Cuộc tấn công tại Arab Saudi khiến thế giới rơi vào tình cảnh không có nguồn cung dự phòng
Reuters đã tổng hợp một số thông tin về tác động của cuộc tấn công đến nguồn cung dầu và công suất dự phòng:
Tại sao sự kiện gây gián đoạn nghiêm trọng cho nguồn cung dầu thế giới?
Cuộc tấn công vào các cơ sở dầu của Arab Saudi hôm 14/9 không chỉ làm thiệt hại một nửa sản lượng dầu của quốc gia Trung Đông, mà còn loại bỏ gần như toàn bộ công suất dự phòng để bù đắp cho bất kì sự gián đoạn lớn nào trong nguồn cung dầu trên toàn thế giới.
Vụ tấn công đã giảm sản lượng dầu thô của Arab Saudi 5,7 triệu thùng/ngày, hơn 5% nguồn cung thế giới.
Ngoài ra, cuộc tấn công cũng hạn chế khả năng sử dụng công suất sản xuất dầu dự phòng hơn 2 triệu thùng/ngày của Arab Saudi cho các trường hợp khẩn cấp.
Vương quốc này trong nhiều năm là quốc gia sản xuất dầu lớn duy nhất có khả năng dự phòng đáng kể, theo đó có thể khởi động nhanh chóng để bù đắp cho bất kì sự thiếu hụt nào về nguồn cung do chiến tranh hoặc thiên tai.
Hầu hết các quốc gia khác không thể đủ khả năng để khoan các giếng dầu đắt tiền và cài đặt cơ sở hạ tầng, sau đó duy trì nó nhàn rỗi.
Trước vụ tấn công, nguồn cung dự phòng cho thế giới của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) chỉ hơn 3,21 triệu thùng/ngày, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Arab Saudi, nhà lãnh đạo không chính thức của OPEC, có công suất dự phòng 2,27 triệu thùng/ngày.
Còn lại khoảng 940.000 thùng/ngày công suất dự phòng, chủ yếu do Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất nắm giữ.
Iraq và Angola cũng có một số khả năng dự phòng.
Hiện tại, có thể các quốc gia này sẽ phải đưa công suất dự phòng vào hoạt động để giúp thu hẹp một số khoảng trống mà Arab Saudi để lại, nhưng vậy vẫn chưa đủ.
OPEC và các đồng minh có thể đảo ngược thoả thuận giảm sản xuất?
OPEC và các đồng minh như Nga đã giảm sản lượng để ngăn giá suy yếu vì thị trường đã bị thừa cung.
Tuy nhiên, thoả thuận chỉ nhằm giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày, và phần lớn trong số đó là từ Arab Saudi nên giờ việc đảo ngược không thể diễn ra nhanh chóng.
Các thành viên không thuộc OPEC như Nga đang bơm gần mức công suất, vì vậy có lẽ chỉ 100.000 -150.000 thùng/ngày sản xuất bổ sung có sẵn.
Iran thì sao?
Iran có công suất dự phòng nhưng quốc gia này không thể đưa dầu ra thị trường vì các lệnh trừng phạt do chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt.
Xuất khẩu dầu của Iran đã giảm hơn 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 4.
Washington đã tuyên bố Iran đứng sau vụ tấn công hôm 14/9, do đó khó có thể nới lỏng các lệnh trừng phạt để cho phép Iran thu hẹp khoảng cách về nguồn cung mà họ tin là do Tehran tạo ra.
Về phần mình, Iran đã nói sau vụ tấn công rằng họ sẽ bơm hết công suất nếu các lệnh trừng phạt được nới lỏng.
Còn Venezuela?
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng đã tác động đến ngành dầu mỏ của Venezuela.
Tuy nhiên, sản lượng của Venezuela đã giảm tự do trong nhiều năm và công ty dầu mỏ nhà nước PDVSA dường như không thể thúc đẩy sản xuất nhiều ngay cả khi các lệnh trừng phạt được nới lỏng.
