|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Biden đề xuất giá sàn cho dầu thô, liệu mọi việc có suôn sẻ?

14:55 | 24/10/2022
Chia sẻ
Trong thông báo về việc bổ sung kho dự trữ xăng dầu chiến lược, Tổng thống Joe Biden đã đề ra một mức giá sàn cho dầu thô tại Mỹ. Liệu kế hoạch này có mang lại hiệu quả như ý muốn của ông chủ Nhà Trắng?

 

Tổng thống Biden vừa đề xuất giá sàn cho dầu thô tại Mỹ. (Ảnh: AFP/Getty Images).

Mức giá sàn của ông Biden

Chính quyền Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ bán thêm khoảng 15 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR) sau khi kết thúc chương trình giải phóng 180 triệu thùng từ đầu năm.

Sau đó, chính phủ sẽ bắt đầu bổ sung các kho chứa của SPR khi giá dầu thô giảm xuống còn 67 - 72 USD/thùng. Hiện, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đang dao động quanh mức 93 USD/thùng - khá cao so với giá mục tiêu của Washington.

Trên đây là thông tin chính từ một tờ thông báo do Nhà Trắng công bồ hồi tuần trước, giữa lúc chính quyền ông Biden tiếp tục tìm cách điều chỉnh giá nhiên liệu bán lẻ khi chỉ còn vài tuần nữa là đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Động thái xả kho SPR đã khiến các nhà phân tích quan ngại, bởi họ cho rằng mục đích của SPR không phải là để giữ giá xăng dầu trong tầm kiểm soát mà là để đảm bảo nguồn cung cho đất nước trong trường hợp khẩn cấp.

Một số khác thì đặt câu hỏi về tầm quan trọng của SPR trên thị trường dầu mỏ hiện nay, khi Mỹ là nhà sản xuất dầu lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, phản ứng của thị trường với các đợt xả kho đầu năm nay cho thấy việc duy trì kho dự trữ vẫn là một ý kiến hay.

Tuy nhiên, mối quan tâm chính vẫn là việc bổ sung các kho chứa của SPR. Do chương trình giải phóng xăng dầu của ông Biden, tồn kho tại SPR hiện đang ở mức thấp nhất trong gần 40 năm, vào khoảng 405 triệu thùng.

 

“Chúng tôi dự định sẽ mua bổ sung dầu thô cho SPR khi giá tương đương hoặc thấp hơn 67 - 72 USD/thùng... động thái này sẽ kích thích nhu cầu toàn cầu khi giá dầu ở quanh mức đó”, Nhà Trắng viết trong tờ thông báo.

“Chiến lược làm đầy kho dự trữ của chúng tôi sẽ bảo vệ người tiêu dùng và giúp củng cố nhu cầu dầu thô trong tương lai.

Các doanh nghiệp sẽ có thêm động lực tăng sản lượng ngay bây giờ, từ đó giúp cải thiện vấn đề an ninh năng lượng của Mỹ và hạ nhiệt giá dầu vốn đang đi lên bởi cuộc chiến của ông Putin ở Ukraine”, thông báo có đoạn.

Bản thông báo khiến một số nhà bình luận cho rằng ông Biden đang muốn tạo điều kiện cho ngành công nghiệp dầu mỏ phát triển sau khi dành phần lớn thời gian trong hai năm đầu nhiệm kỳ để kiềm chế họ.

Song, trên thực tế, tờ thông báo cũng lưu ý rằng các doanh nghiệp tham gia vào hợp đồng bổ sung kho dự trữ SPR sẽ phải giữ giá cố định trong hai đến ba năm tới, oilprice.com cho hay.

Trong phân tích mới đây, hãng tư vấn năng lượng Energy Intelligence nhận xét, khoảng giá 67 - 72 USD/thùng mà Nhà Trắng đề cập đang đóng vai trò như một mức giá sàn.

Phạm vi giá mà chính quyền ông Biden gợi ý cũng cao hơn mức hoà vốn của hầu hết các nhà sản xuất. Điều này cho thấy đây có thể là động lực để các nhà khai thác tăng sản lượng lên mức ổn định hơn.

Liệu có tác dụng?

Trước khi ông Biden đề xuất mức giá sàn cho dầu thô, ông đã chỉ trích và kêu gọi các doanh nghiệp dầu mỏ thay đổi hành vi. Ông nói họ nên ngừng mua lại cổ phiếu và đầu tư vào tăng trưởng sản lượng cũng như cố gắng kiểm soát giá nhiên liệu.

“Thông điệp mà tôi muốn gửi gắm các công ty năng lượng của Mỹ là các anh không nên sử dụng lợi nhuận để mua lại cổ phiếu hay chia cổ tức. Không phải bây giờ. Không phải khi chiến sự đanh hoành hành”, ông bày tỏ. “Các anh nên đầu tư các khoản lợi nhuận kỷ lục này vào sản xuất và chế biến”.

Ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ đã một vài lần chứng minh rằng họ không thích bị chỉ đạo, đặc biệt là bởi một người từng tuyên bố rằng các công ty dầu mỏ đang là trở ngại cho một tương lai tốt đẹp hơn.

 

Kế hoạch của ông Biden cũng cho thấy một điều khác mà ít ai để ý: doanh nghiệp đang tự kiềm chế chính mình. Đại dịch dường như đã đánh tan tâm lý “tăng trưởng bằng mọi giá” của ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ.

Giờ đây, các nhà khai thác đang rất tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận cho cổ đông, đồng thời cũng thực dụng hơn về tăng trưởng sản lượng.

Oilprice.com nói tâm lý kiềm chế này cũng liên quan đến các chính sách của ông Biden. Trọng tâm của các chính sách đó là nhanh chóng đưa nước Mỹ chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng tái tạo.

Nói cách khác, chính quyền ông Biden đang đặt cược vào sự suy tàn của dầu mỏ. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà sản xuất dầu mỏ không muốn giúp Nhà Trắng hạ giá dầu khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra.

Mặt khác, tất cả những dự định của ông Biden không thực sự giải quyết được vấn đề cấp thiết hơn: nguồn dự trữ dầu chiến lược của Mỹ đang ngày càng càng kiệt. Không ai thực sự mong đợi giá dầu sẽ sớm giảm xuống 72 USD/thùng.

Trái lại, giá dầu có thể sẽ tăng cao hơn trong vài tháng tới, khi lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô và các sản phẩm tinh chế khác của Nga có hiệu lực lần lượt vào tháng 12 năm nay và tháng 2 năm sau.

Và vì EU đã báo hiệu sẽ tiếp tục lập trường chống đối Nga trong tương lai gần, giá dầu sẽ duy trì ở mức cao trong một thời gian dài. Điều này khiến việc bổ sung kho SPR của chính phủ Mỹ trở nên khó khăn hơn, ngay cả khi sản lượng dầu của Mỹ có thể trở lại mức kỷ lục vào năm 2023.

Yên Khê

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.