|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Biden doạ sẽ khiến Arab Saudi gánh 'hậu quả' nhưng không có mấy biện pháp đáp trả

14:52 | 13/10/2022
Chia sẻ
Tổng thống Joe Biden đang tức giận với Arab Saudi vì quyết định hạ sản lượng dầu thô của nước này và các đồng minh trong OPEC+ đi ngược với mong muốn của Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng không hề giấu giếm về sự bực tức của mình.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman "cụng tay" nhau khi ông Biden đến thăm Riyadh hồi tháng 7 năm nay. (Ảnh: Getty Images).

Hồi đầu tháng 10, OPEC+ tuyên bố sẽ giảm sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày trong tháng 11 tới. Các thành viên khẳng định đây là cách để thúc đẩy giá dầu phục hồi, nhằm chống lại nguy cơ sụt giảm nhu cầu.

Trong bối cảnh giá năng lượng tăng nóng và nền kinh tế toàn cầu mấp mé bờ vực, Washington coi động thái hạ sản lượng của Arab Saudi và các đồng minh trong OPEC+ là một hành động làm bẽ mặt Mỹ và chứng tỏ đại gia Trung Đông đang đứng về phía Nga. 

Trong cuộc phỏng vấn cùng CNN vào đầu tuần này, Tổng thống Biden cảnh báo Arab Saudi sẽ phải gánh chịu “hậu quả”. Tuy nhiên, ông không đề cập chi tiết các biện pháp mà Mỹ dự tính dùng để đáp trả.

Vậy thì, trên thực tế, chính quyền ông Biden có bao nhiêu lựa chọn và liệu chúng có thể gây phản tác dụng hay không?

Vũ khí và luật chống độc quyền

Mối quan hệ giữa Mỹ và Arab Saudi được xây dựng trên nguyên tắc lấy năng lượng đổi an ninh. Từ những năm 1940, Washington đã cung cấp hàng tỷ USD viện trợ quân sự và an ninh cho Arab Saudi.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, và đặc biệt là kể từ khi chính quyền cựu Tổng thống Obama bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao với Iran, Riyadh cảm thấy các cam kết an ninh của Mỹ đã suy yếu.

Chia sẻ với CNBC, nhà phân tích Michael Stephens tại viện nghiên cứu quốc phòng Royal United Services Institute (RUSI), cho hay: “Sự thật là không bên nào tuân thủ cam kết của họ trong gần 10 năm qua”.

“Và bạn đang thấy những rạn nứt nghiêm trọng trong một mối quan hệ mà không bên nào thực sự nhìn thấy lợi ích chiến lược từ bên kia so với thời điểm 20 năm trước”, ông Stephen nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia, động thái cắt giảm sản lượng dầu thô của OPEC+ phần nào “phản ánh xu hướng rạn vỡ đó”. Các biện pháp đáp trả mà Washington có thể sử dụng bao gồm cắt bớt viện trợ quân sự cho Arab Saudi hoặc đệ đơn kiện OPEC theo luật pháp Mỹ.

 

Chỉ một ngày trước lời cảnh báo của ông Biden, Thượng nghị sĩ Bob Menendez - Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện, đã yêu cầu Mỹ ngay lập tức ngừng mọi hợp tác với Arab Saudi, bao gồm việc mua bán vũ khí.

Trong một tuyên bố, ông Menendez nói: “Mỹ phải đóng băng toàn bộ quan hệ hợp tác với Arab Saudi, bao gồm mọi hoạt động mua bán vũ khí cũng như hợp tác an ninh không cần thiết để bảo vệ nhân lực và lợi ích của Mỹ”.

Ở một cuộc phỏng vấn trước đó cùng CNBC, Thượng nghị sĩ Chris Murphy đã hỏi: “Ích lợi gì nếu chúng ta cố tình phớt lờ khi Arab Saudi thủ tiêu các nhà báo và đàn áp bất đồng chính trị trong nước…khi trong khó khăn, họ chọn Nga thay vì Mỹ?”

