều Đảng viên Cộng hòa theo khuynh hướng MAGA (Make America Great Again, khẩu hiệu "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" được ông Trump dùng trong chiến dịch tranh cử năm 2017), gần đây đã giành chiến thắng mà không cần tới sự trợ giúp của các tập đoàn.
Những nghị sĩ này coi các doanh nghiệp lớn là một phần của thế giới “woke” (từ lóng mang hàm ý tiêu cực, có nghĩa "lý tưởng thức tỉnh", thường để chỉ khuynh hướng chính trị cực tả). Theo ông Dan Clifton, Giám đốc chính sách tại Strategas, “Phe Cộng hòa chiếm đa số lần này sẽ hành động quyết liệt hơn nhiều”.
Và kết quả của cuộc bầu cử sắp tới sẽ không chỉ là các Nghị sĩ Cộng hòa gây khó dễ cho những tập đoàn thiên tả. Ông Kevin McCarthy, người dự kiến sẽ trở thành Chủ tịch Hạ Viện nếu phe Cộng hòa giành chiến thắng, đã công khai chỉ trích Phòng Thương mại Mỹ (US COC) kể từ khi tổ chức này ủng hộ 23 Hạ Nghị sĩ Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2020.
Tuần trước, hãng tin Axios cho biết ông McCarthy đã nói với US COC rằng ông sẽ không hợp tác với tổ chức này trừ khi họ sa thải CEO Suzanne Clark. Axios cho biết bà Clark đã nhận được “sự ủng hộ tuyệt đối” của hộ đồng quản trị.
Tuy có những tranh chấp, hoạt động của US COC có nhiều nét tương đồng với quan điểm của Đảng Cộng hòa. Trong 4 tháng qua, tổ chức này đã kiện Ủy ban Giao dịch và Chức khoán Mỹ (SEC), Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và Cục Bảo vệ Tài chính Tiêu dùng (CFPB).
Các đơn kiện trên lập luận rằng với việc phe Dân chủ nắm quyền, các cơ quan này đã hành động thái quá. Phía Cộng hòa trong suốt hai năm qua cũng đang đưa ra những những lời phàn nàn tương tự. Nếu giành lại đa số ghế ở Hạ viện, Đảng Cộng hòa có thể thúc đẩy luận điệu trên hơn nữa thông qua các cuộc điều tra và phiên điều trần.
Sẵn sàng cho các phiên điều trần
Các doanh nghiệp lớn sẽ phải đối mặt với những gì khi Đảng Cộng hòa nắm quyền? Disney là một ví dụ. CEO Bob Chapek đã chỉ trích một đạo luật của Florida giới hạn những nội dung mà mà giáo viên có thể nói với học sinh còn nhỏ tuổi về giới tính, tình dục.
Kết quả là Thống đốc Ron DeSantis đã tước quyền hưởng ưu đãi thuế của Disney tại bang Florida. Vụ lùm xùm chắc chắn sẽ đặt Disney vào tầm ngắm của các nghị sĩ Cộng hòa.
Delta Air Lines có trụ sở tại thủ phủ Atlanta, bang Georgia cũng có thể sẽ bị gọi ra điều trần. CEO Ed Bastian của Delta đã từng mô tả dự luật về quyền bầu cử năm 2021 của bang Georgia là “không thể chấp nhận được” và “dựa trên sự dối trá”. Dự luật trên vốn bị các nhà phê bình cho rằng sẽ khiến các nhóm thiểu số gặp khó khăn khi đi bầu cử.
19 quan chức tư pháp thuộc Đảng Cộng hòa đang điều tra 6 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ về những chính sách chống biến đổi khí hậu. Ông Clifton nhận định: “Những doanh nghiệp tài chính đang thúc đẩy sử dụng bớt nhiên liệu hóa thạch sẽ phải chịu áp lực”.
Công ty nhiều khả năng sẽ bị dò xét kỹ càng nhất, theo các chiến lược gia Cộng hòa, chính là BlackRock, gã khổng lồ quản lý tài sản và CEO Larry Fink. Trong bức thư thường niên gửi các CEO, ông Fink đã khẳng định một cách mạnh mẽ rằng những mục tiêu khí hậu và ESG nói chung có tầm quan trọng lớn với xã hội và lợi nhuận doanh nghiệp.
Theo ông, các cổ đông “cần biết rõ về quan điểm của [BlackRock] trong các vấn đề xã hội, mang tính bản chất, liên quan tới ‘thành công lâu dài’ của công ty chúng ta”.
Nhà đầu tư Vivek Ramaswamy, tác giả cuốn sách “Tập đoàn Woke: Bên trong trò lừa đảo mang tên Công bằng Xã hội của Giới doanh nghiệp Mỹ", là người có tầm ảnh hưởng lớn tới phe Cộng hòa. Ông cho rằng doanh nghiệp nên tập trung vào kiếm lợi nhuận và từ bỏ ESG cũng như chính trị.
Ông Ramaswamy cho biết những gì ông phát biểu với các hạ nghị sĩ Cộng hòa tại chuyến nghỉ mát ở Florida đã “được đón nhận nồng nhiệt”.
