|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Một loạt NHTW lớn sẽ tăng lãi suất trong tuần này, khép lại hành trình một năm chống lạm phát

15:22 | 12/12/2022
Chia sẻ
Trong tuần này, nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ chính thức khép lại một năm tăng lãi suất mạnh mẽ nhằm khống chế lạm phát. Dù vậy, cuộc chiến của họ vẫn chưa kết thúc, ngay cả khi nền kinh tế đang dần chững lại.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde (trái) và Chủ tịch Fed Jerome Powell (phải). (Ảnh: Reuters).

Tuần này, nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) lớn bậc nhất thế giới sẽ công bố quyết định chính sách cuối cùng trong năm, qua đó khép lại 12 tháng tăng lãi suất mạnh tay nhằm kiềm chế lạm phát.

Trong đó, vào ngày 14/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng 50 điểm cơ bản (bps) và kéo lãi suất chính sách từ mức 4% lên 4,5% - mức cao nhất kể từ năm 2007.

Ngoài ra, Fed còn được dự báo sẽ phát thêm tín hiệu về các đợt tăng lãi suất khác vào đầu năm 2023.

Một ngày sau, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) nhiều khả năng cũng sẽ “nối gót” với mức tăng 50 bps. Chi phí đi vay cũng có thể lên cao hơn tại Thuỵ Sỹ, Na Uy, Mexico, Colombia và Philippines.

 

Năm 2022 sẽ kết thúc theo cách rất khác so với khi bắt đầu, hãng tin Bloomberg nhận xét.

Hồi tháng 1, hầu hết các nhà hoạch định chính sách đều thừa nhận rằng họ đã sai khi tin tưởng áp lực lạm phát năm trước sẽ sớm thoái lui. Song, họ vẫn cho rằng các chính sách tiền tệ thắt chặt có thể giúp khống chế áp lực giá.

Hiện giờ, nhiều số liệu cho thấy lạm phát toàn cầu đã đạt mức hai con số, buộc các NHTW phải siết chặt chính sách hơn nữa.

Đơn cử, Bank of America nhận thấy các NHTW đã tăng lãi suất khoảng 275 lần trong năm nay, đủ để rải đều mỗi phiên giao dịch một lần tăng. Trong khi đó, ngân hàng này chỉ tổng hợp được 13 lần hạ lãi suất.

Hơn 50 NHTW đã tăng lãi suất 75 bps - một mức hiếm thấy trong quá khứ. Một số NHTW đã cùng Fed thực hiện động thái này nhiều lần.

Một thước đo lãi suất toàn cầu của Bloomberg Economics được dự đoán sẽ kết thúc năm 2022 ở mức 5,2%, tăng so với con số 2,8% vào tháng 1.

Mặc dù công chúng đang nhìn thấy ngày càng nhiều dấu hiệu chứng tỏ lạm phát đã đạt đỉnh tại hầu hết các nền kinh tế, câu hỏi lớn hiện giờ là chuyện gì sẽ xảy ra vào năm 2023.

Trường hợp xấu nhất là lạm phát sẽ ăn sâu bám rễ vào nền kinh tế và suy thoái sẽ bắt đầu. Khi đó, các NHTW sẽ phải đối mặt với cơn ác mộng mang tên “lạm phát đình trệ”.

Kịch bản lạc quan nhất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ sụt giảm nhanh chóng để các nhà hoạch định chính sách ngừng chu kỳ thắt chặt và cân nhắc hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng, Bloomberg cho hay.

Nhà đầu tư vẫn đang mong rằng các NHTW sẽ thay đổi lập trường vào một thời điểm nào đó.

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell và Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã nhấn mạnh rằng trọng tâm của họ vẫn là giải quyết bài toán lạm phát, ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng và hoạt động tuyển dụng bị tổn hại.

Dưới đây là nhận định của các chuyên gia về cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm 2022 của một số NHTW hàng đầu thế giới:

Fed

Fed nhiều khả năng sẽ bắt đầu giảm nhịp độ thắt chặt chính sách trong tuần này với mức tăng lãi suất 50 bps. Song, lãi suất chuẩn tại Mỹ được dự đoán sẽ tiếp tục đi lên trong năm 2023.

