270 tỷ cho The Coffee House: Giá trị tụt dốc, chuyên gia vẫn gọi là nước cờ khôn
Ngày 8/1, CTCP Tập đoàn Golden Gate đã mua 99,98% cổ phần CTCP Thương mại Dịch vụ Trà Cà Phê Việt Nam – pháp nhân vận hành chuỗi The Coffee House. Thương vụ với tổng giá phí tạm thời là 270 tỷ đồng.
Năm 2021, chuỗi cà phê từng được Hãng Kiểm toán và Định giá ASCO định giá hơn 50 triệu USD, tương đương 1.171 tỷ đồng. Như vậy, sau 4 năm, The Coffee House đã "bán mình" với giá chỉ bằng 1/4. Ông Phùng Lê Lâm Hải - Founder Equitix Investing đã có những phân tích về thương vụ trên.
Ông cho rằng, The Coffee House từng là một trong những chuỗi cà phê thành công nhất Việt Nam khi ghi nhận 863 tỷ đồng doanh thu vào năm 2019. Song, giai đoạn 2021 – 2023, doanh thu của chuỗi cà phê này liên lục biến động. Cụ thể, doanh thu năm 2020 là 735 tỷ đồng, năm 2021 là 475 tỷ đồng, năm 2022 là 794 tỷ đồng và giảm về mức 700 tỷ đồng vào năm 2023.
Mức lỗ luỹ kế của chuỗi cà phê cũng gia tăng theo từng năm. Năm 2021, công ty lỗ luỹ kế 249 tỷ đồng, lên tới 150 tỷ đồng vào năm 2022 và chạm ngưỡng 180 tỷ đồng vào năm 2023. Ông Hải tiết lộ, thời điểm The Coffee House lỗ luỹ kế gần nhất có thể chạm mốc 1.000 tỷ đồng.
Hiện tại, The Coffee House có khoảng 93 cửa hàng trên toàn quốc, giảm đáng kể so với con số khoảng 150 cửa hàng vào cuối năm 2023. Founder Equitix Investing cho rằng, chuỗi cà phê buộc phải thực hiện tái cấu trúc để có lãi hoạt động trước khi thoái vốn.
Song, nỗ lực tái cấu trúc của The Coffee House theo vị chuyên gia đánh giá là chưa thành công, trong đó có chiến lược quản trị và định vị thương hiệu gặp khó khăn.

The Coffee House hiện có khoảng 93 cửa hàng trên toàn quốc. (Ảnh: Lâm Anh).
Ra đời năm 2014, The Coffee House từng là "đứa con tinh thần" của Nguyễn Hải Ninh - người cũng đồng sáng lập Urban Station. Mọi chuyện thay đổi khi khi Nguyễn Hải Ninh rời đi vào năm 2021. Từ đó đến nay, dù có nhiều lần thay đổi lãnh đạo và thử nghiệm các chiến lược tái cấu trúc nhưng The Coffee House vẫn “giậm chân tại chỗ”, thậm chí là rơi vào tình trạng kinh doanh bết bát.
Ông Hải nhận định, quyết định thông minh nhất của The Coffee House là nhường miếng bánh tuy thoái trào nhưng vẫn còn tín hiệu vực dậy cho đại gia ngành F&B lad Golden Gate để tiếp tục vực dậy và tìm kiếm sự phát triển mới.
“Chắc không phải là quyết định mới đây mà phải làm cách đây vài năm. Nghĩa là giai đoạn tái cấu trúc để thoái vốn chứ không phải để tiếp tục duy trình mô hình kinh doanh”, Founder Equitix Investing nêu quan điểm.
Ngoài vấn đề tài chính, ông Hải cho rằng, giai đoạn The Coffee House gặp khủng hoảng cũng là lúc thị trường cà phê, F&B Việt Nam đang bão hòa, xu hướng chất lượng cao và độc quyền tăng. Các tay chơi mạnh như Highlands Coffee, Phúc Long, Starbucks vẫn dẫn dắt dẫn thị phần. Còn Golden Gate – “ông lớn” trong ngành F&B lại muốn gia nhập thị trường như một “game changer” (người thay đổi cuộc chơi) với tham vọng lớn.
Nhìn lại thương vụ trên, Founder Equitix Investing cho rẳng, The Coffee House và Seedcom đã thực hiện thoái vốn thành công.
Golden Gate hiện có hơn 40 thương hiệu cùng hơn 500 nhà hàng trên 42 tỉnh, thành phố ở Việt Nam, ước tính phục vụ 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm. Trong kế hoạch dài hạn, công ty dự kiến phát triển và mở rộng mạng lưới nhà hàng trên cả nước có chọn lọc, phát triển nhãn hàng mới....
Vào cuối năm ngoái, Golden Gate đã tiến hành ĐHĐCĐ bất thường để điều chỉnh kế hoạch trả cổ tức năm 2023. Công ty giải thích trong giai đoạn 2024-2025, họ kiến triển khai các dự án đầu tư và mở rộng kinh doanh quy mô lớn cả trong và ngoài nước, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai. Hơn nữa, để đảm bảo nguồn lực tối ưu cho các dự án chiến lược, việc tập trung vốn là vô cùng quan trọng.