|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

‘Phương thuốc giải thực sự’ cho lạm phát mà thị trường bỏ quên

06:30 | 27/09/2022
Chia sẻ
Ông Steve Forbes, Chủ tịch của đế chế truyền thông Forbes Media, cho rằng các ngân hàng trung ương và chính phủ quá mải mê tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát mà bỏ qua tầm quan trọng của việc duy trì đồng nội tệ ổn định.

 

Ông Steve Forbes - CEO kiêm Chủ tịch của đế chế truyền thông Forbes Media; đồng thời là tổng biên tập của tạp chí Forbes. (Ảnh: Getty Images).

Trong phiên giao dịch đầu tuần này tại châu Á, đồng bảng Anh đã nhanh chóng giảm 4% xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 1,0382 USD/GBP. Diễn biến này xảy ra sau một thông báo hồi tuần trước của London.

Cụ thể, theo đưa tin của CNBC, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính phủ mới của Thủ tướng Liz Truss đã tuyên bố sẽ thực hiện cắt giảm thuế và ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư. Mục đích là để tạo ra mức tăng trưởng 2,5% trong trung hạn.

Trong bối cảnh lãi suất tại Mỹ tiếp tục đi lên, không chỉ bảng Anh, đồng tiền của nhiều nền kinh tế lớn khác cũng đang suy yếu so với đồng USD. Cả yen Nhật và nhân dân tệ Trung Quốc đều tụt mạnh do chính sách tiền tệ của hai nước này lỏng lẻo hơn Mỹ.

“Hầu như không có ngân hàng trung ương nào ngày nay nói về việc ổn định tiền tệ. Họ chỉ quan tâm tới việc đè nén nền kinh tế để chống lại lạm phát”, Chủ tịch Forbes chia sẻ tại một hội nghị ở Singapore đầu tuần này.

Ông cho biết nhiều nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách bị bệnh “giáo điều”, chỉ biết khống chế lạm phát bằng cách tăng lãi suất mà không nhìn xa hơn, chẳng hạn như bằng cách củng cố tiền tệ.

“Phương thuốc giải thực sự”

Forbes đã trích dẫn một ví dụ từ những năm 1980. Sau khi Chủ tịch Fed Paul Volcker ghìm cương lạm phát với mức tăng lãi suất đột biến gần 20%, Tổng thống Ronald Reagan đã ổn định nền kinh tế và tăng sản lượng bằng cách cắt giảm thuế và bãi bỏ bớt quy định.

Chính quyền ông Reagan cũng phối hợp với chính phủ các nước khác để bán đồng USD và mua vào các đồng tiền tệ khác.

“Thật không may, ngày nay không chỉ chính quyền Tổng thống Joe Biden gặp khó khăn khi giải quyết các vấn đề từ phía cung, mà cả Fed và các ngân hàng trung ương khác còn cho rằng họ phải kìm kẹp nền kinh tế để kéo lạm phát đi xuống”, ông Forbes nói.

Theo tờ CNBC, Chủ tịch của đế chế truyền thông Forbes Media không tin rằng suy thoái là giải pháp duy nhất để chống lạm phát.

“Họ nâng lãi suất một cách giả tạo…khiến ít người dân có việc làm hơn…đó không phải là phương thuốc giải thực sự”, ông nhấn mạnh.

“Cách chữa trị thực sự cho căn bệnh lạm phát là ổn định tiền tệ. Bạn không cần phải khiến người dân nghèo đi để khống chế lạm phát”, ông tiếp lời.

Sự mất cân bằng tiền tệ có thể gây ra nhiều vấn đề cho các nền kinh tế. Đồng USD tăng cao đồng nghĩa rằng hàng xuất khẩu từ Mỹ sẽ đắt đỏ hơn, trong khi các đồng tiền khác yếu hơn có thể khiến dự trữ ngoại hối của các nước thu hẹp lại.

Ông Forbes đề xuất rằng chính phủ nên sử dụng vàng để ổn định tiền tệ - chẳng hạn như neo đồng USD với vàng để đồng bạc xanh có giá trị cố định.

“Vàng có giá trị nội tại vững vàng hơn bất kỳ thứ gì khác trên Trái đất…vàng không hẳn là một kho lưu trữ giá trị ổn định nhưng nó vững chắc hơn bất cứ thứ gì chúng ta từng tìm thấy trong hơn 4.000 năm qua”, ông giải thích.

“Khi các đồng tiền mất đi sự ổn định, các khoản đầu tư dài hạn sẽ trở nên kém hiệu quả hơn, mà đây lại chính là chìa khoá cho tăng trưởng”, ông nói thêm.

Forbes cho biết sau khi chế độ bản vị vàng Bretton Woods được giới thiệu vào thập niên 1940 - khi đó đồng USD được cố định với vàng và các đồng tiền khác được cố định với USD, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bây giờ rất nhiều.

Tuy nhiên, hệ thống Bretton Woods đã sụp đổ vào những năm 1970.

Ở chia sẻ khác tại cùng sự kiện, kinh tế trưởng Janet Henry của HSBC cho biết bà sẽ không ngạc nhiên nếu đồng bảng Anh tiếp tục tụt xuống dưới mức thấp là 1,0382 USD/GBP, nhưng bà không nghĩ tỷ giá GBP/USD sẽ đứng im ở mức đó.

Bà Henry nói: “Tôi không nghĩ các nước sẽ can thiệp vào đồng bảng Anh…nhưng ngân hàng trung ương Anh cần phải hành động nhiều hơn nữa để thắt chặt chính sách nhằm ổn định tình hình”.

“Tôi nghĩ trừ khi nước Anh gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng, ngân hàng trung ương Anh sẽ đợi cho đến cuộc họp tiếp theo để [chứng tỏ họ] quyết tâm tăng lãi suất mạnh tay trong vài cuộc họp kế tiếp”, bà bày tỏ.

Khả Nhân