|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cựu Bộ trưởng Lawrence Summers: Fed sẽ tăng lãi suất nhiều hơn dự đoán của thị trường, có thể lên 6%

15:04 | 03/12/2022
Chia sẻ
Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Lawrence Summers dự đoán rằng Fed sẽ phải tăng lãi suất lên cao hơn so với dự đoán của thị trường hay chính các nhà hoạch định chính sách. Ngoài ra, ông nói nền kinh tế Mỹ có thể đột ngột ngã quỵ vào một thời điểm nào đó.

Mới đây, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Lawrence Summers đã cảnh báo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ cần phải tăng lãi suất nhiều hơn mức mà thị trường đang kỳ vọng, do áp lực lạm phát dai dẳng.

“Các nhà hoạch định chính sách vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đưa lạm phát” giảm xuống mức mục tiêu của Fed, ông Summers chia sẻ trong cuộc phỏng vấn mới nhất cùng Bloomberg.

“Tôi e rằng Fed sẽ cần phải nâng lãi suất lên cao hơn mức mà thị trường đang dự đoán hoặc hơn mức mà các nhà hoạch định chính sách đang nhận định”, vị cựu bộ trưởng cho hay.

 

Hợp đồng lãi suất tương lai cho thấy các nhà đầu tư đang kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ kéo lãi suất lên khoảng 5% vào tháng 5/2023. Lãi suất chính sách hiện tại đang nằm trong phạm vi 3,75 - 4%.

Theo nhận định của các nhà kinh tế, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tháng 12. Cũng tại đó, các quan chức Fed sẽ công bố những dự đoán mới về lãi suất.

Ông Summers, hiện là giáo sư tại Đại học Harvard, cho hay: “Fed có thể kéo lãi suất lên mức 6%, đây là một kịch bản mà chúng ta có thể nghĩ tới. Theo tôi, 5% không phải là một con số phù hợp”.

Ông Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, là một trong những chuyên gia kinh tế từng cảnh báo sớm về áp lực lạm phát. (Ảnh: Bloomberg).

Bình luận của ông Summers xuất hiện khoảng vài giờ sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 11. Trong đó, các nhà phân tích chỉ ra rằng thu nhập trung bình hàng giờ đã bất ngờ tăng so với dự kiến.

Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh rằng số liệu thu nhập tháng 11 là bằng chứng mới cho thấy áp lực giá cả đang tiếp tục đè nặng nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Thước đo hợp lý nhất cho lạm phát cơ bản lõi (core underlying inflation) là tiền lương. Tôi cảm thấy lạm phát sẽ bám rễ sâu hơn một chút so với những gì mọi người đang nghĩ”, ông nói.

Cụ thể, thu nhập trung bình hàng giờ trong tháng 11 cao hơn tháng liền trước khoảng 0,6% - đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1. So với cùng kỳ năm trước, thu nhập hàng giờ của tháng 11 tăng 5,1%.

Ngoài ra, thu nhập của người lao động trong lĩnh vực chế tạo tăng 0,7% so với tháng trước, mức cao nhất trong gần một năm.

 

Mặc dù một vài chỉ số kinh tế cho thấy chiến dịch thắt chặt chính sách của Fed tạo ra tác động khá hạn chế, ông Summers cảnh báo rằng thay đổi có xu hướng diễn ra đột ngột.

Ông nói: “[Khi chính sách tiền tệ thắt chặt phát huy tác dụng] thì vào một thời điểm nhất định, người tiêu dùng sẽ cạn tiền tiết kiệm và phải chi tiêu dè sẻn.

Trên thị trường nhà ở, người dân sẽ bất ngờ đổ xô rao bán bất động sản khi giá bắt đầu giảm xuống. Ở một thời điểm nào đó, tín dụng sẽ cạn kiệt, gây ra khó khăn về vấn đề thanh toán”.

"Một khi bạn rơi vào hoàn cảnh tiêu cực, mọi thứ sẽ như thác đổ. Tôi nghĩ chúng ta đang đối mặt với rủi ro thực sự, vào một thời điểm nhất định, nền kinh tế Mỹ sẽ đổ sụp", ông tiếp tục.

“Tôi không biết khi nào suy thoái kinh tế sẽ xảy đến. Nhưng khi thay đổi xuất hiện, tôi e là cú sốc sẽ khá mạnh mẽ và nghiêm trọng”, ông Summers chia sẻ thêm.

Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cũng cảnh báo rằng “đây sẽ là một cuộc suy thoái do lãi suất lên tương đối cao, khác với các cuộc suy thoái do lãi suất thấp mà chúng ta từng thấy trong quá khứ”.

Mặt khác, ông không nghĩ rằng Fed nên điều chỉnh mục tiêu lạm phát từ mức 2% hiện tại lên 3%. Theo ông, Fed sẽ chịu rủi ro về uy tín nếu thực hiện động thái đó, sau khi đã để cho lạm phát leo thang trong hai năm qua.

Ông Summers là một trong các nhà kinh tế đã cảnh báo sớm về vấn đề lạm phát cũng như thúc giục giới chức Fed siết chặt chính sách tiền tệ để khống chế áp lực giá.

Ông từng liên tục nhấn mạnh rằng các gói kích thích tài khoá và tiền tệ khổng lồ mà chính phủ Mỹ ban hành thời đại dịch sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ.

Yên Khê