Ngay cả Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cũng đăng tweet bày tỏ thái độ. Ông nhấn mạnh: “Nếu Arab Saudi - một trong các nước vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới, muốn hợp tác với Nga để thổi giá xăng dầu tại Mỹ, cứ để họ nhờ Putin bảo vệ mình”.

“Chúng ta phải rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Arab Saudi, ngừng ngay việc bán vũ khí và chấm dứt quyền định giá dầu mỏ của nước này”, ông Sanders tiếp tục.

Ngoài thu hồi các viện trợ quân sự, Washington có thể đáp trả Arab Saudi bằng luật pháp. Quốc hội Mỹ đang cân nhắc dự luật NOPEC (No Oil Producing and Exporting Cartels). NOPEC sẽ buộc liên minh dầu mỏ phải tuân thủ theo luật chống độc quyền của Mỹ.

Dự luật trên đã được các nhà lập pháp nghiên cứu từ lâu nhằm bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ khỏi nạn đầu cơ, thổi giá năng lượng.

NOPEC đã được một uỷ ban của Thượng viện thông qua hồi đầu tháng 5. Để dự luật này chính thức có hiệu lực, cả Thượng viện và Hạ viện phải cùng bỏ phiếu thông qua, sau đó ông Biden phải đặt bút ký thành luật.

Các bộ trưởng năng lượng OPEC từng lên tiếng chỉ trích NOPEC, cảnh báo rằng dự luật của Mỹ sẽ gây ra hỗn loạn cho thị trường năng lượng toàn cầu.

Hậu quả cho Mỹ và giá dầu thô

Nhà phân tích Torbjorn Soltvedt của hãng tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft nhận định, động thái hạ sản lượng của OPEC+ cho thấy “chính quyền ông Biden đã mất khả năng ảnh hưởng đến chính sách dầu mỏ của Arab Saudi”.

Vị chuyên gia cảnh báo: “Nhà Trắng có rất ít lựa chọn hay dù ông Biden đã cảnh báo về những hậu quả mà Arab Saudi phải hứng chịu sau quyết định sản lượng”.

Sử dụng luật chống độc quyền hay thu hồi các tài sản quân sự của Mỹ tại Arab Saudi sẽ giúp Washington phát đi một thông điệp rõ ràng tới Riyadh. Tuy nhiên, chúng có thể phản tác dụng cho cả Mỹ và giá dầu thô.

 

Ông Soltvedt cho hay: “Cả hai lựa chọn này đều có nguy cơ phá vỡ mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Arab Saudi…Suy cho cùng, kết cục đều sẽ gây thêm áp lực lên giá dầu thô và nhiên liệu”.

“Tóm lại, nếu quan hệ Mỹ - Arab Saudi đổ vỡ, phần bù rủi ro cho dầu mỏ Trung Đông trên thị trường toàn cầu sẽ tăng cao hơn và kéo theo là giá dầu sẽ đắt đỏ hơn”, ông cảnh báo. “Điều này trái ngược với những gì Nhà Trắng đang cố gắng đạt được trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11”.

Điều quan trọng cần lưu ý nữa là mức giảm 2 triệu thùng/ngày trên thực tế sẽ không lớn đến vậy, bởi nhiều nước thành viên OPEC+ đã không thể hoàn thành mục tiêu đề ra trong suốt nhiều tháng qua.

Song, nhiều chính trị gia Mỹ từ lâu đã không còn kiên nhẫn với mối quan hệ với Arab Saudi, đặc biệt là khi nhập khẩu dầu thô Arab Saudi của Mỹ đã sụt giảm trong những năm qua và hơn 80% sản phẩm của Trung Đông hiện nay đều đến châu Á.

Theo ông Soltvedt, ngày càng nhiều nhà lập pháp Mỹ “đặt câu hỏi tại sao hải quân Mỹ phải đảm bảo an ninh cho các tàu chở dầu từ Trung Đông trong khi ngày càng nhiều dầu đang được vận chuyển về phía đông thay vì về hướng tây”.

Yên Khê