|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mây đen bao phủ nền kinh tế, Đảng Dân chủ của ông Biden liệu có thất thế trong cuộc đua tháng 11?

16:55 | 10/10/2022
Chia sẻ
Các diễn biến kinh tế gần đây đang đe doạ nỗ lực của Tổng thống Biden trong việc củng cố tăng trưởng và hạ nhiệt lạm phát. Điều này đặt ra những thách thức mới cho chiến dịch tranh cử giữa nhiệm kỳ của Đảng Dân chủ.

Vận mệnh của Đảng Dân chủ

Trong bối cảnh chỉ còn vài tuần nữa là đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, các đảng viên Dân chủ đang rất muốn duy trì quyền kiểm soát tại cả Hạ viện và Thượng viện.

Trong những tháng qua, Đảng Dân chủ có vẻ đã được hưởng lợi khi cử tri ủng hộ lập trường của chính quyền Tổng thống Biden đối với quyền phá thai, sau khi Toà án Tối cao ra phán quyết huỷ bỏ quyền này trong hiến pháp.

Tuy nhiên, động thái hạ sản lượng dầu thô của OPEC+ và cuộc chiến chống lạm phát của Fed có thể khiến nền kinh tế Mỹ rung lắc dữ dội và qua đó củng cố triển vọng của Đảng Cộng hoà.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy hầu hết người dân Mỹ vẫn đang có cái nhìn bi quan về nền kinh tế và chiến lược quản lý kinh tế của ông Biden.

Chẳng hạn, theo một khảo sát của NBC News, sự ủng hộ của các cử tri đã đăng ký bỏ phiếu đối với cả hai đảng trong Quốc hội là như nhau. Song, tỷ lệ cử tri đồng tình với chính sách kinh tế của Đảng Cộng hoà cao hơn 19 điểm % so với Đảng Dân chủ.

Dữ liệu kinh tế trong những tuần tới sẽ được theo dõi sát sao. Tin tức kinh tế lành mạnh có thể giúp Đảng Dân chủ chiếm ưu thế, nhưng các dấu hiệu như lạm phát trỗi dậy hay tăng trưởng giảm tốc có thể khiến quyền kiểm soát lưỡng viện của đảng này lung lay.

Báo cáo do Cục Thống kê Lao động công bố hồi cuối tuần trước cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo ra thêm 263.000 việc làm mới trong tháng 9 và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 3,5%.

Nhà Trắng gọi bản báo cáo là dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt phần nào nhưng vẫn tương đối khoẻ mạnh.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Getty Images).

Phát biểu trước truyền thông, Tổng thống Biden bày tỏ: “Chúng ta cần khống chế lạm phát nhưng không được xô đổ mọi tiến bộ kinh tế mà người dân lao động đã gầy công đóng góp. Đó chính xác là những gì chúng ta đang thấy”.

Ông Biden đã nhấn mạnh các gói chi tiêu cơ sở hạ tầng và chất bán dẫn mà ông ký thành luật gần đây. Đồng thời, vị tổng thống cảnh báo rằng Đảng Cộng hoà sẽ cố gắng loại bỏ các chính sách của Đảng Dân chủ nếu họ giành được quyền kiểm soát Quốc hội.

Yếu tố kinh tế trong cuộc đua

Đảng Cộng hoà cáo buộc rằng ông Biden đang theo đuổi những chính sách góp phần thổi bùng lạm phát, làm trì tệ tăng trưởng và phá hoại ngành công nghiệp năng lượng trong nước.

Họ đặc biệt đề cập đến gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD mà Washington ban hành năm ngoái cũng như việc chính phủ hạn chế hoạt động khai thác dầu khí trên đất liên bang, theo tờ Wall Street Journal.

Các nhà lập pháp Đảng Cộng hoà còn cho rằng ông Biden đang tránh né những áp lực mà giá xăng dầu và hàng tạp hoá tăng cao gây ra cho các hộ gia đình.

Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hoà Kevin Brady cho hay: “Thật khó để tìm thấy điểm tương đồng giữa những lời khoe khoang về nền kinh tế của ông Biden với bối cảnh kinh tế thực ngày nay”.

Ông Paul Begala - chiến lược gia của Đảng Dân chủ, cho rằng Tổng thống Biden xứng đáng được ghi nhận vì song song với việc truyền đạt tiến bộ kinh tế, ông vẫn thẳng thắn thừa nhận những khó khăn tài chính mà nhiều cử tri phải đối mặt.

Vị chiến lược gia nhấn mạnh rằng tình hình kinh tế hiện nay rất thách thức và sẽ là bài toán khó đối với bất kỳ tổng thống đương nhiệm nào.

Các nhà phân tích bầu cử độc lập nhận thấy cơ hội kiểm soát Thượng viện của cả hai đảng đều ngang nhau, nhưng có khả năng Đảng Cộng hoà sẽ giành lại Hạ viện. Đảng kiểm soát Nhà Trắng thường mất bớt số ghế trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

 

Báo cáo việc làm tháng 9 là một trong các chỉ số kinh tế lớn cuối cùng được công bố trước thềm cuộc bầu cử ngày 8/11. Tuần này, Nhà Trắng sẽ theo dõi sát chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 để biết liệu lạm phát có đang thoái lui hay không.

Các thông tin đáng chú ý khác còn bao gồm cuộc họp chính sách ngày 1 - 2/11 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và báo cáo việc làm tháng 10 ngày 4/11.

Fed đã nâng lãi suất trong 5 cuộc họp liên tiếp, qua đó làm tăng chi phí đi vay trên toàn nền kinh tế và đẩy Mỹ tiến sát đến bờ vực suy thoái.

Dữ liệu việc làm tháng 9 cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt nhưng vẫn còn rất vững chắc. Khả năng cao là Fed sẽ phải tăng lãi suất mạnh tay vào tháng 11 và khiến các chỉ số chứng khoán chính sụt giảm mạnh hơn.

Báo cáo giá tiêu dùng gần nhất cũng chỉ ra rằng lạm phát đã giảm bớt nhưng vẫn còn neo quanh mức cao nhất trong 40 năm.

 

Giá xăng trung bình tại Mỹ đã vượt quá 5 USD/gallon vào giữa tháng 6 nhưng kể từ đó, giá đã giảm dần. Các quan chức hàng đầu Nhà Trắng thường xuyên đề cập đến xu hướng này trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, giá xăng gần đây đã tăng từ mức 3,75 USD hồi một tháng trước lên 3,9 USD/gallon, theo hiệp hội xe hơi AAA. Giá có thể leo thang hơn nữa sau quyết định hạ sản lượng 2 triệu thùng/ngày của OPEC+.

Ông Biden cho biết chính quyền Washington đang xem xét các lựa chọn, không loại trừ khả năng có hành động trả đũa đối với OPEC và Arab Saudi. Các nhà lập pháp đang đe doạ sẽ đệ đơn kiện OPEC lên WTO hoặc buộc họ tuân thủ luật chống độc quyền của Mỹ.

Chính quyền ông Biden cũng lập luận rằng Fed có thể “hạ cánh mềm” - tức hạ nhiệt lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ từng cảnh báo rằng nền kinh tế có thể phải chịu một số nỗi đau khi Fed cố gắng khống chế lạm phát.

 

Yên Khê