Nếu kết quả cuộc họp tháng 12 đúng như dự đoán, chỉ trong năm nay, Fed đã nâng lãi suất tổng cộng 425 bps để khống chế lạm phát đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ.

 

Trước khi kết thúc cuộc họp chính sách vào ngày 14/12, các quan chức Fed sẽ nhận được báo cáo CPI tháng 11 vào ngày 13/12.

Các nhà kinh tế dự đoán CPI toàn phần và CPI lõi (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm) sẽ cùng tăng 0,3% so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, cả hai đều được dự báo là sẽ chững lại.

ECB

ECB có thể sẽ tăng lãi suất thêm 50 bps sau khi lạm phát ở khu vực đồng euro lần đầu tiên chững lại sau hơn một năm rưỡi vào tháng trước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức 10%, các nhà phân tích không thể loại trừ hoàn toàn khả năng ECB tăng lãi suất 75 bps lần thứ ba liên tiếp. Các “diều hâu” trong NHTW châu Âu cũng hàm ý rằng họ sẽ ủng hộ phương án đó.

Các dự báo kinh tế mới cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định của ECB. Nhiều khả năng các nhà kinh tế sẽ điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng và nâng dự báo lạm phát năm 2023.

 

BoE

BoE được kỳ vọng sẽ tăng lãi suất thêm 50 bps, qua đó đưa chi phí đi vay chuẩn lên khoảng 3,5% - mức cao nhất kể từ năm 2008.

Lạm phát tại Anh đang ở mức cao nhất trong 41 năm là 11,1% và người tiêu dùng ngày càng kỳ vọng rằng giá cả sẽ tiếp tục leo thang trong vài năm tới.

Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách dưới sự dẫn dắt của Thống đốc Andrew Bailey cho biết họ sẽ hành động mạnh mẽ để ngăn chặn vòng xoáy giá lương.

Triển vọng kinh tế tối tăm khiến quyết định chính sách tháng này trở nên khó khăn hơn tháng trước.

Suy thoái đang dần thành hình tại Anh và dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2024. Cùng lúc, các hộ gia đình đang phải chịu chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất trong lịch sử.

Giá năng lượng đã tăng cao hơn bình thường ít nhất 6 lần và thời tiết lạnh hơn đang tấn công nước Anh.

Ngân hàng Quốc gia Thuỵ Sỹ (SNB)

Thuỵ Sỹ cũng đang phải đối mặt với áp lực lạm phát lớn, nhưng ở mức 3% - chưa bằng một phần ba so với con số của khu vực đồng euro - các nhà hoạch định chính sách của SNB có thể sẽ chọn tăng lãi suất 50 bps thay vì 75 bps.

Đồng franc mạnh mẽ đang hỗ trợ cho nền kinh tế Thuỵ Sỹ vì nó giúp quốc gia châu Âu này không phải “nhập khẩu lạm phát”. Dù vậy, SNB có thể vẫn sẽ lần nữa nhấn mạnh rằng họ sẵn sàng can thiệp vào thị trường tiền tệ nếu cần.

Ngân hàng Trung ương Na Uy (NB)

NB dự kiến sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 25 bps sau khi dữ liệu tháng trước cho thấy lạm phát toàn phần và lạm phát lõi đều chững lại.

Số liệu lạm phát mới khiến thị trường suy đoán rằng NB sẽ hạ tốc độ tăng lãi suất. Thậm chí, một số nhà phân tích còn tin rằng đợt tăng lãi suất tháng 12 sẽ là lần cuối cùng cho chu kỳ chính sách hiện tại.

Các dữ liệu công bố gần đây đã nêu bật lên triển vọng kinh tế ảm đảm của Na Uy. Điều đó càng củng cố nhận định chính sách trên, ngay cả khi NB dự kiến đỉnh lãi suất sẽ vào khoảng 3% - đồng nghĩa rằng họ sẽ còn tăng lãi suất vào đầu năm tới.

Cũng trong tuần này, các NHTW Mexico và Colombia cũng sẽ hạ màn cho một năm chưa từng có trên mặt trận chính sách tiền tệ khu vực Mỹ Latin.

Nếu quyết định lãi suất của hai NHTW trên phù hợp với dự báo, 5 NHTW lớn nhất khu vực đã tăng lãi suất tổng cộng 3.075 bps trong năm nay.

Yên Khê

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.