|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cuộc đụng độ giữa ông Biden và ngành năng lượng xảy ra ngay lúc thế giới cần thêm dầu từ Mỹ

17:27 | 06/11/2022
Chia sẻ
Trong khi chính quyền Tổng thống Biden chỉ trích các công ty dầu mỏ gặt hái lợi nhuận khổng lồ mà không đầu tư vào sản xuất thì các giám đốc ngành năng lượng cũng chê trách Washington đưa ra nhiều chính sách mâu thuẫn. Xung đột giữa hai bên ngày càng trở nên căng thẳng.

 

Tổng thống Biden đang gia tăng áp lực lên ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ. (Ảnh minh hoạ: Salon/Getty Images).

Gieo rắc căng thẳng

Khi tháng 10 sắp khép lại, Nhà Trắng của Tổng thống Joe Biden lại nhìn thấy một rủi ro khác về nguồn cung năng lượng. Tồn kho dầu diesel và dầu sưởi ở khu vực đông bắc nước Mỹ đã tụt xuống một mức thấp rất đáng ngại.

Giới chức bắt tay vào hành động. Họ tổ chức một loạt cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Năng lượng Jennifer Granholm và các công ty lọc dầu lớn nhất đất nước để tìm cách bổ sung tồn kho. Theo nguồn tin của Bloomberg, các cuộc họp diễn ra rất suôn sẻ.

Tuy nhiên, sang ngày làm việc tiếp theo, ngành công nghiệp dầu mỏ đã được dịp bất ngờ. Tại một cuộc họp báo được sắp xếp vội vã vào ngày 31/10, ông Biden đã chỉ trích các ông lớn dầu mỏ vì chia lợi nhuận “quá lố” cho cổ đông, thay vì giúp sức hạ nhiệt giá xăng bán lẻ.

Ông chủ Nhà Trắng cảnh báo, nếu các công ty này không thay đổi, họ sẽ phải đóng nhiều thuế hơn. “Lợi nhuận của họ là từ chiến tranh mà ra, là từ cuộc chiến tàn khốc đang tàn phá Ukraine và làm tổn thương hàng triệu người trên toàn cầu”.

Theo chia sẻ từ các giám đốc và các nhà vận động hành lang trong ngành năng lượng, lời đe doạ mới nhất của Tổng thống Biden chỉ là một động thái tiêu cực khác làm gieo rắc bất bình và căng thẳng.

Trao đổi với Bloomberg, những người trong ngành cho biết họ ngày càng không hài lòng với một loạt các ưu tiên chính sách mâu thuẫn của chính quyền ông Biden.

Chẳng hạn, chỉ trong vài tháng, từ ngừng cho các công ty dầu mỏ thuê đất liên bang, Washington bây giờ lại yêu cầu họ tăng sản lượng dầu thô hay đưa ra các yêu cầu phi thực tế như phải rót hàng tỷ USD để nhanh chóng bổ sung công suất lọc dầu.

Không muốn trở thành “con dê gánh tội” khi giá nhiên liệu tăng cao trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của chính phủ, các giám đốc ít khi xuất hiện trên truyền thông giờ đây bỗng thẳng thắn bày tỏ quan điểm hơn.

Tuần trước, CEO của Exxon Mobil và Chevron đã đưa ra những cảnh báo đen tối nếu Nhà Trắng đánh thuế lợi nhuận cao bất thường đối với các công ty dầu mỏ (tức windfall profit tax).

Ông Marshall McCrea, đồng CEO của nhà điều hành đường ống Energy Transfer, thì cho rằng chính sách năng lượng của Mỹ đang trở nên hỗn loạn, đến mức chúng giống như vở diễn hài trên chương trình Saturday Night Live.

 

Ông Biden liên tục thay đổi

Ngày đầu tiên nhậm chức (20/1/2020), ông Biden đã thu hồi giấy phép của đường ống Keystone XL. Động thái này khiến Mỹ không thể nhập khẩu thêm dầu thô từ Canada để cung cấp cho các nhà máy lọc dầu ở Bờ Vịnh. Vài ngày sau, ông cấm các công ty năng lượng khai thác trên đất liên bang.

Các nhà điều hành trong ngành đã rất tức giận vì một số giếng dầu tiềm năng nhất trong lưu vực Permian hiện nằm trên đất liên bang ở New Mexico. Thông điệp khi đó của vị tổng thống Đảng Dân chủ rất rõ ràng: chính phủ của ông không phải là bạn của ngành công nghiệp dầu mỏ.

Khi xăng vượt ngưỡng 3 USD/gallon vào giữa năm 2021, các nhân vật cấp cao trong chính quyền liên bang đã chú ý hơn đến giá xăng bán lẻ cũng như vai trò của hoá đơn nhiên liệu trong việc thúc đẩy lạm phát.

Tháng 11 năm ngoái là một thời điểm quan trọng. Ông Biden cáo buộc ngành công nghiệp dầu mỏ có hành vi “chống lại người tiêu dùng”, đồng thời phàn nàn rằng giá xăng dầu vẫn ở mức cao dù chi phí hoạt động của các công ty năng lượng đang đi xuống.

Ông chủ Nhà Trắng đã yêu cầu Uỷ ban Thương mại Liên bang điều tra “hành vi bất hợp pháp” tiềm ẩn của các doanh nghiệp dầu mỏ.

