|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà kinh tế El-Erian: Fed hành động 'quá ít và quá muộn', mây đen đang chờ kinh tế Mỹ ở phía trước

14:17 | 06/12/2022
Chia sẻ
Báo cáo việc làm tháng 11 tốt hơn mong đợi là điều đáng để ăn mừng đối với hầu hết người Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát vẫn ở gần mức cao nhất trong 4 thập kỷ, đây lại là câu chuyện khác đối với Fed.

Nhà kinh tế Mohamed El-Erian. (Ảnh: Getty Images).

"Quá ít và quá muộn"

Trong năm nay, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 6 lần liên tiếp nhằm hạ nhiệt nền kinh tế và đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%. Song, cho đến nay, họ chỉ mới làm chậm tốc độ tăng của giá tiêu dùng, Fortune nhận định.

Một số nhà kinh tế cho rằng báo cáo việc làm mới nhất là bằng chứng cho thấy các chính sách của Fed chưa phát huy tác dụng đủ để cân bằng thị trường lao động. Điều đó đồng nghĩa rằng lạm phát có thể ăn sâu bám rễ vào nền kinh tế.

Chia sẻ với MSNBC, ông Mohamed El-Erian - cựu CEO của hãng tài chính PIMCO và hiện là Chủ tịch Queen’s College (Đại học Cambridge) - cho hay: “Số liệu việc làm tháng 11 chỉ cho thấy Fed vẫn đang hành động quá ít và quá muộn”.

Vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: “Lạm phát vẫn là một vấn đề lớn. Đúng, lạm phát đang hạ nhiệt, nhưng không nhanh chóng [như kỳ vọng]”.

 

Theo bản báo cáo, trong tháng 11, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 263.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn duy trì gần mức thấp trước đại dịch là 3,7%.

Thu nhập trung bình hàng giờ lần lượt tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước và 0,6% so với tháng trước - đánh dấu tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 1 năm nay. Cả hai số liệu đều cao hơn ước tính của Phố Wall.

Đây là tin tốt cho người lao động Mỹ, nhưng không phải dành cho Fed. Các nhà hoạch định chính sách đã hy vọng tốc độ tăng trưởng tiền lương sẽ chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng nhẹ để hỗ trợ cuộc chiến chống lạm phát của họ.

Ông El-Erian cảnh báo rằng trong báo cáo tháng 11, giới chuyên gia đã nhìn thấy bằng chứng về “các vấn đề nguồn cung” trên thị trường lao động, và điều này cũng có thể thúc đẩy lạm phát đi lên.

“Có nhiều mây đen đang chờ nền kinh tế Mỹ ở phía trước”, ông nhận định. Nhà kinh tế cho biết tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (tức tỷ lệ phần trăm dân số đang làm việc hoặc tích cực tìm kiếm việc làm) đang giảm xuống.

Thước đo nói trên đã sụt từ mức 63,4% trước đại dịch xuống còn 62,1% vào tháng 11. Tỷ lệ này đạt mức cao nhất là hơn 67%, vào năm 2000.

Khi số lượng lao động cạnh tranh cho các vị trí còn trống sụt giảm, thị trường lao động có thể bị thắt chặt trong thời gian dài hơn. Xu hướng này sẽ làm trầm trọng thêm bài toán lạm phát.

 

Cần tiếp tục diều hâu

Cựu CEO của PIMCO lập luận rằng báo cáo việc làm mới nhất cho thấy các quan chức Fed cần tiếp tục duy trì quan điểm diều hâu, nếu không họ có thể phạm phải sai lầm tương tự như trong thời đại dịch.

“Thử tưởng tượng ban đang lái xe trên đường cao tốc và bạn nên giảm tốc độ lại, bởi đường cao tốc đang trở nên nguy hiểm hơn...có sương mù ở phía trước”, ông nói, ví lạm phát với sương mù nhằm mô tả sai lầm chính sách của Fed.

“Năm ngoái, lẽ ra Fed phải đi chậm lại, nhưng họ đã không làm thế. Họ đảm bảo với chúng ta rằng đây chỉ là tạm thời, sương mù sắp tan. Cuối cùng, sương mù lại không tan”, vị chuyên gia nói tiếp.

Theo ông El-Erian, giờ đây, Fed đang cố gắng hãm phanh (để đi chậm lại) nhằm từ từ thoát ra khỏi sương mù.

Hay nói cách khác, Fed đang cố mạnh tay tăng lãi suất để khống chế lạm phát nhưng mọi nỗ lực vẫn không có hiệu quả. Người dân Mỹ sẽ còn phải chịu nhiều tổn thất kinh tế hơn trong tương lai.

 

“Chúng ta đã chứng kiến 4 lần tăng lãi suất 75 điểm cơ bản liên tiếp, điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử trước đây.

Sau khi Fed đạp phanh, chiếc xe vẫn chưa giảm tốc độ như mong muốn. Fed đang cố gắng làm chiếc xe đi chậm hơn nữa.

Nếu họ bắt đầu sớm hơn, nền kinh tế sẽ không phải gánh chịu nhiều thiệt hại không đáng như bây giờ. Nhưng thật không may, chúng ta đã rơi vào hoàn cảnh tệ hại này”, ông nói tiếp.

Khả Nhân

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.