Ba nền kinh tế hàng đầu thế giới ngập trong rắc rối, Mỹ khó thoát khỏi suy thoái
Fed mất tự tin?
Ông Mohamed El-Erian, Chủ tịch trường Queens’ College thuộc Đại học Cambridge, cố vấn kinh tế trưởng của ngân hàng Allianz, đã dành hai năm qua chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vì chuỗi sai lầm đẩy nền kinh tế Mỹ vào rắc rối không thể cứu vãn nổi.
Ông nói rằng, với việc coi áp lực lạm phát phình to hồi năm ngoái là “diễn biến tạm thời” và duy trì lãi suất gần 0 sau khi nền kinh tế đã phục hồi từ đại dịch, Fed đã khiến lạm phát bám sâu vào nền kinh tế. Và điều này đã đặt Chủ tịch Jerome Powell vào tình huống “làm cũng dở mà không làm cũng dở”.
Fed có thể tiếp tục nâng lãi suất để chiến đấu với lạm phát dẫu nền kinh tế giảm tốc, qua đó làm tăng nguy cơ suy thoái. Hoặc Fed có thể nương tay với lạm phát nhằm cố gắng tránh né một cuộc suy thoái, làm tăng nguy cơ người tiêu dùng bị mắc kẹt với giá cả đắt đỏ trong tương lai gần.
Dù có chọn phương án nào, Fed cũng sẽ gây ra “thiệt hại đáng kể ngoài dự kiến và hậu quả bất lợi không mong muốn” đến công chúng.
Ông El-Erian không phải chuyên gia kỳ cựu duy nhất trên Phố Wall cho rằng Fed đang cố bắt kịp tình hình sau khi mắc sai lầm năm ngoái. Ông Greg McBride, trưởng chuyên gia phân tích tài chính của Bankrate nói với Fortune: “Fed đã chậm trễ trong việc phát hiện lạm phát, tăng lãi suất và ngừng mua trái phiếu. Kể từ đó họ phải luôn cố bắt kịp tình hình. Và giờ họ vẫn chưa xong”.
Theo ông El-Erian, tất cả những điều này có nghĩa là khả năng nền kinh tế Mỹ tránh được suy thoái đang suy giảm nhanh chóng. Ông nói: “Đáng tiếc là khả năng nền kinh tế Mỹ 'hạ cánh mềm' – tức là giảm thiểu lạm phát mà không gây ra quá nhiều thiệt hại tới tăng trưởng – đã xuống thấp một cách đáng ngại”.
Cùng quan điểm với ông E-Erian, nhà kinh tế trưởng John Leer của Morning Consult lưu ý rằng trong tuần này các quan chức Fed đã “nâng cao đáng kể” các dự báo về lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp trong hai năm tới, đồng thời hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế. Ông nhận xét: “Đến cả Fed cũng đang mất tự tin về khả năng giúp nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm”.
Tăng trưởng toàn cầu giảm tốc
Việc ông El-Erian đánh giá kinh tế Mỹ khó có thể hạ cánh mềm không chỉ dựa trên các đợt tăng lãi suất của Fed mà còn bao gồm thực tế là tăng trưởng toàn cầu đang giảm tốc. Ông chỉ ra rằng cả ba nền kinh tế lớn nhất trên thế giới đều đang gặp khó khăn và các nước đang phát triển như Sri Lanka và Argentina thì ghi nhận lạm phát cao ngất ngưởng.
Ông nói với tờ Fortune: “Trong số ba nền kinh tế quan trọng nhất về mặt hệ thống, châu Âu gần như chắc chắn sẽ gặp suy thoái, Trung Quốc tăng trưởng dưới mức trung bình lịch sử, còn Mỹ thì có nguy cơ bị đẩy vào suy thoái vì Fed quá chậm trễ. Hoàn cảnh này chắc chắn sẽ đổ thêm dầu vào những ngọn lửa nhỏ đang bùng cháy tại một số nước đang phát triển”.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã xấu đi trong vài tuần gần đây, dẫn đến việc Deutsche Bank lập luận rằng toàn khối đang rơi vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Cùng lúc đó, các ngân hàng đầu tư liên tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Khủng hoảng bất động sản và chính sách chống dịch “Zero COVID” đang tiếp tục cản trở các nhà máy và chi tiêu tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trung Quốc còn phải đối mặt với nắng nóng kỷ lục trong mùa hè và còn đang phải vật lộn đối phó với cuộc hạn hán nghiêm trọng làm tê liệt chuỗi cung ứng.
- TIN LIÊN QUAN
-
Cuộc đua tăng lãi suất toàn cầu đang đẩy nền kinh tế thế giới đến bờ vực suy thoái 20/09/2022 - 11:00
Tệ hơn nữa, Trung Quốc và châu Âu không phải các nước duy nhất chứng kiến tăng trưởng giảm sút. Trong những tháng gần đây, đội ngũ chuyên gia kinh tế tại các tổ chức lớn như World Bank và Bank of America đã cắt giảm đáng kể dự báo tăng trưởng toàn cầu.
Theo ông El-Erian, tăng trưởng tại mọi nền kinh tế lớn trượt dốc cùng lúc các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất chính là công thức cho thảm họa.
Bình luận của nhà kinh tế kỳ cựu El-Erian gợi nhắc đến các tuyên bố của Phó Chủ tịch World Bank Ayhan Kose hồi đầu tuần này. Ông Kose lập luận rằng việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất đồng loạt sẽ “khuếch đại tác động lẫn nhau”, đồng nghĩa với “tăng trưởng toàn cầu chậm lại” chắc chắn sẽ xảy ra, còn “suy thoái toàn cầu” là nguy cơ ngày càng lớn.