|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát toàn cầu sắp hạ nhiệt, lạm phát ‘thực’ ở Mỹ đã xuống dưới 4%?

10:41 | 08/11/2022
Chia sẻ
Giám đốc điều hành IMF lạc quan rằng lạm phát toàn cầu đã đi qua đỉnh. Nhà kinh tế đoạt giải Nobel - Paul Krugman thì cho biết tăng trưởng tiền lương giảm tốc và giá thuê nhà giảm có thể là dấu hiệu cho thấy lạm phát ở Mỹ hiện nay thấp hơn mọi người tưởng, có thể vào khoảng 4%.

Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành IMF. (Ảnh: Getty Images). 

Theo tờ Fortune, một số chuyên gia cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất của lạm phát có thể đã qua đi, dù lúc này chúng ta chưa cảm nhận được.

Trong suốt năm qua, lạm phát đã khiến các nước trên thế giới phải khốn đốn. Tại Mỹ, lạm phát tháng gần nhất đã lên đến 8,2%. Tại Anh, giá cả đã tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình ở khu vực đồng euro còn tệ hơn với lạm phát chễm chệ ở mức 10,7%. Làn sóng lạm phát - vốn bắt nguồn từ sự gia tăng của giá lương thực, nhà ở và nhiên liệu, cũng đang quét qua các quốc gia Bắc Mỹ và châu Á.  

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng lạm phát trên thế giới đã đạt đỉnh. Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nói với Bloomberg hôm 7/11: “Tôi sẽ không ra kết luận trước khi có dữ liệu, nhưng rất có thể lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh”.

Tại Mỹ, ông Paul Krugman - nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel năm 2008 - nói rằng câu chuyện lạm phát hiện nay có thể phức tạp hơn cái nhìn ban đầu, bởi các chỉ báo kinh tế thường có độ trễ và bây giờ có thể chúng đang phát tín hiệu rằng lạm phát đang đi xuống.

Suốt vài tháng qua, ông Krugman đã khẳng định rằng giá cả trong một số lĩnh vực cấu thành lạm phát đang trên đà giảm, ví dụ như giá thuê nhà. Vấn đề là điều đó vẫn chưa hiện ra trên dữ liệu chính thức.

Hôm 5/11, ông Krugman viết trên Twitter rằng khi tính đến độ trễ của các dữ liệu kinh tế, lạm phát hiện nay ở Mỹ có thể chỉ còn 4%.

Core PCE là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Lạm phát đang rút xuống?

Bà Georgieva nói rằng các đợt tăng lãi suất đồng loạt trên thế giới có thể đã kéo được lạm phát đi qua đỉnh. Bà nói thêm rằng lạm phát nên là “ưu tiên hàng đầu” của các ngân hàng trung ương toàn cầu và tán thành việc tăng lãi suất.

Song, Giám đốc điều hành IMF cũng cảnh báo rằng việc đưa lạm phát xuống mục tiêu 2% sẽ là công việc “khó khăn”, bởi các rắc rối chuỗi cung ứng vẫn chưa chấm dứt.

Bà chia sẻ: “Chúng tôi thực sự nghĩ rằng lạm phát sẽ khó mà giảm xuống mức các ngân hàng trung ương mong muốn là 2%. An ninh chuỗi cung ứng có vai trò quan trọng. Nếu các doanh nghiệp tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng thì chắc chắn giá cả sẽ chịu áp lực tăng”.

Lạm phát tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt rõ ràng. Theo tờ Fortune, gần một nửa người tiêu dùng Mỹ nghĩ rằng lạm phát sẽ kéo dài cho đến ít nhất là năm sau. Nhiều người đã phải thắt chặt ví và chi tiêu ít hơn trong mùa nghỉ lễ.

Mục tiêu cuối cùng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là đưa lạm phát xuống gần tỷ lệ 2% nhất có thể. Và một nhà kinh tế cho rằng Fed đã ở gần với mục tiêu đó hơn những gì họ nghĩ.

Ông Krugman tin rằng các chỉ báo lạm phát chính không phản ánh được lạm phát “thực sự”. Ông lập luận: “Chúng ta có lý do để tin rằng tình trạng thiểu phát (disinflation) đang diễn ra một cách khá mạnh mẽ nhưng chưa được ghi nhận bởi các thước đo tiêu chuẩn”.

Theo ông, các yếu tố tác động đến lạm phát như giá thuê nhà giảm và tăng trưởng tiền lương chậm lại thường mất một khoảng thời gian để được ghi nhận trong các báo cáo lạm phát. Do đó, ông tin rằng lạm phát hiện tại có thể thấp hơn nhiều số liệu chính thức.

Tháng trước, ông cũng cảnh báo trong bài viết trên tờ New York Times rằng “từ thời điểm chính sách tiền tệ bắt đầu tạo ra tác động cho đến khi số liệu lạm phát thay đổi thường có độ trễ lớn”. Ông nói thêm rằng chi phí nhà ở và tiền lương có thể là các chỉ báo cung cấp nhiều thông tin ý nghĩa.

Theo khảo sát của trang Apartments.com, chi phí thuê nhà ở Mỹ đã giảm xuống trong tháng 9, lần đầu tiên trong vòng hai năm. Báo cáo hàng quý của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng tiền lương của quý III đã chững lại từ mức 5,5% của quý II xuống còn 5,2%. 

Ý kiến khác

Bất chấp lập luận xoay quanh các chỉ báo kinh tế có độ trễ, không phải ai cũng đồng ý rằng lạm phát đang trên đà giảm.

Theo khảo sát cuối tháng 9 của CNBC, gần 60% giám đốc tài chính tại các doanh nghiệp lớn ở Mỹ không nghĩ rằng lạm phát đã đạt đỉnh. Nhiều người dự đoán suy thoái sẽ đến vào đầu năm sau và từ đó lạm phát mới đi xuống.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers là người đặc biệt bi quan về khả năng ghìm cương lạm phát của Fed. Tháng trước, ông tuyên bố một cuộc suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp trên 6% là cách duy nhất để khống chế lạm phát tại Mỹ. Ông viết trên Twitter: “Lạm phát gần như chẳng bao giờ giảm một cách nhanh chóng”.

Ông nói thêm rằng có thể “kinh nghiệm quá khứ” sẽ không giúp chúng ta dự đoán được khi nào lạm phát sẽ bắt đầu hạ nhiệt, vì so với quá khứ thì hiện tại thị trường lao động vững vàng hơn, nợ chính phủ phình to hơn và thương mại toàn cầu suy giảm hơn.

Ngay cả tổ chức của bà Georgieva là IMF cũng không lạc quan rằng lạm phát đã đạt đỉnh. Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất công bố tháng trước, IMF dự đoán lạm phát toàn cầu sẽ đạt đỉnh 9,5% trong năm nay và giảm còn 4,1% vào năm 2024.

Giang