|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trong mối quan hệ hơn 70 năm giữa Mỹ và Arab Saudi, ai cần ai hơn?

17:22 | 12/10/2022
Chia sẻ
Mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Arab Saudi được xây dựng dựa trên nền tảng "dùng dầu mỏ để đối lấy an ninh". Gần đây, liên minh giữa hai ông lớn dần xuất hiện những vết rạn và Riyadh ngày càng phớt lờ lời nhờ vả của Washington.

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman (Ảnh: Alex Chu/Reuters, Getty Images). 

Trong hơn 7 thập kỷ qua, bất chấp nhiều thăng trầm, liên minh giữa Mỹ và Arab Saudi vẫn đứng vững, dù có lúc công chúng Mỹ từng đặt câu hỏi “Tại sao chúng ta lại phải hợp tác với Arab Saudi?”

Động lực đằng sau cái “bắt tay” giữa Washington và Riyadh tương đối phức tạp. Mối quan hệ song phương bắt đầu từ năm 1933, chủ yếu tập trung vào hoạt động thăm dò dầu khí tại Trung Đông.

Tuy nhiên, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hai bên đã dồn lực chống lại Liên Xô và sau đó tiếp tục liên minh để duy trì một bức tranh chính trị ổn định tại Trung Đông nhằm phục vụ lợi ích đôi bên.

Đến ngày nay, quan hệ giữa hai nước có thể gói gọn trong 8 chữ: dùng dầu mỏ để đổi lấy an ninh. Song, trong bối cảnh nền kinh tế và địa chính trị toàn cầu đối mặt với biến động khó lường, liên minh này đang xuất hiện những vết rạn.

 

Như đã nói, khởi đầu cho liên minh Mỹ - Arab Saudi là việc phát hiện ra các mỏ dầu lớn tại quốc gia Trung Đông này vào đầu những năm 1930. Tuy nhiên, đến khi Liên Xô gia tăng sức ảnh hưởng tại Trung Đông trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mối quan hệ hợp tác mới trở nên khăng khít hơn.

Trước kẻ thù chung là Liên Xô, hai nước đã mở rộng hợp tác ban đầu thành một liên minh an ninh rộng lớn hơn. Năm 1951, Mỹ và Arab Saudi ký Thoả thuận Hỗ trợ Quốc phòng Song phương - hiệp định quốc phòng chính thức đầu tiên giữa hai bên. Mỹ sẽ bán vũ khí và chịu trách nhiệm đào tạo cho quân đội Arab Saudi.

Bản đồ khu vực Trung Đông (Đồ họa: Alex Chu).

Năm 1979, khi Liên Xô tấn công Afghanistan, Riyadh lo sợ rằng đây là bước đầu tiên để Liên Xô tiến sâu vào Trung Đông. Do đó, hai bên bí mật vận chuyển vũ khí cho các phiến quân mujahideen chống Liên Xô, Vox cho hay.

Đến năm 1990, Bức tường Berlin sụp đổ và Arab Saudi quốc hữu hoá ARAMCO - một trong các tiền đề cho quan hệ giữa Washington và Riyadh. Tuy nhiên, một sự kiện khác đã lần nữa khiến hai ông lớn phải xích lại gần nhau.

Năm đó, Iraq tấn công Kuwait, khiến Riyadh khiếp sợ bởi nước này có chung đường biên giới dài với Iraq và dĩ nhiên là còn có trữ lượng dầu thô khổng lồ. Mỹ phản ứng gần như tức thì để bảo vệ Arab Saudi.

Chỉ 5 ngày sau khi Iraq động binh, Washington đã gửi quân đến Arab Saudi. Tháng 1/1991, quân đội Mỹ đã phản công, đuổi quân Iraq ra khỏi Kuwait. Một điều bất ngờ đã xảy ra sau đó: quân Mỹ đã ở lại và Arab Saudi cũng không phản đối.

