|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao 'ông hoàng dầu mỏ' Arab Saudi phải nhập khẩu dầu?

15:07 | 28/09/2022
Chia sẻ
Mặc dù là nước có trữ lượng và sản lượng khai thác vào top đầu thế giới, Arab Saudi lại tăng cường nhập khẩu "vàng đen" khi giá cả và nhu cầu thế giới tăng cao do sự mất cân bằng về các loại dầu, thiếu đầu tư và cả cơ hội kiếm lời.

Với trữ lượng khổng lồ và tầm ảnh hưởng lớn tới thị trường, Arab Saudi xứng đáng là ông hoàng dầu mỏ của thế giới. Vương quốc này đang ngồi trên khoảng 260 tỷ thùng dầu, tương đương với 1/6 trữ lượng của thế giới và đóng góp 12,2% sản lượng dầu toàn cầu.

 

Theo lẽ thường, Arab Saudi chẳng việc gì phải nhập khẩu dầu thô, đặc biệt khi giá cả đang đắt đỏ như hiện nay. Tuy nhiên, Riyadh đang làm điều ngược lại.

Theo Reuters, trong quý II/2022, Arab Saudi đã tăng gấp đôi lượng dầu nhập khẩu từ Nga. Và 2022 cũng không phải lần đầu tiên Riyadh phải mua dầu từ nước ngoài. Mỗi khi cần thêm dầu, Arab Saudi sẽ nhập khẩu chứ không sản xuất thêm.

Vậy tại sao ông vua dầu mỏ của thế giới lại đi nhập khẩu hàng hóa này từ nước ngoài, ngay trong lúc giá cả thế giới đang đắt đỏ? Chẳng phải tự sản xuất sẽ luôn rẻ hơn sao?

Là ông hoàng dầu mỏ nhưng Arab Saudi ngày càng nhập khẩu nhiều nhiên liệu (cả dầu thô và các sản phẩm tinh chế, khí đốt ...).

Tại sao không bơm thêm?

Nếu Arab Saudi thiếu dầu, đồng thời giá dầu thế giới đang ở mức cao ngất ngưởng, câu hỏi đầu tiên cần được đặt ra là: Tại sao Arab Saudi không bơm thêm dầu? 

Theo Reuters, vào cuối tháng 7, Thái tử Mohammed bin Salman tiết lộ rằng vương quốc dầu mỏ chỉ có thể bơm tối đa 13 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2027. Ông bin Salman cho biết mức sản lượng này là tất cả khả năng mà Arab Saudi có thể bơm.

Theo Bloomberg, vào năm 2004, Riyadh từng tuyên bố có thể tăng và duy trì mức sản lượng 15 triệu thùng dầu/ngày trong vòng 50 năm. Một trong những lý do khiến Arab Saudi từ bỏ mục tiêu này có thể do biến đổi khí hậu.

Theo dự báo của IEA, đến năm 2026, nhu cầu dầu thô của thế giới sẽ tăng 4 triệu thùng so với 2022.

Không chắc chắn về nhu cầu của dầu trong tương lai, Riyadh có thể quyết định rằng không nên tốn hàng tỷ USD để đầu tư mở rộng khai thác. Trong bài phát biểu của mình, Thái tử bin Salman nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc đảm bảo cho các nhà đầu tư rằng" các chính sách khí hậu "sẽ không làm ảnh hưởng tới các khoản đầu tư của họ".

Nói cách khác, khi xu thế của thế giới là chuyển sang năng lượng xanh và dần từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, chẳng có lý do gì để Arab Saudi phải đầu tư mở rộng sản xuất, để rồi 20-30 năm nữa ngồi trên một đống dầu mà không ai cần đến.

Nhu cầu thế giới cũng luôn biến động, cả theo mùa lẫn do các yếu tố như địa chính trị. Vì vậy, để giải quyết nhu cầu ngắn hạn, nhập khẩu dầu sẽ khôn ngoan hơn là bơm thêm dầu do cách làm thứ 2 yêu cầu đầu tư dài hạn khổng lồ.

