Chủ tịch Fed lần nữa đối mặt áp lực chính trị
Bức thư gây áp lực
Chủ tịch Fed Jerome Powell vốn không lạ gì với áp lực chính trị. Tuần này, ông trở thành tâm điểm trong một bức thư từ Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Sherrod Brown.
Trong thư, ông Brown đã cảnh báo về khả năng người lao động mất việc tràn lan do Fed tăng lãi suất để khống chế lạm phát.
Vị thượng nghị sĩ viết: “Nhiệm vụ của Fed là chống lạm phát, nhưng cùng lúc các anh cũng không được quên đi trách nhiệm khác của mình là phải đảm bảo toàn dụng việc làm tại Mỹ”.
Ông nói thêm rằng “khả năng người dân mất việc do chính sách tiền tệ bị thắt chặt quá mức sẽ chỉ làm trầm trọng thêm những khó khăn của tầng lớp lao động”.
Bức thư được gửi tới Fed khi còn chưa đầy một tuần nữa là các nhà hoạch định chính sách sẽ tổ chức họp trong hai ngày 1 - 2/11, CNBC lưu ý.
Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ 4 liên tiếp. Qua đó, lãi suất chuẩn sẽ được kéo lên phạm vi 3,75% - 4%, mức cao nhất kể từ năm 2008 đồng thời đánh dấu tốc độ thắt chặt chính sách mạnh mẽ nhất của Fed kể từ đầu những năm 1980.
Không đề xuất một lộ trình hành động cụ thể, Thượng nghị sĩ Brown yêu cầu ông Powell hãy nhớ rằng Fed có hai nhiệm vụ cốt lõi: duy trì lạm phát ở mức thấp và bảo đảm toàn dụng việc làm.
Ông Brown nhấn mạnh, “các quyết định mà Fed đưa ra tại cuộc họp tiếp theo phải phản ánh cam kết của nhà hoạch định chính sách đối với nhiệm vụ kép nói trên”.
Lần gần nhất Fed tăng lãi suất, từ năm 2016 đến tháng 12/2018, ông Powell đã phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt từ cựu Tổng thống Donald Trump.
Có thời điểm, ông Trump đã gọi các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ là “lũ đần độn” và dường như so sánh ông Powell với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông đăng tweet hỏi “Ai là kẻ thù nguy hiểm hơn của Mỹ?”
Các thành viên Đảng Dân chủ, bao gồm ứng viên tổng thống tiềm năng khi đó là ông Joe Biden, đã chỉ trích Tổng thống Trump về những bình luận dành cho Fed. Họ khẳng định ngân hàng trung ương không nên chịu áp lực khi xây dựng chính sách tiền tệ.
Giữ vững lập trường
Lập trường của Thượng nghị sĩ Brown có vẻ nhẹ nhàng hơn ông Trump, dù cả hai đều không thể tác động đến đường lối chính sách của Fed.
Chia sẻ với CNBC, ông Mark Zandi - kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, nhận xét: “Chủ tịch Jerome Powell đã làm rõ rằng điều kiện cần thiết để Fed đạt được mục tiêu toàn dụng việc làm là lạm phát phải ở mức thấp và ổn định”.
“Nếu không có lạm phát thấp và ổn định, Fed không thể nào đảm bảo toàn dụng việc làm ở Mỹ. Lần này, ông Powell sẽ giữ vững quyết tâm. Tôi không thấy có bất kỳ yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến quyết định của Fed”, ông Zandi nói thêm.
Mặc dù rất có thể đây chỉ là phản ứng của nhà đầu tư sau sự thay đổi thái độ của một số quan chức Fed và dữ liệu kinh tế, kỳ vọng của thị trường đối với chính sách tiền tệ đã điều chỉnh một chút.
Nhà đầu tư có vẻ đã chấp nhận mức tăng 75 điểm cơ bản vào tuần tới. Tuy nhiên, giờ đây họ chỉ thấy 36% khả năng Fed thực hiện một động thái tương tự tại cuộc họp tháng 12. Trước đó, xác suất này lên gần 80%, theo dữ liệu của CME Group.
Tâm lý nhà đầu tư thay đổi sau khi một số quan chức Fed như Phó Chủ tịch Lael Brainard và Chủ tịch chi nhánh San Francisco Mary Daly nhận xét thận trọng về nguy cơ thắt chặt chính sách quá đà.
Trong một cuộc họp cuối tuần trước, bà Daly cho biết bản thân đang tìm kiếm một điểm “quay đầu” mà Fed có thể làm chậm tốc độ tăng lãi suất.
“Xu hướng dân chủ của Fed là vấn đề của thị trường, các thành viên khác có bao nhiêu quyền lực so với Chủ tịch Powell. Rất khó để biết chính xác”, bà Quincy Krosby - chiến lược gia cổ phiếu tại LPL Financial, cho hay.
Về bức thư của Thượng nghị sĩ Brown, bà nói: “Tôi không nghĩ lá thư sẽ tác động đến ông Powell”. Trong quá khứ, Chủ tịch Fed thường phớt lờ khi được hỏi liệu áp lực chính trị có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định chính sách hay không.
Không thể giúp
Cùng với sự thúc giục từ ông Brown, Chủ tịch Powell còn phải đối mặt với lời chỉ trích từ những nghị sĩ khác.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Elizabeth Warren đã gọi ông Powell là kẻ nguy hiểm và gần đây cũng cảnh báo về tác động của chu kỳ lãi suất đến thị trường việc làm.
Thượng nghị sĩ Joe Manchin - cũng thuộc Đảng Dân chủ, hồi năm ngoái đã chỉ trích ông Powell vì phản ứng vụng về của Fed khi áp lực lạm phát bắt đầu phình to.
CIO Peter Boockvar của Bleakley Advisory Group, nhận định: “Tôi không nghĩ Chủ tịch Powell sẽ hạ mình trước áp lực chính trị, nhưng tôi đang không biết liệu một vài đồng nghiệp của ông có như vậy không...”
“Thị trường việc làm đang ổn, nhưng vài tháng tới tăng trưởng sẽ tiếp tục chững lại và việc sa thải sẽ bắt đầu tăng với tốc độ đáng chú ý hơn, tôi tin áp lực chính trị khi đó sẽ gia tăng”, ông Boockvar dự đoán.
Tăng trưởng việc làm duy trì ở mức tương đối ổn định trong suốt nhiều năm qua, nhưng một số doanh nghiệp cho biết họ đã ngừng tuyển dụng hoặc đang cắt giảm nhân sự khi điều kiện kinh tế xấu đi.
Một nền kinh tế giảm tốc và lạm phát cao dai dẳng đang khiến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ trở nên khó khăn với Đảng Dân chủ. Cả thị trường và các nhà lập pháp sẽ chăm chú lắng nghe bình luận từ ông Powell sau cuộc họp chính sách tuần tới.
“Ông Powell biết rõ áp lực đang đè nặng mình. Ông ấy biết các chính trị gia đang ngày càng lo lắng, sợ bị mất ghế. Tuy nhiên, hiện ông Powell không thể làm gì nhiều để giúp đỡ hai bên”, bà Krosby cho hay.