Tuy vậy, có một số lĩnh vực mà Đảng Cộng hòa sẽ hỗ trợ các công ty, bởi sự tương thích giữa quan điểm chính trị và mục tiêu doanh nghiệp.
- TIN LIÊN QUAN
-
Canada có trữ lượng dầu lớn thứ ba thế giới nhưng sản lượng khai thác mãi lẹt đẹt, vì sao? 05/09/2022 - 14:32
Ông Clifton cho biết phe Cộng hòa sẽ thúc đẩy thêm nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng, như các tuyến đường ống từ Canada, vốn là điều mà các doanh nghiệp năng lượng mong muốn.
Cả Đảng Cộng hòa cũng như doanh nghiệp lớn đều muốn giảm bớt luật lệ quan liêu. Khi phe Cộng hòa lên nắm quyền, các ủy ban Hạ viện sẽ chất vấn những đảng viên Dân chủ đang giữ chức lãnh đạo các cơ quan công quyền của Mỹ.
Liệu Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia (NLRB) đang có xu hướng ủng hộ công đoàn quá mức, đặc biệt trong trường hợp của Amazon? Quyền hạn của SEC lớn tới đâu khi buộc các doanh nghiệp phải báo cáo vấn đề về khí hậu?
Liệu CFPB có đang theo đuổi “một chương trình nghị sự cực đoan, mang đậm màu sắc chính trị và không bị giới hạn bởi pháp luật” như bức thư mà các nghị sĩ Cộng hòa gửi tới Giám đốc CFPB Rohit hay không? Hay liệu Chủ tịch Lina Kahn của FTC có đang đẩy cơ quan này tới xu hướng khuynh tả quá mức?
Trang tin thương mại E&E News đã dự đoán Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) sẽ “có những phiên điều trần dài hàng giờ”, “những bức thư yêu cầu cung cấp tài liệu từ mọi ngóc ngách” và “thậm chí là trát yêu cầu cung cấp tin nhắn điện thoại”.
Theo New York Times, câu hỏi lớn nhất hiện này sẽ là: Với Đảng Dân chủ nắm quyền tại Nhà Trắng trong ít nhất hai năm tới, và khả năng Thượng viện vẫn trong tay phe Dân chủ, Đảng Cộng hòa có thể đem lại bao nhiêu thay đổi. Các chiến lược gia được hỏi đều đưa ra chung một câu trả lời: có thể là không quá nhiều.
“[Phe Cộng hòa] sẽ muốn thể hiện với cử tri rằng Hạ viện được vận hành theo cách khác”, ông Ron Bonjean, đồng sáng lập công ty quan hệ công chúng ROKK, nhận định.
Ông Neil Bradley, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách của US COC, giải thích theo cách khác: “Tôi cho rằng điều mà nhiều doanh nghiệp đang cố gắng nhận thức là sự phân biệt giữa luận điệu chính trị và chương trình nghị sự”.
Sóng gió chờ đợi Big Tech
Một lĩnh vực mà phe Cộng hòa có thể thúc đẩy thông qua luật lệ mới đó là quản lý Big Tech (các tập đoàn công nghệ lớn). Lưỡng Đảng đều thường xuyên chỉ trích Big Tech và mạng xã hội với những lý do khác nhau.
Phe Dân chủ thường lo ngại về những vấn đề chống độc quyền, trong khi phe Cộng hòa tin rằng các tập đoàn mạng xã hội đang kiểm duyệt những quan điểm bảo thủ.
Trong Quốc hội Mỹ hiện tại, cả Ủy ban Tư pháp của Hạ viện và Thượng viện đều thông qua các dự luật chống độc quyền của lưỡng đảng. Các đạo luật này không được đem ra bỏ phiếu công khai.
Ông Clifton và những người khác cho biết Đảng Cộng hòa có thể sẽ ký kết vào những dự luật chống độc quyền mà phe Dân chủ và chính quyền đang thúc đẩy.
Đây là kịch bản rối rắm hơn cả: Giả sử rằng Đảng Dân chủ nắm Thượng viện, còn Cộng hòa nắm Hạ viện. Vào một ngày nào đó, doanh nghiệp như tập đoàn dầu khí Chevron hay CEO như ông Larry Fink của tập đoàn đầu tư BlackRock có thể bị Ủy ban điều trần Thượng viện tra hỏi về việc vì sao không nỗ lực hơn nữa trong vấn đề khí hậu.
Và rồi ngày hôm sau, Hạ viện lại điều trần nhóm doanh nghiệp này do lãng phí tiền của nhà đầu tư vào những sáng kiến chống biến đổi khí hậu.
Thứ mà các doanh nghiệp mong muốn nhất, là sự ổn định và và khả năng đoán trước tình hình. Với việc phe Cộng hòa và doanh nghiệp đang có nhiều tranh cãi, nếu Đảng này chiếm đa số tại Hạ viện, các tập đoàn sẽ không thể nào đoán trước được tương lai.