Động thái triển khai quân đội của Washington không chỉ nhằm vào Iraq. Nó còn báo hiệu cam kết lâu dài của Mỹ đối với an ninh của Arab Saudi, và xa hơn là nhằm duy trì hiện trạng (status quo) tại Trung Đông.

Đến nay, cùng với 5 căn cứ quân sự, Mỹ hiện có khoảng 5.000 binh lính đóng quân tại Arab Saudi. Trong nhiều năm qua, ông lớn dầu mỏ luôn là khách hàng mua nhiều vũ khí của Mỹ nhất.

 

Arab Saudi phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ quốc phòng và an ninh của Mỹ. Riyadh không thể đánh đổi nguồn cung vũ khí hiện đại của Mỹ để đổi lấy các hệ thống kém hơn từ Nga hay Trung Quốc.

Hơn nữa, Riyadh cũng không thể quay lưng với một số doanh nghiệp Mỹ, bởi các công ty này đang giúp xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của Arab Saudi thông qua các liên doanh lớn.

Các thoả thuận nhạy cảm này - vốn nằm ngoài tầm ngắm của công chúng, phần lớn được khởi xướng vào năm 2017. Nhờ đó, Arab Saudi có thể tiếp cận nhiều công nghệ phức tạp của Mỹ mà không chịu bất kỳ ràng buộc nào của Washington, theo Politico.

Ở diễn biến khác, liên minh OPEC+ mà Arab Saudi và Nga cùng dẫn dắt đã quyết định hạ sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11. Các nhà lập pháp Mỹ tức giận vì Riyadh đã phớt lờ lời đề nghị giúp hạ nhiệt giá xăng dầu từ chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Ba hạ nghị sĩ đã đề xuất rút quân và hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ khỏi Arab Saudi để trả đũa động thái của OPEC+. Họ tin rằng biện pháp này sẽ giáng đòn đau vào chính quyền Thái tử Mohammed bin Salman.

Tuy nhiên, có lẽ các nhà lập pháp tại Washington đã quên mất một điều: Mỹ từng chủ động tìm tới Arab Saudi vì dầu mỏ. Nói cách khác, nói Arab Saudi cần Mỹ quả thực đúng, nhưng Mỹ cũng rất cần Arab Saudi.

 

Trên thực tế, Mỹ luôn cần dầu mỏ. Phần lớn thành tựu kinh tế, công nghiệp và chính trị của Mỹ đều gắn liền với dầu mỏ. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của dầu ở cả khía cạnh kinh tế lẫn an ninh quốc phòng.

Các nghiên cứu địa chất từ đầu những năm 1930 cho thấy trung tâm của hoạt động khai thác và sản xuất dầu mỏ trên thế giới sẽ sớm dịch chuyển về Trung Đông, đặc biệt là Arab Saudi.

Đó là lý do tại sao đầu năm 1945 khi Thế chiến II dần đến hồi kết, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã không quản khó khăn và vấn đề thể chất mà đích thân đến Arab Saudi để thắt chặt quan hệ hợp tác về dầu mỏ.

 

Theo báo cáo của BP, Arab Saudi có trữ lượng dầu thô khoảng 298 tỷ thùng, chỉ xếp sau Venezuela. Năm 2021, trung bình mỗi ngày nước này sản xuất khoảng 10,95 triệu thùng dầu thô, trong đó 7,3 triệu thùng được xuất khẩu.

Sản lượng và vai trò chủ chốt của Arab Saudi trong OPEC+ mang lại cho quốc gia Trung Đông này sức ảnh hưởng lớn trên thị trường toàn cầu. Arab Saudi được coi là “ngân hàng trung ương” của ngành dầu mỏ, đóng vai trò điều chỉnh sản lượng để ổn định giá dầu.

Vì lẽ này, bảo vệ Arab Saudi và các nhà sản xuất dầu mỏ khác tại vùng Vịnh đã trở thành một điểm mấu chốt trong chính sách ngoại giao của chính phủ Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Đây cũng là nền tảng cho mối quan hệ “dùng dầu mỏ để đổi lấy an ninh” giữa Washington và Riyadh.

