|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao lạm phát mãi không chịu biến mất?

11:57 | 28/10/2022
Chia sẻ
Bất chấp nỗ lực tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương phương Tây, lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt.

 

(Hình minh họa: Otto Dettmer/Economist). 

Bất ngờ lớn

Màn tái xuất của lạm phát khiến nhiều người bị bất ngờ, nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn là sự ngoan cố của nó. Bất chấp nỗ lực của ngân hàng trung ương Anh và Mỹ, CPI tháng 9 vẫn tăng.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã mắc sai lầm tai hại khi dự đoán hồi tháng 12/2020 rằng giá cả sẽ chỉ tăng chưa tới 2%/năm trong hai năm kế tiếp. Fed mắc lỗi lớn hơn nữa vào tháng 12/2021 khi dự đoán rằng lạm phát năm 2022 sẽ chỉ đạt 2,6%, bất chấp tốc độ tăng của giá cả lúc đó đã là 5%.

Song, Fed không phải cơ quan duy nhất đưa ra dự báo sai. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã nhiều lần dự báo nhầm lẫn và đánh giá thấp lạm phát. Cuối năm 2020, tờ Economist đã đúng khi dự đoán rằng giá cả sẽ nhảy vọt trong những tháng tiếp theo, nhưng lại kết luận rằng nguy cơ lạm phát kéo dài là khá thấp.

Vậy vì sao lạm phát lại dai dẳng đến thế? Câu trả lời thường thấy là bởi chi tiêu tiêu dùng vẫn rất mạnh và chính sách tiền tệ đã được nới lỏng quá mức.

Nhưng câu trả lời này chưa thỏa đáng. Khi các nhà hoạch định chính sách nhận ra áp lực lạm phát kéo dài hơn dự kiến, họ đã thực hiện các điều chỉnh. Hồi tháng 12/2020, Fed cho rằng lãi suất sẽ duy trì gần mức 0 trong năm 2023. Dự báo hiện nay của ngân hàng trung ương Mỹ là lãi suất sẽ tăng tới ít nhất 4,6% vào năm tới. 

Ba "nghi phạm"

Câu hỏi khó hơn là vì sao lạm phát lại liên tục đi ngược với dự báo. Công trình nghiên cứu mới nhất của IMF chỉ ra ba thủ phạm tiềm tàng: các cú sốc, tiền lương và kỳ vọng.

Khi đại dịch COVID-19 cản trở hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong năm 2020 và 2021, chính phủ các nước đã tung ra hàng loạt gói hỗ trợ tài khóa.

Cùng lúc, liên tục những tình huống bất thường đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, từ tập trung cho hàng hóa rồi lại quay về với dịch vụ. Sau xu hướng giảm phát ban đầu, tình trạng hỗn loạn đó đã kéo giá cả đi lên.

Năm ngoái, so với xu hướng trước đại dịch thì khoảng 40% mức tăng giá cả tại Mỹ và 66% mức tăng tại EU bắt nguồn từ việc gián đoạn hoạt động sản xuất và giá hàng hóa công nghiệp leo thang, IMF chỉ ra. Khoảng 30% nữa đến từ các khoản tiền kích thích hào phóng và sự thay đổi trong chi tiêu hộ gia đình.

Các cú sốc liên hoàn tái diễn sau khi Nga tấn công Ukraine hồi tháng 2. Sự sai lầm trong các dự báo lạm phát của IMF trong năm nay chủ yếu đến từ việc đánh giá thấp ảnh hưởng của cuộc chiến đối với mảng năng lượng và thực phẩm.

 

Tác động của chiến sự càng trở nên trầm trọng hơn bởi đà tăng đáng kinh ngạc của đồng USD – “sản phẩm phụ” từ cuộc chiến chống lạm phát của Fed. Và khi các đồng tiền khác yếu đi, chi phí nhập khẩu của những nền kinh tế đó đi lên, làm khuếch đại bài toán lạm phát.

Trong lưu ý công bố ngày 14/10, Phó Giám đốc điều hành Gita Gopinath của IMF và nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas ước tính rằng trung bình đồng USD tăng 10% thì CPI của các nước sẽ đi lên khoảng 1%. Những nước càng phụ thuộc nhiều vào sản phẩm nhập khẩu chịu tác động càng lớn.

