|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Từ vụ mỏ dầu ở Saudi Arabia bị tấn công, chuyên gia Mỹ lo thảm kịch Trân Châu Cảng lặp lại

16:50 | 16/09/2019
Chia sẻ
Đối với những chuyên gia hàng ngày theo dõi các mối đe dọa đối với an ninh nước Mỹ, cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa nhằm vào cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia mới đây chính là nỗi lo sợ lớn nhất của họ trở thành hiện thực.
5d7df63e548af

Khói đen bốc cao hàng chục kilomet từ đám cháy tại Abqaiq và Khurais, có thể nhìn thấy từ vệ tinh. Ảnh: AP.

Hôm 14/9, mỏ dầu của Saudi Arabia (Ả rập Xê út) tại Khurais và cơ sở chế biến dầu tại Abqaiq gần đó đã bị tấn công và bốc cháy dữ dội. Các cột khói bốc cao hàng chục kilomet và có thể được quan sát rõ từ vệ tinh.

Theo các báo cáo ban đầu, cuộc tấn công được thực hiện bởi các thiết bị bay điều khiển từ xa (drone). Chính những món đồ rẻ tiền này lại làm được điều mà một lực lượng không quân được đầu tư bài bản, tốn kém không làm nổi: Bay đường dài, thả bom mạnh và thiêu rụi quá nửa năng lực sản xuất dầu của Saudi Arabia.

Tờ Bloomberg so sánh vụ tấn công này như trận chiến Trân Châu Cảng diễn ra vào tháng 12/1941 khi Nhật Bản dùng máy bay bất ngờ tấn công và đánh chìm hàng chục tàu chiến lớn, đắt tiền của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ.

Các phiến quân hồi giáo Houthi tại Yemen đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Sự kiện này đã nhấn mạnh những lo ngại của quan chức và chuyên giá chống khủng bố Mỹ về sự phát triển nhanh chóng của công nghệ bay không người lái.

"Kết luận ở đây là rất có thể chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều các cuộc tấn công như trên. Đáng ngại nhất là những đòn đánh vào nhiều mục tiêu cùng lúc, có thể được phối hợp với tấn công mạng máy tính", ông Milena Rodban, một nhà phân tích rủi ro độc lập tại Washington trao đổi với Bloomberg.

Đối với các lực lượng an ninh, rủi ro này không có gì mới. Tháng 10 năm ngoái, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray đã cảnh báo một ủy ban Thượng viện Mỹ rằng các máy bay dân sự được điều khiển từ xa hình thành "một mối đe dọa ngày càng lớn".

Theo ông, các thiết bị này nhiều khả năng có thể được các nhóm khủng bố, tội phạm, buôn bán ma túy sử dụng để thực hiện những cuộc tấn công trên đất Mỹ.

Hàng chục vụ việc trong những năm gần đây đã thể hiện rủi ro này, từ vụ máy bay điều khiển từ xa bí ẩn bay qua sân bay Gatwick của London tháng 12/2018 làm gián đoạn hoạt động nhiều ngày, đến vụ ám sát bất thành lãnh đạo Yemen và Venezuela gần đây.

Mặc dù mối đe dọa này được nghiên cứu và hiểu biết rất rõ, nhưng các biện pháp ứng phó cần thiết lại đang còn rất mơ hồ.

Hiện nay chưa có qui định nào về việc theo dõi hàng triệu máy bay dân sự điều khiển từ xa đang hoạt động trên bầu trời Mỹ.

Sau khi FBI và Bộ An ninh Nội địa phản đối việc máy bay không người lái cỡ nhỏ được dùng ngày càng nhiều ở nơi công cộng, Cục Hàng không Mỹ (FAA) đã dành hai năm qua để soạn thảo văn bản luật yêu cầu các thiết bị này phải cài thiết bị định vị radio.

Bản dự thảo có thể xong trong năm nay nhưng cần thêm ít nhất một năm nữa để hoàn thiện.

Trong thời gian đó, FAA đã khuyến cáo các sân bay về việc tiếp nhận công nghệ chống máy bay không người lái. Những năm gần đây FAA đã thử nghiệm radar và các hệ thống khác để xác định máy bay điều khiển từ xa thâm nhập. Tuy nhiên tất cả công cụ này đều có những "điểm mù" rất lớn.