Dầu mỏ quan trọng đến mức chỉ cần Arab Saudi cắt nguồn cung, nền kinh tế Mỹ đã rơi vào khủng hoảng năng lượng. Năm 1973, khi chiến sự giữa Israel và các nước Arab nổ ra và Washington viện trợ cho Israel, Riyadh đã đáp trả bằng cách này.

Ngay cả khi Mỹ vươn lên thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới nhờ công nghệ phá đá phiến, sự phụ thuộc của nước này vào Arab Saudi không hề chấm dứt. Bất luận Mỹ bơm bao nhiêu dầu, dầu mỏ vẫn là một thị trường toàn cầu. Giá xăng tại Mỹ vẫn phụ thuộc vào cung - cầu và chủ yếu được quyết định bởi OPEC+.

 

Mặt khác, Mỹ còn cần Arab Saudi để duy trì ưu thế của đồng USD, thông qua hệ thống petrodollar. Petrodollar hình thành từ đầu những năm 1970, sau khi hệ thống bản vị vàng Bretton Woods sụp đổ.

Tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger lo ngại rằng việc bản vị vàng bị loại bỏ có thể khiến nhu cầu toàn cầu đối với đồng USD sụt giảm, và kéo theo đó là tổn hại cho nền kinh tế Mỹ.

Sau nhiều cuộc gặp, Mỹ và Arab Saudi đã đạt được một thoả thuận. Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ cho các mỏ dầu của Arab Saudi, đổi lại ông lớn Trung Đông sẽ định giá bán dầu hoàn toàn bằng đồng USD.

Đầu năm nay, không bằng lòng với các cam kết an ninh mà Mỹ đưa ra, Arab Saudi đã tính bán dầu cho Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ. Cuộc đàm phán này đã kéo dài 6 năm, nhưng được đẩy nhanh hơn vào năm 2022.

Ngoài ra, Mỹ hiện còn cần Arab Saudi để gây thêm áp lực lên Tổng thống Vladimir Putin nhằm buộc Nga chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, đây có lẽ là thách thức lớn nhất của chính quyền ông Biden ở thời điểm hiện tại.

Washington muốn cắt đứt nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của ông Putin, nhưng thế giới vẫn cần nguồn cung năng lượng của Nga. Vì vậy, một phần của giải pháp là phải sản xuất nhiều dầu thô hơn.

Ông Biden đã ra lệnh giải phóng hơn 180 triệu thùng dầu khỏi kho dự trữ chiến lược. Dù 180 triệu là một con số lớn, động thái xả kho của Washington không tác động mấy đến giá dầu. Kết quả là giá dầu Brent vẫn dao động trên dưới 100 USD/thùng.

 

Trở ngại lớn nhất có lẽ là sản lượng của OPEC+, mà đặc biệt là của Arab Saudi. Duy trì giá dầu thô ở mức cao sẽ giúp bổ sung ngân sách cho các nước thành viên, giúp họ chi tiêu cho từng mục đích riêng. Ở trường hợp của Arab Saudi là trang trải cho các sáng kiến đa dạng hoá nền kinh tế, trong khi Nga sẽ mang tiền đi tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.

Mỹ đang nỗ lực hồi sinh thoả thuận hạt nhân với kẻ thù của Arab Saudi trong khu vực là Iran. Ngoài ra, Washington gần đây còn thiếu hỗ trợ an ninh cho Riyadh trước các cuộc tấn công từ lực lượng uỷ nhiệm ở Yemen (do Iran hậu thuẫn). Hai điều này đã góp phần gây ra bất đồng giữa hai nước đồng minh.

Kết quả là Mỹ không thể thuyết phục Arab Saudi trợ giúp, ngay cả khi ông Biden đã đích thân đến Riyadh vào tháng 7 năm nay. Suy cho cùng, khi tiền vẫn chảy vào ngân khố của Nga, cuộc chiến tại Ukraine sẽ không thể kết thúc.

Yên Khê