Nhiều hơn một loại dầu

Một trong những lý do chính khiến Arab Saudi phải nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài là do sự khác nhau giữa các loại dầu thô. Trên thực tế, có tới 6 loại dầu thô, mỗi loại lại có tính chất cũng như thích hợp với những nhà máy lọc dầu khác nhau.

Xét về độ đặc (khối lượng riêng), dầu thô được xếp vào ba nhóm chính là nhẹ, trung bình và nặng. Trong mỗi nhóm trên, dựa vào hàm lượng lưu huỳnh, người ta lại chia dầu thành hai loại là chua và ngọt.

Như vậy 6 loại dầu thô bao gồm: ngọt nhẹ, chua nhẹ, ngọt trung bình, chua trung bình, ngọt nặng và chua nặng.

Các loại dầu của Arab Saudi (màu đỏ đậm) thường tương đối nhẹ và chua. (Nguồn: IEA; Việt hóa: Minh Quang).

Về mặt lý thuyết, các loại dầu đều có thể được chuyển đổi bằng cách pha loãng và loại bỏ tạp chất, tuy nhiên quy trình này tăng thêm chi phí. Bởi vậy, đa số các nhà máy lọc dầu sẽ chỉ mua trực tiếp loại dầu phù hợp.

Dầu thô nhẹ thường có giá cao nhất, bởi chúng có thể dễ dàng được tinh chế thành nhiên liệu phổ biến như xăng ô tô, diesel và xăng máy bay. Dầu thô nặng được sử dụng trong nhiều quá trình công nghiệp như sản xuất nhựa đường hay nhựa. 

Tuy nhiên, loại dầu thô phổ biến nhất là dầu trung bình lại không có nhiều ứng dụng ở trạng thái ban đầu. Bởi vậy, dầu thô trung bình thường được chưng cất để tạo thành dầu thô nhẹ.

Nếu xét về hàm lượng lưu huỳnh, dầu ngọt được đa số thế giới săn đón, trong khi dầu chua thường được chuyển đổi thành ngọt. 

Khi lượng tiêu thụ của thế giới dần ổn định, dường như có những dấu hiệu cho thấy các gã khổng lồ dầu mỏ đã quá tập trung vào sản xuất dầu thô ngọt nhẹ. Thế giới đang tiến dần đến tình cảnh thiếu dầu nặng và thừa dầu nhẹ. Khoảng cách về giá giữa hai loại dầu trên đang ngày càng thu hẹp.

Arab Saudi sản xuất 5 loại dầu là Arabian Heavy (nặng), Arabian Medium (trung bình), Arabian Light (nhẹ), Arabian Extra Light (nhẹ) và Arabian Super Light (nhẹ). Đa số trữ lượng của Arab Saudi là dầu nhẹ và chua.

Dù Arab Saudi có trữ lượng khổng lồ, đa số dầu của nước này là dầu nhẹ chua, với nhu cầu ngày càng giảm và yêu cầu được tinh chế loại bỏ tạp chất. Bởi vậy, khi nhu cầu thế giới thay đổi, Riyadh sẽ phải nhập khẩu các loại dầu mà mình không có sẵn.

Cam kết hợp đồng

Mặc dù không có trữ lượng hay sản lượng dầu thô đứng đầu thế giới, Arab Saudi có tiếng nói lớn trong ngành công nghiệp dầu mỏ nhờ vào sức mạnh và quyết tâm điều chỉnh, bình ổn thị trường.

Nếu đã cam kết trong hợp đồng, chắc chắn Riyadh sẽ làm mọi cách để vận chuyển những lô hàng này đến người mua đúng hạn, cho dù có phải nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài.

Theo New York Times, vào năm 2019, cơ sở lọc dầu của Arab Saudi tại Khurais và Abqaiq bị máy bay không người lái tấn công, khiến hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn nghiêm trọng. Sau vụ tấn công, sản lượng của Arab Saudi đã giảm đi 5,7 triệu thùng/ngày.

Vụ tấn công nhà máy lọc dầu tại Khurais và Abqaiq năm 2019. (Ảnh: Fayez Nureldine).