Quân đội Mỹ có nhiều lựa chọn hơn trong việc chống lại máy bay điều khiển từ xa, nhưng một số công nghệ của quân đội như phá tín hiệu radio hay bắn đạn thật lại không được phép áp dụng trong khu vực dân sự.

Từ vụ mỏ dầu ở Saudi Arabia bị tấn công, chuyên gia Mỹ lo thảm kịch Trân Châu Cảng lặp lại - Ảnh 2.

Một chiếc máy bay điều khiển từ xa dùng cho mục đích dân sự có thể được cải tiến để thực hiện các vụ tấn công. Ảnh minh họa: tested.com

Bloomberg dẫn lời ông Jeffrey Price - Giáo sư về quản trị hàng không tại Đại học Trung tâm bang Denver cho hay: Cuộc tấn công vào mỏ dầu của Saudi Arabia cho thấy một quốc gia với trang thiết bị quân sự hiện đại và chi phí quốc phòng khổng lồ cũng rất dễ bị tấn công bởi một vài máy bay điều khiển từ xa.

Theo ông, vụ tấn công hôm 14/9 không chỉ cho thấy trình độ kĩ thuật ngày càng cao của các nhóm phiến quân mà còn có thể trở thành hình mẫu để những kẻ khủng bố IS hay al-Qaeda trên đất Mỹ học theo.

Ông cho biết thêm: "Máy bay điều khiển từ xa cho phép những kẻ khủng bố ngồi ở khoảng cách an toàn để thực hiện tấn công một cách hết sức bất ngờ – điều mà trước đây được coi là bất khả thi".

Từ vụ mỏ dầu ở Saudi Arabia bị tấn công, chuyên gia Mỹ lo thảm kịch Trân Châu Cảng lặp lại - Ảnh 3.

Máy bay quân sự điều khiển từ xa Reaper của Mỹ có giá khoảng 17 triệu USD. (Ảnh: CNBC.) Những chiếc máy bay mà phiến quân và các nhóm khủng bố sử dụng nhỏ hơn và rẻ tiền hơn chiếc này rất nhiều.

Mặc dù phiến quân Houthi tại Yemen đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào Saudi Arabia nhưng Ngoại trường Mỹ Mike Pompeo lại cáo buộc Iran là nước thực hiện.

Theo ông Pompeo, không có bằng chứng nào cho thấy các cuộc tấn công xuất phát từ Yemen; tuy nhiên ông Pompeo cũng không đưa ra được bằng chứng chống lại Iran.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran phủ nhận cáo buộc của ông Pompeo, gọi đây là những "lời vu khống mù quáng và vô nghĩa".

Danh tính của tổ chức thực hiện vụ khủng bố càng thêm bí ẩn khi tờ Wall Street Journal đưa tin quan chức Mỹ và Saudi Arabia đang xem xét khả năng tên lửa hành trình được phóng đi từ Iraq.

Tên lửa hành trình cũng là một loại phương tiện bay không người lái nhưng hiện đại, phức tạp hơn rất nhiều so với các loại máy bay điều khiển từ xa mà các nhóm khủng bố có.

Theo một báo cáo của Liên Hợp quốc trong năm nay, hồi giữa năm 2018 lực lượng Houthi đã phát triển một loại máy bay không người lái mới với tầm bay xa hơn, tên gọi UAV-X.

Chiếc UAV-X này có khả năng mang đầu đạn 18 kg và bay quãng đường lên tới 745 dặm (1.200 km).

Các bộ chip máy tính hiện đại và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) khiến cho các máy bay này có năng lực ngày càng lớn. Chưa kể, giá của các máy bay điều khiển từ xa này rẻ hơn rất nhiều so với chiếc Reaper trị giá hàng chục triệu USD của quân đội Mỹ.

Giáo sư Jeffrey Price dự nhiều buổi hội thảo tại các sân bay trên khắp nước Mỹ. "Đến đâu tôi cũng hỏi các nhà quản lí sẽ làm gì để kiểm soát máy bay không người lái. Mọi người chỉ thở dài và không ai đưa ra được câu trả lời", ông nói.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Song Ngọc

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.