Nghi phạm thứ hai là tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ. Trong các giai đoạn bình thường, tăng trưởng lương hầu hết được quyết định bởi năng suất lao động, kỳ vọng lạm phát và chênh lệch cung-cầu trên thị trường lao động. Tăng trưởng năng suất nhanh hơn và kỳ vọng lạm phát cao hơn thúc đẩy tăng trưởng tiền lương đi lên, còn tỷ lệ thất nghiệp cao thì ngược lại.

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, những mối quan hệ trên đã đổ vỡ. Theo phân tích của IMF, các yếu tố căn bản không còn giữ vai trò quyết định đối với tiền lương, mà thay vào đó là những hạn chế về nguồn cung lao động. Trong đại dịch, công nhân buộc phải phong toả và giãn cách xã hội, khiến lượng lao động sẵn có trở nên eo hẹp hơn.

Khi nền kinh tế phục hồi, các mô hình bình thường bắt đầu khẳng định lại vai trò của mình. Nhưng điều này lại không giúp ích nhiều cho tiền lương. Nguồn cung lao động bớt khan hiếm hơn, nhưng tiền lương vẫn tăng nhờ doanh nghiệp mạnh mẽ tuyển dụng và tỷ lệ thất nghiệp thấp.

Lương tăng thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và trực tiếp làm tăng giá cả của những dịch vụ thâm dụng lao động. Một số chuyên gia cũng lo ngại về vòng xoáy lương-giá, trong đó người lao động đòi được trả công nhiều hơn để trang trải giá cả leo thang, sau đó doanh nghiệp nâng giá bán để bù đắp chi phí lương gia tăng.

Nhưng phân tích của IMF cho thấy lập luận này chưa chắc đã đúng. Tiền lương quả thực đã tăng trưởng mạnh mẽ nhưng tại nhiều nước, mức tăng đó vẫn chưa bắt kịp với lạm phát. Tăng trưởng tiền lương thực tế suy giảm có thể cản trở chi tiêu và lạm phát.

Trong quá khứ có khoảng 22 trường hợp tương quan với tình hình hiện tại, tức là trong các giai đoạn đó, tiền lương danh nghĩa tăng nhưng tỷ lệ thất nghiệp và lương thực tế lại giảm. Nghiên cứu từ 22 trường hợp này cho thấy vòng xoáy lương-giá hiếm khi xảy ra.

Dẫu sao, lạm phát vẫn tồn tại

Nhưng những phát hiện trên vẫn chưa thể giải thích đầy đủ cho sự dai dẳng của lạm phát. Trong hầu hết các trường hợp, thắt chặt chính sách tiền tệ là điều cần thiết để cản đường lạm phát.

Bản chất bất thường của nền kinh tế hiện nay có thể khiến cho các kinh nghiệm quá khứ trở nên vô dụng. Và điều quan trọng là tình hình phụ thuộc nhiều vào diễn biến của kỳ vọng lạm phát – yếu tố thúc đẩy lạm phát thứ ba và cực kỳ khó đoán.

Niềm tin của công chúng về tương lai tác động đến hành vi tiêu dùng và mong muốn thu nhập của họ. Nếu những trải nghiệm gần đây ảnh hưởng lớn đến kỳ vọng của công chúng, thì điều đó sẽ giúp giải thích cho sự dai dẳng của lạm phát.

Niềm tin rất khó để đo lường, nhưng dẫu sao chúng ta vẫn đang chứng kiến một số dấu hiệu đáng lo ngại. Các thước đo kỳ vọng lạm phát ở Mỹ hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng số liệu ở Anh và EU thì kém khả quan hơn.

Đây sẽ là một trong những nguyên nhân lớn khiến các nước tiếp tục tăng lãi suất. Sau khi phạm sai lần liên tiếp, các ngân hàng trung ương sẽ không dừng tay cho đến khi bất ngờ duy nhất có thể xảy ra là lạm phát giảm mạnh hơn dự kiến.

Giang