Rõ ràng, Riyadh có thể tuyên bố điều khoản bất khả kháng và tạm hoãn việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Tuy nhiên, quốc gia này lại nhập khẩu từ một loạt các nhà xuất khẩu khác để “đưa đến khách hàng từng giọt dầu mà họ đã yêu cầu”.

Bằng cách thể hiện cam kết cung ứng dầu giữa cuộc khủng hoảng tồi tệ, Arab Saudi đã cho thế giới thấy rằng mình luôn thực hiện đúng hợp đồng. Bởi vậy, cả thế giới luôn tìm đến Arab Saudi để mua dầu thô.

Cơ hội kiếm lời

Do chiến dịch quân sự tại Ukraine, phương Tây quyết định tẩy chay sản phẩm của Nga bằng các biện pháp cấm nhập khẩu và cấm cung cấp dịch vụ vận tải, bảo hiểm cho dầu Nga.

Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Arab Saudi. Bởi vậy, quyết định của phương Tây khiến chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu bị đứt gãy nghiệm trọng, đẩy giá nhiên liệu lên mức kỷ lục.

Đối với phương Tây hay đa phần châu Á, giá dầu cao là một tin tức vô cùng tồi tệ, đặc biệt khi nền kinh tế vừa thoát khỏi đại dịch COVID. Tuy nhiên với Arab Saudi và những nhà xuất khẩu lớn khác, thì giá nhiên liệu cao không khác nào lộc trời ban.

Và mặc dù giá dầu thế giới đang tăng mạnh, Nga phải chiết khấu tương đối nhiều khi muốn bán nhiên liệu sau khi bị các khách hàng truyền thống ở châu Âu quay lưng.

Trung bình, giá dầu của Nga thường rẻ hơn khoảng 20-30 USD/thùng so với giá tiêu chuẩn của thế giới. Arab Saudi có thể dễ dàng kiếm lời 20-30 USD/thùng (chưa bao gồm chi phí vận chuyển) khi nhập dầu của Nga và bán với giá thị trường.

Dầu Urals của Nga có giá thấp hơn dầu quốc tế khoảng 20 USD/thùng.

Rõ ràng, việc bán dầu đang bị cấm vận của Nga sẽ mang nhiều rủi ro. Tuy nhiên, nhiều khách hàng lớn của Arab Saudi lại đến từ châu Á, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ. Những khách hàng khát nhiên liệu này sẽ chẳng mấy bận tâm tới nguồn cung dầu tới từ đâu.

Thậm chí Bắc Kinh và New Delhi đã trở thành những khách hàng lớn của Moscow, bất chấp những lời đe dọa về trừng phạt thứ cấp của Mỹ. 

Chính Arab Saudi cũng là một khách hàng với mặt hàng dầu Nga. Theo Reuters, Riyadh đã nhập một lượng lớn dầu của Nga để sản xuất điện trong nước, và giữ lại dầu của mình để xuất khẩu.

Và dù theo cách này hay các khác, dầu của Nga vẫn đang được bán ra thị trường, và các nước phương Tây vẫn tiếp tục phải tiêu thụ loại mặt hàng này. Tất nhiên, Nga đang phải bán với mức chiết khấu lên tới 30%, nhưng giá dầu cao trong những tháng vừa qua hoàn toàn có thể bù đắp cho việc mất đi 20-30 USD mỗi thùng.

Những người hưởng lợi nhiều nhất sẽ là các quốc gia đứng vị trí trung gian, chẳng hạn như Arab Saudi, Trung Quốc hay Ấn Độ. Trung Quốc cũng đã áp dụng chiến thuật tương tự với mặt hàng khí đốt của Nga, chuyển lượng khí đốt không dùng tới sang châu Âu với mức chênh lệch gấp đôi.

Ngược lại, kẻ chịu thiệt lớn nhất sẽ là châu Âu, khi vừa mua nhiên liệu với giá cắt cổ mà vẫn chẳng thể chặn nổi nguồn thu của Moscow.

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.