|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

An ninh năng lượng của Mỹ sa sút đáng kể dưới thời Tổng thống Biden?

17:05 | 20/10/2022
Chia sẻ
Các chính sách năng lượng của Tổng thống Biden, từ xả kho dự trữ chiến lược đến mối quan hệ với Arab Saudi, có vẻ đang gây tổn hại đến an ninh năng lượng của Mỹ, oilprice.com nhận định.

Các biện pháp kiểm soát an ninh năng lượng của Tổng thống Joe Biden đều khiến Mỹ đi vào ngõ cụt. (Ảnh minh hoạ: Salon/Getty Images).

Đầu tuần này, Nhà Trắng đã công bố kế hoạch giải phóng 15 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ xăng dầu chiến lược. Đây là đợt cuối cùng của lần xả kho khẩn cấp 180 triệu thùng dầu mà Tổng thống Joe Biden tuyên bố hồi tháng 3.

Tuần trước, ông Biden đã cảnh báo rằng Arab Saudi sẽ phải gánh chịu “hậu quả” thích đáng sau khi cùng OPEC+ quyết định hạ sản lượng dầu thô khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 11.

Theo đề xuất của các nhà lập pháp Đảng Dân chủ, Washington có thể hạn chế việc bán vũ khí cho Riyadh. Hoặc theo đưa tin của NBC, Nhà Trắng có thể cản trở doanh nghiệp Mỹ mở rộng quan hệ kinh doanh với Arab Saudi.

Trong khi ông Biden cân nhắc biện pháp đáp trả Arab Saudi thì sản lượng dầu của Mỹ vẫn tiếp tục chững lại, do những thách thức khác nhau mà các nhà khai thác gặp phải như tác động lan toả của lạm phát, thiếu hụt lao động và thiết bị, và ách tắc chuỗi cung ứng.

Bức tranh an ninh năng lượng của Mỹ có vẻ không mấy sáng sủa. Trên thực tế, người ta có thể lập luận rằng các quyết sách của chính quyền ông Biden trong năm nay đã và có thể sẽ tiếp tục làm tổn hại đến an ninh năng lượng của Mỹ.

Động thái xả kho dự trữ chưa từng có của Washington đã khiến nguồn cung dầu thô dùng trong trường hợp khẩn cấp của Mỹ tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985. Từ 612 triệu thùng trước khi chương trình được triển khai, hiện nay dự trữ của Mỹ chỉ còn khoảng 445 triệu thùng.

Đây không phải là tin tốt cho một quốc gia tiêu thụ gần 20 triệu thùng dầu mỗi ngày. Nguyên nhân là vì 445 triệu thùng chỉ đủ cho Mỹ sử dụng trong khoảng 22 ngày, nếu như tình huống khẩn cấp thực sự xảy ra.

Khá nhiều nhà phân tích và một số nhà lập pháp đã kêu gọi Nhà Trắng ngừng sử dụng kho dự trữ dầu mỏ chiến lược sai mục đích. Song, trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp bắt đầu, chính quyền ông Biden khó mà có thể phớt lờ việc giá xăng đang dần tăng trở lại sau khi hạ nhiệt trong mùa hè.

 

Một số người cho rằng kho dự trữ chiến lược là công cụ đã lỗi thời vì Mỹ hiện là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà xuất khẩu ròng năng lượng, tờ oilprice.com dẫn lời.

Tuy nhiên, như nhà phân tích Robert Rapier viết trên Forbes, ngoài hai cân nhắc trên, Mỹ còn là một trong những nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất hành tinh. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong nhập khẩu đều sẽ có tác động nghiêm trọng đến giá dầu nếu mất vùng đệm là kho dự trữ xăng dầu.

Nói về nhập khẩu thì Arab Saudi là một trong những nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Mỹ. Tính đến năm ngoái, đại gia Trung Đông này là nhà cung cấp dầu lớn thứ 4 của Mỹ sau Canada, Mexico và Nga.

Bây giờ, Nga đã bị cấm xuất khẩu dầu mỏ sang Mỹ, cho nên Arab Saudi sẽ thế vào vị trí thứ ba. Dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trung bình mỗi ngày Arab Saudi xuất khoảng 541.000 thùng dầu sang Mỹ.

