|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Các nhà máy lọc dầu của Mỹ bất an trước nguy cơ bị cấm xuất khẩu nhiên liệu

18:06 | 15/10/2022
Chia sẻ
Các nhà máy lọc dầu tại Mỹ đang chuẩn bị cho khả năng Tổng thống Joe Biden áp lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu nhằm hạ nhiệt giá xăng và lạm phát trong nước.

Khả năng Mỹ cấm xuất khẩu nhiên liệu

Theo đưa tin của oilprice.com, các nhà máy lọc dầu của Mỹ đang đồn đoán về khả năng Tổng thống Joe Biden sẽ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu ra nước ngoài.

Cho đến nay, chính quyền ông Biden vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức nào. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp xảy ra và giá xăng tiếp tục đi lên, tình hình có thể sẽ sớm thay đổi.

Hồi đầu tháng 10, Nhà Trắng đã yêu cầu Bộ Năng lượng đánh giá tác động tiềm tàng của việc cấm xuất khẩu nhiên liệu, bao gồm xăng, dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế khác. Động thái này cho thấy ông Biden có thể đang chuẩn bị ra lệnh cấm.

Trước đó, vào tháng 8, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Jennifer Granholm đã gửi một lá thư cho các công ty lọc dầu trong nước, yêu cầu họ tăng tồn kho xăng và dầu diesel, đồng thời chuyển trọng tâm ra khỏi hoạt động xuất khẩu.

Trong bức thư, bà Granholm cho biết Nhà Trắng có thể sẽ áp dụng “các biện pháp khẩn cấp” nếu doanh nghiệp chế biến dầu mỏ không đạt được mục tiêu nêu trên.

Sang tháng 10, vị bộ trưởng nhấn mạnh rằng các hạn chế xuất khẩu năng lượng là một việc có khả năng xảy ra. Mặc dù chính phủ hiện chưa cân nhắc đến các biện pháp đó “ở thời điểm hiện tại”, mọi việc có thể thay đổi nếu Washington thấy cần thiết, bà nói.

Theo oilprice.com, hiện giờ các nhà máy lọc dầu trên khắp nước Mỹ đều đang bất an rằng liệu ông Biden có chính thức xúc tiến lênh cấm nhằm khống chế giá xăng và dầu diesel hay không.

Do tình trạng bất ổn khó lường này, nhiều nhà máy đang lập ra các kế hoạch dự phòng để chuẩn bị cho bất kỳ quyết định đột ngột nào từ Nhà Trắng.

Giám đốc cấp cao tại một công ty lọc dầu bày tỏ: “Chúg tôi không có nơi nào ở Mỹ để trữ lượng nhiên liệu dư thừa. Vì vậy, có thể chúng tôi sẽ giảm công suất chế biến xăng và dầu diesel”.

Một cơ sở lọc dầu tại thành phố Houston, bang Texas. (Ảnh: Getty Images).

Bộ Năng lượng đang thảo luận với các nhà máy lọc dầu về tác động của lệnh cấm xuất khẩu đối với thị trường năng lượng nội địa, oilprice.com thông tin.

Trong khi đó, các chuyên gia tin rằng lệnh cấm sẽ không giúp giá nhiên liệu hạ nhiệt, mà ngược lại có thể gây bất lợi cho ngành. Lệnh này có thể cắt đứt các mối quan hệ đối tác của các công ty năng lượng Mỹ ở nước ngoài, chẳng hạn như các đối tác ở Mỹ Latin.

Hậu quả của lệnh cấm

Ông Mike Sommers - Chủ tịch Viện Dầu mỏ Mỹ, tuyên bố: “Việc cấm hoặc hạn chế xuất khẩu các sản phẩm tinh chế có thể sẽ làm giảm lượng tồn kho cũng như công suất lọc dầu trong nước, từ đó tạo thêm áp lực tăng giá lên nhiên liệu và cô lập Mỹ khỏi các đồng minh trong giai đoạn chiến sự leo thang”.

Trong những tháng gần đây, đích thân Tổng thống Biden đã gây áp lực buộc các nhà máy lọc dầu hành động để đẩy giá nhiên liệu đi xuống. Do chiến sự tại Ukraine và các lệnh trừng phạt lên ngành năng lượng của Nga, giá nhiên liệu đang ngày càng đắt đỏ hơn.

Song, các nhà máy lọc dầu đang rất chật vật. Điều này cho thấy sự thay đổi đáng kể về nhu cầu trong thời kỳ đại dịch đã tác động trực tiếp đến ngành lọc dầu ở giai đoạn hậu đại dịch.

Chia sẻ với oilprice.com, vị giám đốc của công ty lọc dầu ở trên cho hay: “Công suất lọc dầu của Mỹ đã mất 1 triệu thùng/ngày kể từ khi COVID bùng phát”.

Ngoài ra, gần đây các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão Ian cũng đã đe doạ đến công suất lọc dầu của Mỹ.

 

Nếu Tổng thống Biden công bố lệnh cấm xuất khẩu, đó sẽ là bước đi mạnh mẽ nhất mà chính quyền của ông thực hiện từ trước đến nay nhằm kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu.

Dẫu vậy, kế hoạch này bị chỉ trích nặng nề bởi các nhà sản xuất dầu mỏ và chuyên gia năng lượng vì họ tin giá xăng sẽ tăng lên trong dài hạn. Hơn nữa, lệnh cấm có thể khiến nhiều nhà máy lọc dầu phải đóng cửa, người lao động mất việc và năng suất đi xuống.

Hiện tại, tồn kho nhiên liệu của Mỹ đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Trong khi đó, vào tháng 10, giá xăng đã tăng thêm khoảng 0,6 USD/gallon so với cùng kỳ năm 2021 - dù giá đã giảm từ mức đỉnh hơn 5 USD/gallon vào tháng 6 năm nay.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng lo ngại rằng nếu xuất khẩu của Mỹ giảm, nguồn cung nhiên liệu toàn cầu sẽ càng thắt chặt hơn, kéo giá dầu thô thế giới đi lên. Vì giá dầu thô chiếm hơn 53% chi phí sản xuất 1 gallon xăng, giá nhiên liệu có thể nhảy vọt.

Khả Nhân