Giáo sư tài chính tuyên bố lạm phát ở Mỹ đã bị hạ gục, tỷ phú đầu cơ cảnh báo cuộc chiến còn dài
Trong phòng họp của doanh nghiệp, hay tại các quán bar sang trọng trên Phố Wall hay trên giảng đường kinh tế trên khắp nước Mỹ, những cuộc tranh luận về lạm phát đang diễn ra không ngớt.
Trong những tháng gần đây, ngày càng nhiều nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng sự leo thang của giá tiêu dùng đang đi đến hồi kết. Nhưng một nhóm gồm những bộ óc kinh tế lão luyện khác tin rằng lịch sử cho thấy lạm phát sẽ không sớm bị khuất phục.
Trong một tuần qua, ông Jeremy Siegel, Giáo sư của Trường Kinh doanh Wharton danh giá và tỷ phú quỹ đầu cơ Bill Ackman đã chia sẻ dự đoán về lạm phát. Ý kiến của hai người trái ngược nhau, phản ánh hai tư tưởng đối lập trên thị trường.
- TIN LIÊN QUAN
-
Chuyện chưa kể từ thời Paul Volcker: Khống chế lạm phát không chỉ cần Fed và lãi suất 06/11/2022 - 08:00
Đầu tuần này, Giáo sư Siegel nói trong cuộc phỏng vấn với CNBC rằng lạm phát đã bị hạ gục bởi 6 đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay. Ông tin tưởng: “Tôi nghĩ 90% lạm phát của chúng ta đã biến mất”, và chỉ ra sự sa sút của thị trường nhà đất làm bằng chứng.
Nhưng vừa mới tuần trước, ông Bill Ackman, nhà sáng lập kiêm CEO quỹ đầu cơ Pershing Square Capital, khẳng định rằng lạm phát còn lâu mới bị chế ngự.
Trong cuộc họp từ xa với các nhà đầu tư, ông Ackman trình bày quan điểm: “Chúng tôi cho rằng về mặt cấu trúc, lạm phát trong tương lai sẽ cao hơn so với trung bình lịch sử”. Ông lập luận rằng các xu hướng như phi toàn cầu hóa và quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch sẽ khiến chi phí gia tăng trong lâu dài.
Theo tờ Fortune, ông Ackman và Giáo sư Siegel là hai đối thủ nặng ký trong cuộc tranh luận về lạm phát. Dự đoán của người nào được chứng minh là đúng sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính và nền kinh tế số một thế giới.
Ông Ackman: Lạm phát cao hơn và rủi ro tới cổ phiếu
Lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ đạt 7,7% trong tháng 10. Con số này thấp hơn rõ rệt so với mức cao 9,1% hồi tháng 9, nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu 2% của Fed.
Nhiều nhà kinh tế và doanh nhân tuyên bố rằng tuy lãi suất đã tăng mạnh trong năm nay, Fed vẫn còn nhiều việc phải làm để thực sự khống chế được lạm phát. Và ông Ackman tin rằng lạm phát có thể sẽ không bao giờ quay về con số 2%.
Ông nói với các nhà đầu tư: “Fed khó có thể đưa được lạm phát quay về mức 2% và duy trì mức này một cách nhất quán”.
Ông giải thích rằng nền kinh tế thế giới đang trải qua một số thay đổi lâu dài về mặt cấu trúc như lương tăng, cuộc chuyển đổi sang năng lượng xanh và xu hướng phi toàn cầu hóa. Những thay đổi này sẽ khiến chi phí doanh nghiệp gia tăng và giữ cho lạm phát ở mức cao trong những năm tới.
Đặc biệt, ông Ackman lập luận rằng xu thế onshoring – chuyển các hoạt động kinh doanh từng đặt ở nước ngoài về Mỹ - có thể làm tăng chi phí lao động và vật liệu của doanh nghiệp, kéo lạm phát đi lên.
Ông nói: “Mỹ sẽ phải chấp nhận mức lạm phát cao hơn do phi toàn cầu hóa. Pershing Square tin tưởng rằng Mỹ sẽ chứng kiến thêm nhiều doanh nghiệp đưa dây chuyền về gần quê nhà hơn và việc kinh doanh sẽ tốn kém hơn”.
Do những thay đổi dài hạn đó sẽ khuếch đại lạm phát, ông Ackman tin rằng Fed sẽ phải giữ vững quyết tâm tăng lãi suất. Nhưng ông cũng cảnh báo lãi suất sẽ kéo lợi suất dài hạn của trái phiếu lên cao hơn, gây ra “rủi ro cho cổ phiếu”.
Ông Siegel: Lạm phát kết thúc và cổ phiếu thăng hoa
Ông Siegel và những nhà kinh tế đồng quan điểm lập luận rằng giai đoạn lạm phát tồi tệ nhất đã đi qua. Họ chỉ ra giá thuê nhà chiếm khoảng 1/3 tỷ trọng CPI và lưu ý rằng thị trường nhà đất đang chậm lại.
Giá nhà tại 28 trong số các khu vực từng sốt đất ở Mỹ đã giảm hơn 5% so với một năm trước. Trong cùng kỳ, số hồ sơ đăng ký vay thế chấp mua nhà giảm 41%.
Ông Siegel cho rằng Fed đang ngó lơ sự suy yếu của thị trường nhà đất bởi các quan chức chỉ nhìn vào CPI trong khi dữ liệu này có độ trễ đáng kể. Ông giải thích kỹ hơn: “Quan điểm của tôi là chi phí nhà ở đã giảm nhưng cách tính toán của chính phủ - vốn có độ trễ - vẫn sẽ thể hiện sự gia tăng”.
Vị giáo sư cho rằng dữ liệu mới trong những tháng tới, bao gồm chỉ số giá nhà Case-Shiller, sẽ bắt đầu minh họa chính xác tình trạng giảm phát đến từ thị trường nhà ở, khiến Fed tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất.
Ông nói: “Fed vẫn chưa nhận ra rằng lạm phát đã kết thúc, nhưng họ sẽ hiểu được điều này vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Tôi nghĩ ngay khi Fed hiểu ra thì giá cổ phiếu sẽ tăng mạnh”.
Ông Siegel tin rằng khi Fed nhận ra lạm phát đang suy giảm và quyết định ngừng hoặc thậm chí cắt giảm lãi suất, chỉ số S&P 500 sẽ tăng mạnh 15-20%.