Sau lệnh cấm đối với sản phẩm dầu mỏ của Nga, giá nhiên liệu tại nền kinh tế số một thế giới đã nhảy vọt và phải mất nhiều tháng cùng với hơn 100 triệu thùng dầu thô giải phóng từ kho dự trữ mới có thể giúp giá đi xuống.

Nếu mối căng thẳng giữa Washington và Riyadh tiếp tục xấu đi, xuất khẩu dầu mỏ từ Arab Saudi sang Mỹ có thể bị đình trệ, ngay tại thời điểm rất tồi tệ đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Những tín hiệu mới nhất từ cả hai phía đều không hứa hẹn. Ông Biden đã phải dùng đến kho dự trữ chiến lược một lần nữa, trong khi các thượng nghị sĩ đang kêu gọi trừng phạt Arab Saudi. Ở bên còn lại, Thái tử Mohammed bin Salman của Arab Saudi cũng tỏ rõ thái độ bất mãn.

Giờ đây, truyền thông ngày càng đưa nhiều tin tức về gốc rễ của mối quan hệ rạn nứt và nhìn chung, triển vọng cho liên minh Washington - Riyadh đang ngày càng xấu đi, giới phân tích nhận định.

Tuần này, CNBC đưa tin rằng Nhà Trắng đã yêu cầu Riyadh hoãn quyết định giảm sản lượng khoảng một tháng. Thông tin này xuất phát từ một tuyên bố chính thức của Arab Saudi nhằm bảo vệ kế hoạch của OPEC+.

Sau đó, ông John Kirby - phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia, lại khẳng định “nhiều hơn một” thành viên OPEC+ cảm thấy bị Arab Saudi cưỡng ép ra quyết định. Bình luận đó không giúp làm dịu mối quan hệ giữa Washington và Riyadh.

Ngay sau khẳng định của ông Kirby, một số thành viên OPEC+ đã vội vã ra tuyên bố, nhấn mạnh rằng liên minh dầu mỏ nhất trí với quyết định sản lượng và không ai bị ép buộc bất cứ điều gì.

 

Việc xả kho dự trữ chiến lược, căng thẳng ngoại giao với nhà cung ứng dầu thô lớn thứ ba và thách thức về hoạt động khai thác trong nước cho thấy triển vọng nguồn cung dầu mỏ của Mỹ không tươi sáng mấy.

Dù vậy, theo thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean Piere thì sản lượng dầu thô của Mỹ đang trên đà đạt mức kỷ lục mới trong năm nay. Vì vậy, có thể triển vọng của Mỹ không quá ảm đạm.

Điều thực sự ảm đảm là ông Biden không có nhiều lựa chọn dể đối phó với giá xăng dầu. Các nhà máy lọc dầu của Mỹ cần dầu nhập khẩu để vận hành. Các nỗ lực đa dạng hoá nguồn cung bằng cách làm dịu quan hệ với Venezuela đã thất bại.

Ngoài ra, thoả thuận hạt nhân với Iran dường như đã đình trệ lần nữa. Canada và Mexico thì không thể xuất khẩu đủ lượng dầu mà Mỹ cần, oilprice.com đánh giá từ số liệu nhập khẩu mới nhất của Mỹ.

Ông Biden không thể xả kho dự trữ mãi mãi. Trên thực tế, Mỹ sẽ sớm cần phải bổ sung kho chứa, nhưng Nhà Trắng nói họ sẽ chờ cho đến khi giá dầu hạ xuống còn 67 - 72 USD/thùng.

Trong bối cảnh Liên minh châu Âu sắp cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác của Nga, lần lượt vào tháng 12 năm nay và tháng 2 năm sau, Mỹ có thể phải chờ một lúc lâu.

Tóm lại, xét về khía cạnh an ninh năng lượng, chính quyền ông Biden có lẽ đang không gặp may. Sản lượng dầu thô của Mỹ có đạt kỷ lục hay chỉ tăng trưởng yếu ớt sẽ không tạo ra nhiều thay đổi trong bối cảnh an ninh nguồn cung hiện nay.

Yên Khê

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.