Sản lượng dầu thực tế mà OPEC+ cắt giảm có thể chỉ bằng 10% kế hoạch
Lý do để lạc quan
Tuần trước, các nước thành viên OPEC+ đã nhất trí hạ sản lượng dầu thô khoảng 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11. Tuy nhiên, lượng dầu cắt giảm trong thực tế có thể chỉ bằng 1/10 con số trên.
OPEC+ có đến 23 thành viên nhưng gánh nặng của kế hoạch cắt giảm sản lượng chủ yếu sẽ do ba nước Arab Saudi, UAE và Kuwait gánh vác. Hiện nay, hầu hết các nước khác đều cung ứng lượng dầu thấp hơn hẳn hạn ngạch được cấp. Do đó, sản lượng thực tế của họ vẫn sẽ thấp hơn hạn ngạch mới được phân bổ thêm.
Các ước tính trong tháng 9 ngầm chỉ ra rằng sản lượng thực tế của OPEC+ thấp hơn kế hoạch đề ra khoảng 3,6 triệu thùng/ngày.
Khi các mục tiêu mới được áp dụng từ ngày 1/11, sẽ chỉ có 8 quốc gia buộc phải bơm ít dầu hơn. Ngoài ba nước vùng Vịnh, những cái tên khác bao gồm Nam Sudan, Algeria, Gabon, Iraq và Oman. Tổng sản lượng mà các quốc gia này được yêu cầu cắt giảm chỉ vào khoảng 890.000 thùng/ngày. Đây vẫn là con số đáng kể, nhưng nó cách xa mức 2 triệu thùng/ngày.
Thị trường có thể bỏ qua ba cái tên Nam Sudan, Gabon và Iraq. Dữ liệu của OPEC cho thấy Nam Sudan luôn vượt quá hạn ngạch mỗi tháng kể từ khi thỏa thuận hiện tại có hiệu lực từ tháng 5/2020.
Trong thời gian đó, Nam Sudan cũng chưa từng giảm sản lượng, dù chỉ một thùng dầu. Ít có khả năng Nam Sudan sẽ đột nhiên tuân thủ chỉ tiêu từ tháng sau. Gabon cũng tương tự. Theo dữ liệu của OPEC, trong 29 tháng qua, Gabon chỉ khai thác thấp hơn mức tối đa một lần duy nhất.
Còn Iraq thì sao? Khi thỏa thuận ngày 5/10 vừa được công bố, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq đã ngay lập tức trấn an người mua dầu rằng xuất khẩu của nước này sẽ không bị ảnh hưởng, tờ Bloomberg cho biết. Phát biểu của vị bộ trưởng ngụ ý rằng nước này cũng sẽ không cắt giảm sản lượng. Như vậy, danh sách các quốc gia sẽ cắt giảm sản lượng được rút gọn lại còn 5 cái tên.
Tổng cộng, hai nước Algeria và Oman được yêu cầu giảm 32.000 thùng dầu/ngày, chẳng thấm vào đâu so với tổng sản lượng của OPEC+. Dự kiến Arab Saudi và hai nước láng giềng sẽ giảm 790.000 thùng/ngày, nhưng mất mát này có thể được bù đắp bởi sản lượng gia tăng từ một số nước thành viên khác.
- TIN LIÊN QUAN
-
Cuộc chiến dầu mỏ: Arab Saudi chọn đối đầu với Mỹ 08/10/2022 - 21:45
Nigeria, Angola và Malaysia đều đang vật lộn với vấn đề công suất. Cả ba nước đã không hoàn thành mục tiêu khai thác trong suốt nhiều tháng trời. Ít có khả năng xu hướng này sẽ thay đổi.
Nga cũng đang gặp khó khăn. Trước cả khi tấn công Ukraine, Nga đã phải chật vật để theo kịp hạn ngạch được phân bổ. Tình hình càng tệ đi sau khi giao tranh nổ ra.
Nhưng Kazakhstan thì khác. Sản lượng khai thác hiện nay của nước này – khoảng 560.000 thùng/ngày – thấp hơn mục tiêu, nhưng đó là bởi những yếu tố có thể được chấn chỉnh tương đối nhanh chóng. Kazakhstan đang bảo trì một trong những mỏ dầu lớn nhất nước và đồng thời khắc phục việc rò rỉ khí đốt tại một mỏ khác.
Hoạt động bảo trì được hoàn tất vào cuối tuần trước sẽ sớm giúp 260.000 thùng dầu quay trở lại thị trường mỗi ngày. Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan cho biết phần công suất còn lại sẽ được khôi phục trước tháng 11 – vừa kịp để bù đắp mức cắt giảm theo kế hoạch của OPEC+.
Nếu vị bộ trưởng nói đúng thì sản lượng dầu cắt giảm thực tế - được đo lường từ sản lượng hiện tại – có thể bị thu hẹp còn 230.000 thùng/ngày. Đây không phải con số đáng ngại.
Mối nguy từ Moscow
Nhưng một tháng sau, tình hình có thể sẽ rất khác. Lệnh cấm vận dầu mỏ Nga của Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12 – một ngày sau cuộc họp tiếp theo của OPEC+. Lệnh cấm nhắm đến hầu hết các chuyến hàng vận chuyển bằng đường biển tới các nước thành viên của EU.
Nga đã thành công trong việc bán hầu hết số dầu thô bị người mua châu Âu từ chối sang cho Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. Nhưng các lệnh trừng phạt có hiệu lực từ tháng 12 có thể tạo ra tác động lớn hơn nhiều, vì chúng sẽ hạn chế các chuyến hàng từ Nga đến cả những quốc gia ngoài châu Âu.
Theo tờ Bloomberg, đội tàu chở dầu của Nga không đủ lớn để chở tất cả số dầu cần chuyển hướng khỏi châu Âu. Điều đó có thể buộc Nga giảm sản lượng. Điện Kremlin có thể xoay xở nếu chấp nhận phương án áp giá trần mà phương Tây đề xuất.
Nếu làm vậy, những thùng dầu được bán với giá thấp hơn hoặc bằng một mức giá cụ thể sẽ được miễn trừng phạt. Tuy nhiên, Moscow có vẻ quyết tâm từ chối kế hoạch này.
Nếu Điện Kremlin quyết định giảm khai thác thay vì chấp nhận giá trần, kế hoạch hạ sản lượng 2 triệu thùng/ngày của OPEC+ có thể đột nhiên thành sự thật. Điều duy nhất chắc chắn là giá dầu thô sẽ tiếp tục biến động dữ dội cho phần còn lại của năm 2022.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/