Ông Frank Macchiarola - Phó Chủ tịch cấp cao tại Viện Dầu khí Mỹ, nhận định: “Sự tin tưởng lẫn nhau giữa ngành công nghiệp năng lượng và chính phủ Mỹ có thể đã xấu đi từ đó”.

Đến khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm nay, khiến giá dầu tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008, Nhà Trắng đã đảo chiều hoàn toàn. Thay vì kìm hãm sản lượng dầu, chính quyền ông Biden ra sức kêu gọi doanh nghiệp bơm thêm dầu thô và khí đốt.

Song, các nhà sản xuất của Mỹ - vốn vẫn còn canh cánh nỗi lo thời đại dịch (khi giá năng lượng lao dốc nghiêm trọng), không có tâm trạng để hợp tác.

Sau một thập kỷ không mang lại lợi nhuận đáng kể cho các nhà đầu tư, giờ đây họ đang muốn khôi phục niềm tin vào giá cổ phiếu của mình. Do đó, các công ty dầu khí quyết định giữ nguyên mức sản lượng và tạo ra thật nhiều lợi ích cho các cổ đông.

 

Khi lạm phát leo thang trong nửa đầu năm 2022, rõ ràng là Nhà Trắng đã phải đối mặt với một bài toán kinh tế phức tạp. Theo Bloomberg, không tổng thống Mỹ nào tái đắc cử nếu giá xăng vọt lên trên 4 USD/gallon.

Vào tháng 6, giá xăng bán lẻ trung bình trên toàn quốc đã chạm mức 5 USD/gallon. Vào thời điểm các nhà phân tích dự đoán lợi nhuận của các công ty dầu mỏ sẽ đạt mức cao kỷ lục, ông Biden lại thay đổi thái độ.

Trong một cuộc họp báo, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đảm bảo rằng mọi người đều sẽ biết đến lợi nhuận kỷ lục của Exxon. Exxon này, các anh nên bắt đầu đầu tư và đóng thuế đi”.

Exxon đáp lại rằng họ đang đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ và đang mở rộng một nhà máy lọc dầu lớn ở Bờ Vịnh. Tuy nhiên, câu chuyện đã trở nên rõ ràng rằng ông Biden sẽ đổ lỗi cho các công ty năng lượng vì giá xăng tăng cao.

Ba tháng sau đó, các giám đốc cấp cao trong ngành được triệu tập về Bộ Năng lượng để họp bàn cùng Bộ trưởng Granholm và các quan chức cấp cao trong chính quyền ông Biden.

Cuộc gặp dự kiến sẽ xoay quanh ảnh hưởng của bão Fiona và Ian đối với nguồn cung nhiên liệu. Tuy nhiên, hai bên đề cập rất ít đến những cơn bão. Nguồn tin của Bloomberg mô tả cuộc họp như một “bài thuyết giảng” từ bà Granholm.

Các quan chức chỉ trích các công ty dầu mỏ vì đã bán nhiên liệu ra nước ngoài thay vì tích trữ cho người tiêu dùng trong nước. Họ thông báo nếu các doanh nghiệp không tự nguyện hành động, chính phủ có thể sẽ bắt buộc họ tăng dự trữ trong nước.

Cuộc họp kết thúc sớm nửa tiếng so với kế hoạch.

Trong bối cảnh giá xăng trung bình toàn quốc đang tăng trở lại và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp sửa diễn ra, chính quyền ông Biden nhiều khả năng sẽ không dịu giọng.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Abdullah Hasan từng bày tỏ: “Tháng này qua tháng khác, các công ty dầu mỏ ghi nhận lợi nhuận kỷ lục rồi sau đó đút tiền vào túi cổ đông thay vì thúc đẩy sản lượng và hạ nhiệt giá xăng”.

“Nhiều lần, chúng tôi đã tạo cơ hội và động lực để họ thay đổi hành vi. Nếu các công ty này không thích ‘củ cà rốt’, thì Tổng thống Biden đã làm rõ rằng chúng tôi có thể sử dụng ‘cây gậy’”, ông Hasan nhấn mạnh, hàm ý đến chiến lược “cây gậy và củ cà rốt”.

Căng thẳng giữa Nhà Trắng và các công ty dầu mỏ xảy ra ngay tại thời điểm khó khăn cho cả nước Mỹ và phần còn lại của thế giới. Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin vũ khí hoá khí đốt tự nhiên đã khiến châu Âu phải đối mặt với một mùa đông đầy nguy hiểm.

Cùng lúc, liên minh dầu mỏ OPEC+ lại không muốn xoa dịu tình trạng thắt chặt nguồn cung trên thị trường. Tháng trước, bất chấp những lời đề nghị giúp đỡ từ Mỹ, OPEC+ đã quyết định đứng về phía Nga và tiếp tục hạ sản lượng dầu.

Lịch sử gần đây cho thấy Mỹ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường sản lượng dầu thô nhằm giúp hạ nhiệt giá cả trên thị trường và củng cố an ninh năng lượng của các quốc gia khác.

Cuộc cách mạng dầu đá phiến đã biến Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, để lặp lại đà tăng trưởng đó một lần nữa, Mỹ cần sự phối hợp của các nhà đầu tư và chính sách phù hợp từ chính phủ.

Ngoài ra, Mỹ cũng cần cân bằng các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của mình. Cho đến nay, các tín hiệu phát đi từ phía doanh nghiệp lẫn chính phủ đều không thực sự khả quan.

Yên Khê