Liệu các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ có thể bơm nhiều hơn?
Mỹ đã trở thành nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới, sau nhiều năm tăng trưởng nhanh chóng về nguồn cung từ ngành đá phiến, phần lớn được bơm từ các mỏ ở Texas.
Mỹ cũng đã trở thành một nhà xuất khẩu, và vận chuyển nhiều dầu thô hơn tới các thị trường quốc tế vào tháng 6 so với Arab Saudi.
Các nhà sản xuất dầu đá phiến có thể nhanh chóng bơm nhiều hơn khi giá tăng và có thể đưa sản xuất vào thị trường trong vài tháng. Đó là khoảng thời gian nhanh hơn nhiều so với hầu hết sản xuất dầu truyền thống.
Nếu việc ngừng hoạt động của Saudi có vẻ như sẽ kéo dài và giá dầu tăng đáng kể, thì các nhà sản xuất dầu đá phiến sẽ tăng sản lượng.
Mặc dù vậy, ngay cả khi các nhà sản xuất đá phiến bơm nhiều hơn, vẫn có những hạn chế về việc Mỹ có thể xuất khẩu bao nhiêu vì các cảng dầu đã gần hết công suất.
Vậy điều gì đang xảy ra? Các kho dự trữ dầu thì sao?
Tất cả phụ thuộc sự gián đoạn kéo dài trong bao lâu.
Arab Saudi, Mỹ và Trung Quốc đều có hàng trăm triệu thùng dầu trong kho lưu trữ chiến lược. Đó là lượng lưu trữ được các chính phủ giữ chính xác cho kịch bản này, để bù đắp cho sự gián đoạn đột xuất trong nguồn cung.
Các quốc gia có thể giải phóng dầu từ kho lưu trữ chiến lược để đáp ứng nhu cầu và giảm bớt tác động đến giá cả. Hôm 15/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã ủy quyền giải phóng dầu từ Cục Dự trữ Dầu khí Chiến lược Mỹ.
IEA, nơi điều phối các chính sách năng lượng của các quốc gia công nghiệp hóa, khuyên tất cả thành viên nên trữ tương đương 90 ngày nhập khẩu dầu ròng trong kho.
Dầu từ kho nên giữ cho thị trường được cung cấp trong một thời gian, nhưng thị trường dầu có thể sẽ ngày càng biến động khi tồn kho bị giảm và khả năng gián đoạn nguồn cung tăng lên.
Hôm 14/9, IEA cho biết các thị trường vẫn được cung cấp tốt bất chấp sự gián đoạn của Arab Saudi.
"Chúng ta đang thừa cung", ông Christyan Malek, người đứng đầu phòng nghiên cứu dầu và khí đốt của châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại J.P. Morgan, nhận định.
Ông nói thêm sẽ cần mất 5 triệu thùng dầu/ngày trong vòng 5 tháng để đưa nguồn cung dầu thô toàn cầu trở về mức trung bình 40 năm.
Điều gì xảy ra nếu có thêm một đợt gián đoạn nguồn cung khác?
Không có công suất dự phòng, sự gián đoạn trong tương lai sẽ khiến giá dầu tăng. Một mức giá cao hơn theo thời gian sẽ khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư và bơm nhiều hơn, đồng thời giảm tiêu thụ.
Thành viên của OPEC, Libya, đang chìm trong cuộc nội chiến, đe dọa khả năng tiếp tục bơm dầu. Một sự gián đoạn lớn khác của Libya sẽ khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn và làm nổi bật việc thiếu công suất dự phòng.
Xuất khẩu của Nigeria cũng đã bị gián đoạn.
Ngay cả trước cuộc tấn công tại Arab Saudi, công suất dự phòng đã giảm.
Công ty tư vấn năng lượng Aspects dự đoán công suất dự phòng của OPEC sẽ giảm xuống dưới 1 triệu thùng/ngày trong quí IV từ 2 triệu thùng/ngày trong quí II/2019.