Duy trì lạm phát ở mức 2% đã lỗi thời, các NHTW nên nâng lên 3% hoặc 4%?
Không còn hợp thời
Lần gần nhất khi các cường quốc kinh tế khống chế được lạm phát, một kỷ nguyên mới đã mở ra. Các chuyên gia kinh tế gọi đây là giai đoạn “đại ôn hoà”. Từ giữa thập niên 1980 đến năm 2007, tăng trưởng kinh tế khá ổn định và lạm phát duy trì ở mức thấp.
Nền kinh tế được thúc đẩy bởi sự phân công lao động đơn giản. Các ngân hàng trung ương (NHTW) sẽ sử dụng chính sách tiền tệ để giữ lạm phát ở mức mục tiêu - thường là 2%, trong khi chính phủ sẽ giữ khối nợ trong tầm kiểm soát và tập trung vào các cải cách ở phía cung.
Các cuộc khủng hoảng tài chính trong vài thập kỷ qua đã khiến sự ổn định đó lung lay. Trong 15 năm kể từ thời kỳ “đại ôn hoà”, những điểm thiếu sót trong hệ thống chính sách kinh tế vĩ mô đang dần lộ ra.
Khi lãi suất cho vay giảm xuống mức 0 hoặc gần 0, các NHTW không thể dễ dàng hạ lãi suất thêm nữa. Điều này khiến cho các cuộc phục hồi hậu khủng hoảng trở nên chậm chạp và đau đớn hơn.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nhà hoạch định chính sách lo sợ quá khứ sẽ lặp lại và vì vậy đã tìm kiếm giải pháp thay thế để bơm tiền vào nền kinh tế. Họ tăng chi tiêu chính phủ và nới lỏng định lượng, dù chưa ai có thể đánh giá toàn diện tác động của hai biện pháp này.
Thử nghiệm trên đã gặp trục trặc, đặc biệt là ở Mỹ. Lạm phát được đà quay trở lại và ngày càng trở nên tồi tệ hơn bởi một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Riêng châu Âu lại còn phản ứng với cú sốc năng lượng bằng cách tăng mạnh chi tiêu ngân sách.
Để đưa lạm phát quay về mức mục tiêu, các NHTW đang sử dụng kinh nghiệm từ thập niên 1980: tăng lãi suất để kìm hãm tăng trưởng, và nếu cần thiết thì có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Tuy nhiên, các gói hỗ trợ lớn cho người dân và doanh nghiệp trong đại dịch cũng như trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại đã khiến công chúng tin rằng chính phủ sẽ lại giang tay giúp đỡ họ. Rõ ràng, đây không phải là thuốc chữa cho căn bệnh lạm phát.
Nếu mọi khó khăn giảm bớt, lạm phát có thể hạ nhiệt nhưng không thể quay về mức mục tiêu 2%. Dù vậy, có vẻ không ai cảm thấy bất bình trước con số đó, một phần là vì giá cả tăng cao thì lương cũng đi lên.
Tờ Economist kết luận rằng việc duy trì lạm phát ở mức 2% không còn phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô hiện tại. Từ rất lâu trước đây, nhiều nhà kinh tế đã đề xuất nâng mục tiêu lạm phát lên một chút - có thể lên 3% hoặc 4%, để các NHTW kéo lãi suất ra khỏi mức 0 và xây dựng chính sách tiền tệ vững mạnh hơn.
Trước năm 2021, ý tưởng trên có vẻ xa vời và mang tính hàn lâm. Khi đó, lạm phát quá thấp và sẽ thật sai lầm nếu muốn nâng mục tiêu lên cao hơn. Ngày nay, việc điều chỉnh mục tiêu lạm phát rõ ràng sẽ đơn giản hơn nhiều.
Các nhà hoạch định chính sách nên đẩy lạm phát xuống khoảng 4% và sau đó dừng lại. Chính sách tiền tệ sẽ trở nên mềm mỏng trong ngắn hạn, nhưng về sau lãi suất sẽ ổn định ở mức cao hơn so với khi điều chỉnh lãi suất theo mục tiêu lạm phát 2%. Dần dần, các NHTW sẽ giành lại quyền kiểm soát.
Tại sao không nên chần chừ?
Việc điều chỉnh mục tiêu lạm phát như vậy có khả thi hay không? Tờ Economist cho rằng trong ngắn hạn sẽ có cả lợi và hại.
Trước hết, chính phủ và NHTW các nước sẽ không cần phải vất vả tìm cách giảm áp lực lạm phát. Do đó, nguy cơ xung đột giữa NHTW và các chính trị gia sẽ giảm bớt.
Nhờ vậy, chính phủ sẽ không cần phải lo lắng rằng các gói chi tiêu ngân sách cho an ninh hoặc đầu tư dài hạn cho khí hậu của họ có thể gây hại cho nỗ lực khống chế áp lực giá cả của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, chính phủ sẽ có thêm một khoản thu ngân sách. Nếu nâng mục tiêu lạm phát từ 2% lên 4%, giá trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài hơn sẽ đi lên. Tính trung bình tại 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, giá trái phiếu sẽ tăng tương đương mức ghi nhận trong đại dịch.
Bất lợi lớn nhất là các nhà hoạch định chính sách có thể gặp rủi ro về uy tín. Do đã trải qua cú sốc tương tự trong quá khứ, người nắm giữ trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài có thể lo sợ rằng các NHTW sẽ lần nữa nâng mục tiêu lạm phát, từ đó tạo thêm phần bù rủi ro cho lợi suất trái phiếu và gây ra bất ổn trong dài hạn.
Lạm phát mục tiêu ở mức 3 - 4% thường sẽ gây chú ý hơn là 2%. Điều này có thể gây ra gánh nặng tâm lý cho công chúng và khiến nền kinh tế gặp đôi chút trục trặc.
Tuy nhiên, Economist nói rằng sự đánh đổi đó là rất đáng nếu so với lợi ích mà các NHTW gặt hái được khi kéo lãi suất chuẩn ra khỏi mức 0 và quay về thời kỳ mà lãi suất đóng vai trò chủ chốt trong việc chống lại suy thoái.
Sau các cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế nhẹ hơn sẽ là một điều đáng mừng. Nếu chính sách tiền tệ có sức mạnh đáng kể trong 15 năm qua, thì cú sụt của nền kinh tế vào những năm 2010 sẽ ít nghiêm trọng hơn.
Đồng thời, những sai lầm chính sách dẫn đến việc nền kinh tế nóng rực như hiện nay sẽ ít xảy ra hơn. Chính phủ sẽ ít mắc nợ hơn. Các NHTW cũng có thể không cần dùng đến biện pháp nới lỏng định lượng.
Nhìn chung, theo Economist, duy trì lạm phát ở mức 2% không còn phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô của thế kỷ 21. Nếu các NHTW không điều chỉnh mục tiêu lạm phát bây giờ, họ có thể đánh mất một cơ hội tốt. Thay vì chờ đợi hệ thống kinh tế vĩ mô cũ sụp đổ, chúng ta có thể xây dựng một cơ chế mới.