|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các thị trường mới nổi đang chống chọi tốt bất ngờ với cú sốc lãi suất từ Mỹ

07:37 | 18/10/2022
Chia sẻ
Chiến dịch tăng lãi suất của Fed và đà tăng của USD đang làm tổn thương đồng tiền của các nước giàu nhiều hơn hẳn những nền kinh tế mới nổi.

 

(Hình minh họa: Luca D'Urbino/Economist). 

Nay khác xưa

Khả năng Mỹ tăng lãi suất từ lâu đã là mối quan ngại của các nền kinh tế mới nổi. Nỗi sợ của những nước này hoàn toàn có căn cứ. Khi ông Paul Volcker, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm khống chế lạm phát hồi đầu thập niên 1980, các nước Mỹ Latinh đã rơi vào khủng hoảng khi không thể thanh toán các khoản nợ bằng đồng USD đúng hạn.

Một thập kỷ sau, chiến dịch tăng lãi suất của Mỹ dẫn đến khủng hoảng kinh tế Mexico. Đến năm 2013, nỗ lực thu hẹp chương trình mua trái phiếu của Fed dẫn đến sự kiện “taper tantrum”, nhà đầu tư ngoại hoảng sợ tháo chạy khỏi các nền kinh tế mỏng manh như Brazil, Ấn Độ và Indonesia.

So ra, đợt tăng lãi suất lần này bình yên đến lạ. Dù Fed đang tăng lãi suất với tốc độ gấp rút nhất kể từ thời ông Volcker, những sự vụ ồn ào của thị trường lại tập trung chủ yếu tại các nước giàu thay vì những nền kinh tế mới nổi.

Ngân hàng trung ương Anh, chứ không phải Ấn, đang phải vật lộn để đẩy lùi khủng hoảng trên thị trường trái phiếu. Theo Economist, cuộc khủng hoảng này được kích hoạt bởi kế hoạch ngân sách liều lĩnh của chính phủ.

Sự bền bỉ này là bằng chứng cho thấy sức khỏe của các thị trường mới nổi hiện nay tốt hơn nhiều so với trước đây. Nhưng giờ vẫn còn quá sớm để các nước hạ thấp cảnh giác. Thử thách thực sự vẫn còn ở trước mắt.

Trong bối cảnh Fed tăng lãi suất, giá USD nhảy vọt. Chỉ số USD, thước đo giá trị đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền lớn trên thế giới, đã tăng 18% trong năm 2022 và đang ở mức cao nhất trong gần 20 năm. Nhưng đằng sau con số bắt mắt này là bức tranh phức tạp hơn nhiều.

 

Trong đợt taper tantrum 9 năm trước, đồng tiền của các thị trường mới nổi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Từ tháng 5 đến tháng 12/2013, đồng real Brazil và rupee Ấn Độ lần lượt giảm 10% và 13% so với USD. Đồng rupiah Indonesia lao dốc tới 20%. Ngược lại, euro và bảng Anh lại mạnh lên.

Năm 2022, real tăng giá so với USD, còn rupee và rupiah lần lượt giảm 7% và 10%. Nhưng tỷ giá euro và bảng Anh so với USD lại giảm tới 15% và 18%.

Lời giải

Vì sao các thị trường mới nổi chỉ phải chịu tác động tương đối nhẹ nhàng? Một phần câu trả lời nằm ở căn nguyên sức mạnh của USD. Trong quá khứ, đà tăng của USD được thúc đẩy bởi tâm lý ngại rủi ro và cuộc tháo chạy của nhà đầu tư tới các tài sản an toàn của Mỹ. Nhưng lần này, sức mạnh của USD chủ yếu phản ánh sự khác biệt giữa các yếu tố kinh tế căn bản và các đợt tăng lãi suất dự kiến.

Các yếu tố cơ bản của các thị trường mới nổi đã được cải thiện rõ rệt: Tốc độ tăng trưởng khá tốt, kho dự trữ ngoại tệ lớn hơn và các thị trường vốn nội địa sâu hơn, giúp hấp thụ các cú sốc tốt hơn.  

Thay vì để mặc lạm phát vượt khỏi tầm tay, giới ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi đã ra tay nhanh chóng, tăng lãi suất sớm hơn hẳn các đồng nghiệp ở những quốc gia giàu có. Trung bình, tỷ lệ lạm phát chuẩn hóa theo tỷ lệ hàng năm của các nước mới nổi trong quý II là 10%, không cao hơn là bao so với Mỹ và châu Âu, theo tờ Economist.

Ngày nay, ngân hàng trung ương châu Âu và Thụy Điển mới là các bên phải nỗ lực để chứng minh uy tín chống lạm phát, chứ không phải cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Ấn Độ hay Brazil.

Cho đến nay, các nước mới nổi mới chỉ can thiệp vừa phải vào thị trường ngoại hối. Mục tiêu của họ là ngăn chặn sự mất giá của đồng nội tệ và giảm tác động lạm phát của đồng USD. JPMorgan ước tính các nước mới nổi ngoài Trung Quốc mới chi khoảng 200 tỷ USD trong năm nay. Đó chỉ là một phần nhỏ trong tổng số tiền dự trữ gần 4.000 tỷ USD của những nước này.

Rủi ro phía trước

Rắc rối là các nước mới nổi vẫn còn nhiều việc phải làm. Fed quyết tâm tăng lãi suất cho đến khi thấy “bằng chứng thuyết phục” rằng lạm phát đang đi xuống. Các nhà đầu tư dự kiến lãi suất của Mỹ sẽ tăng thêm 1,5 điểm % nữa từ nay cho tới mùa xuân năm sau. Nỗi đau kinh tế từ lãi suất gia tăng vẫn chưa bộc lộ hết.

Trong báo cáo công bố ngày 11/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến 1/3 các nền kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái trong năm nay hoặc năm sau. Tăng trưởng tại ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc sẽ đình trệ. Sự suy yếu của các nền kinh tế này sẽ dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu đối với các sản phẩm Apple sản xuất tại Việt Nam hay dịch vụ ở Ấn Độ.

Các nhà sản xuất năng lượng và kim loại thu lời lớn sau khi Nga tấn công Ukraine, nhưng đến cả các nước này cũng khó mà bình an vô sự nếu nhu cầu giảm sút.

Hệ thống tài chính toàn cầu đang chuyển dịch từ kỷ nguyên tiền rẻ tới môi trường kinh tế giảm tốc và chi phí đi vay cao hơn. Quá trình này có thể gây ra sự rối loạn và khiến nhà đầu tư hoảng sợ, đả thương thị trường tài chính của các nước phát triển lẫn nước mới nổi.

Hôm 10/10, ông Jamie Dimon, CEO ngân hàng lớn nhất nước Mỹ là JPMorgan, cảnh báo rằng 1 điểm % lãi suất tăng tiếp theo sẽ đau đớn hơn 1 điểm % đầu tiên.

Ngoại hối là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro mà các thị trường mới nổi cần lưu ý. Các nước mới nổi có thể sẽ bị cám dỗ bởi phương án triển khai kho dự trữ ngoại hối nhanh hơn để bảo vệ đồng nội tệ và tránh tăng lãi suất trong nước. Nhưng các nước cần chống cự lại cám dỗ này, để dành hỏa lực cho thời điểm nguy cấp thật sự.

Tờ Economist khuyên các nước để thị trường thiết lập tỷ giá hối đoái và tiếp tục dùng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Các yếu tố kinh tế cơ bản được cải thiện đã giúp các thị trường mới nổi tránh đi vào vết xe đổ của lịch sử, nhưng cẩn trọng không bao giờ là thừa.  

Giang