Bằng chứng cho thấy tăng mạnh lãi suất từ sớm cũng không thể dập tắt lạm phát
Theo The Economist, vào tháng 7/2021, trong khi Mỹ và châu Âu bỏ ngoài tai nguy cơ về lạm phát dai dẳng, Ngân hàng trung ương Chile đã tăng lãi suất từ 0,5% lên 0,75%.
Kể từ đó, Ngân hàng trung ương Chile liên tục thắt chặt tiền tệ vượt xa kỳ vọng của các nhà đầu tư và đẩy lãi suất lên tới 11,25%. Có lẽ không có ngân hàng nào lại theo đuổi việc bình ổn giá cả một cách quyết liệt đến vậy.
Liệu Chile đã thành công trong việc chống lạm phát? Vào tháng 9, giá cả tại Chile đã tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lạm phát cơ bản (không tín đến giá năng lượng và thực phẩm) đã lên 11%.
Câu chuyện của Chile là ví dụ cho một vấn đề rộng hơn. Nhiều chuyên gia nói rằng nếu như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và những cơ quan khác “đón đầu xu thế” bằng cách nhanh chóng tăng lãi suất vào cuối năm ngoái thì thế giới đã không phải vất vả với lạm phát như hiện nay.
Kinh nghiệm từ Chile và những quốc gia khác đã bắt đầu thắt chặt sớm và mạnh đã làm dấy lên nhiều nghi ngờ về lập luận trên. Khắp thế giới, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc bình ổn giá cả là rất khó khăn.
The Economist đã tổng hợp dữ liệu từ Chile và 7 quốc gia bắt đầu chu kỳ thắt chặt vào ít nhất một năm trước, sau khi đã hạ lãi suất vào đầu đại dịch COVID. 7 nước này bao gồm Brazil, Hungary, New Zealand, Na Uy, Hàn Quốc, Peru và Ba Lan. The Economist không thêm Nga vào danh sách trên do cuộc xung đột Ukraine.
Trong một năm tính đến tháng 10/2022, nhóm quốc gia này đã tăng lãi suất trung bình khoảng 6 điểm %. Kể cả khi Fed nâng lãi suất thêm 0,75% vào ngày 2/11 thì nhìn chung, tổng mức thắt chặt của Mỹ trong năm qua cũng không thể sánh bằng.
Không quá bất ngờ, việc thắt chặt chính sách tiền tệ đã khiến nền kinh tế của 8 quốc gia này chậm lại. Ngành bất động sản đã nhanh chóng hết sốt khi lãi suất thế chấp tăng.
Tại New Zealand, giá nhà ở đang đi xuống. Tại Hàn Quốc, cuộc bùng nổ bất động sản sau đại dịch COVID đã kết thúc. Ngân hàng trung ương Chile dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ thu hẹp vào năm tới.
Chỉ số Hoạt động Hiện hành (CAI) của Goldman Sach tại 8 nền kinh tế cho thấy tốc độ suy yếu tương tự như mức trung bình của toàn thế giới.
Tuy vậy, lạm phát vẫn cao dai dẳng. Các ngân hàng trung ương thường tập trung vào lạm phát “cơ bản” hay lạm phát "lõi" (core), tức là không bao gồm các biến động về giá năng lượng và thực phẩm và phản ánh tốt hơn về áp lực giá cả trong nước. Vào tháng 9, lạm phát cơ bản của 8 nền kinh tế này đạt mức 9,5%, tăng thêm 3,5 điểm % so với hồi tháng 3.
Nhìn vào số liệu thống kê quốc gia, xu hướng còn trở nên đáng lo hơn. Tốc độ tăng lương tại Chile đang tiếp tục nhanh lên.
Vào tháng 9, tỷ lệ lạm phát tại lĩnh vực dịch vụ yêu cầu nhiều nhân lực của Hàn Quốc đã lên mức 4,2% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ đầu những năm 2000. Trong vòng 6 tháng qua, giá cả ngành dịch vụ của Hungary đã leo lên 11,5% từ mức 7,2%.
Trong nhóm 8 quốc gia này, lạm phát cũng lan rộng hơn, ảnh hưởng đến ngày một nhiều hàng hóa và dịch vụ. Vào tháng 9, giá cả của 89% giỏ hàng hóa tại Na Uy đã tăng thêm ít nhất 2%. Vào 6 tháng trước, số lượng hàng hóa và dịch vụ bị ảnh hưởng chỉ là là 53%.
Theo một nghiên cứu tại Ba Lan được công bố cuối tháng 9, các nhà kinh tế tại Goldman Sachs tìm thấy những dấu hiệu rằng “động lực lạm phát ngầm đã quay trở lại”.
Lạm phát cứng đầu
Theo The Economist, những khó khăn mà 8 quốc gia tiên phong trong việc nâng lãi suất đang đối mặt đã mở ra ba khả năng.
Thứ nhất, kỳ vọng lạm phát sẽ giảm trong hiện tại là không thực tế. Các nghiên cứu đã cho thấy có độ trễ, đôi khi kéo dài, giữa chính sách thắt chặt tiền tệ và lạm phát thấp.
Việc kiểm soát lạm phát cũng khó khăn khi gần như mọi đồng nội tệ đều đang mất giá so với USD, khiến cho nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.
Khả năng thứ hai là các nhà hoạch định chính sách đã không đủ can đảm. Có lẽ các ngân hàng trung ương nên tăng lãi suất mạnh tay hơn.
Chính phủ cũng có thể hành động nhiều hơn thông qua các chính sách tài khóa. Sau khi tăng chi tiêu trong đại dịch, mức thâm hụt ngân sách tại 8 quốc gia tiên phong tăng lãi suất đã bắt đầu hạ xuống, tương đương với 3% GDP.
Tăng thuế hoặc giảm chi tiêu chính phủ sẽ giúp hạ nhu cầu. Chiến lược này cũng có những rủi ro. Thực hiện thắt lưng buộc bụng trong thời kỳ khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ khó có sự ủng hộ từ người dân.
Chile cũng đã thực hiện những chính sách tài khóa tương tự và được kỳ vọng sẽ có thặng dư ngân sách vào năm nay. Nhưng lạm phát tại quốc gia này vẫn không thay đổi nhiều.
Khả năng thứ ba, và cũng đáng lo ngại nhất, là việc lạm phát khó để hạ hơn tất cả những gì mà mọi người từng dự đoán chỉ một năm trước.
Trong một báo cáo được công bố vào mùa hè 2022, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), hay còn được biết đến với cái tên Ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương, đã gợi ý tới khả năng này. Trong một “thế giới lạm phát thấp” trước đại dịch COVID, không ai quan tâm nhiều tới giá cả, đảm bảo chúng không tăng quá nhanh.
Nhưng trong một “thế giới lạm phát cao” như những năm 1970, hộ gia đình và doanh nghiệp theo dõi sát sao giá cả, dẫn đến “những thay đổi về hành vi khiến lạm phát trở nên [dai dẳng]”. Nếu thế giới đã rơi vào tình trạng này, thì sẽ cần đến những công cụ sáng tạo hơn để hạ nhiệt giá cả.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/