|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dịch cúm H5N1 bùng phát ở Campuchia, chuyên gia khuyến cáo tiêu thụ sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng

16:06 | 02/03/2023
Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát ở Campuchia, các chuyên gia khuyến cáo người dân tiêu thụ trứng và sản phẩm gia cầm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Sau Tết Nguyên đán, đường phố Hà Nội xuất hiện nhiều điểm bán trứng “giải cứu” với giá 60.000 – 65.000 đồng/30 quả, tương đương 2.000 – 2.100 đồng/quả, giảm 1.000 đồng so với mặt bằng giá thông thường. Không chỉ ở các vỉa hè, đường phố, các nhóm mạng xã hội facebook cũng nhan nhản những bài viết “xả hàng”, giải cứu trứng cho nông dân.

Theo như lời quảng cáo của các tiểu thương, trứng có nguồn gốc thuộc “vựa trứng” xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội, nguồn cung dồi dào trong khi các nhà hàng, bếp ăn ngừng nhập trong dịp Tết nên phải đem ra các quận trung tâm để tiêu thụ.

Tuy nhiên, lãnh đạo xã Liên Châu đã nhiều lần khẳng định trên các phương tiện truyền thông đại chúng đây là thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến thương hiệu trứng Châu Mai của địa phương. Hiện, các hộ sản xuất trứng tại địa phương vẫn hoạt động, kinh doanh bình thương, không có chuyện phải giải cứu trứng. 

 Người dân hỗ trợ tiêu thụ trứng giải cứu trên vỉa hè dọc Đại lộ Thăng Long. (Ảnh: Phạm Mơ)

Như vậy cho đến thời điểm này, nguồn gốc trứng được bán trên đường phố, vỉa hè và mạng xã hội vẫn là một dấu hỏi với người tiêu dùng. Việc sử dụng trứng không rõ nguồn gốc sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh đặc biệt khi dịch cúm gia cầm H5N1 bắt đầu bùng phát ở Campuchia.

Theo nguồn tin từ Bộ NN&PTNT, Campuchia đã phát hiện ca tử vong trên người do virus cúm gia cầm A/H5N1. Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát đường mòn, lối mở ở biên giới, cảng biển, đường sông để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam, ngăn cúm A/H5N1 xâm nhập.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam khẳng định: “Việc tiêu thụ trứng của các doanh nghiệp trong hiệp hội vẫn thuận lợi. Việc các tiểu thương dùng biển hiệu, băng rôn giải cứu là chiêu trò, câu view, làm hạ giá trị của nông sản Việt”.

Hiện, giá trứng gà thu mua tại các trang trại khoảng 1.800 – 2.000 đồng/quả, giảm nhẹ so với mọi năm theo quy luật cung – cầu thời điểm sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, mức giá này vẫn đảm bảo cho người nông dân có lãi nhẹ bởi giá thành ở mức 1.750 đồng/quả. Giá trứng gà sẽ trở lại mức bình thường, khoảng 3.000 – 3.200 đồng/quả vào tháng 2 Âm lịch.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng thông tin về dịch cúm gia cầm ở Campuchia đang gây lo ngại với cả người chăn nuôi và người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên thời điểm này, chúng ta cũng cần phải hết sức bình tĩnh, tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý người dân và ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam.

“Một mặt, chúng ta phải đề cao cảnh giác, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, phòng chống dịch bệnh, mặt khác các cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông cũng phải tuyên truyền cho người dân hiểu rõ vấn đề để không ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm trong nước.

Các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch vẫn bảo đảm an toàn, người tiêu dùng có thể yên tâm tiêu thụ”, ông Sơn khẳng định.

Bản thân VIPA cũng đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp trong hiệp hội không vận chuyển, buôn bán tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam; không tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kể cả trứng gia cầm được bày bán tràn lan trên các hè phố dưới danh nghĩa “giải cứu” của các tư thương. 

Đồng thời tăng cường công tác an toàn dịch bệnh, vệ sinh tiêu độc, khử trùng trong và xung quanh trại, phương tiện vận chuyển ra vào trại chăn nuôi, đặc biệt những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. 

Chuyên gia khuyến cáo người dân tiêu thụ sản phẩm gia cầm ở các cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. (Ảnh: Hoàng Anh)

Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, (Bộ NN&PTNT), Phó Chủ tịch Hiệp hội trang trại Việt Nam, các tiểu thương bán trứng trên vỉa hè theo kiểu “nay đây, mai đó”, gây khó khăn cho cơ quan chức trong việc kiểm soát cũng như xác định nguồn gốc trứng.

Do vậy ông Trọng khuyến cáo người tiêu dùng chọn các sản phẩm gia cầm của các doanh nghiệp có truy xuất nguồn gốc rõ ràng được bán trong các cửa hàng thực phẩm, siêu thị bởi các sản phẩm này được sản xuất theo tiêu chí an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Hoặc ít nhất là mua qua người thân quen, nắm được nơi sản xuất, tình hình dịch bệnh của hộ chăn nuôi, trang trại.

“Không ai có thể cấm người tiêu dùng mua trứng giải cứu trên vỉa hè, chợ truyền thống. Tuy nhiên, chúng tôi luôn khuyến cáo người tiêu dùng chọn sản phẩm có nguồn gốc, truy xuất rõ ràng là cách để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình”, ông Trọng nói.

Ông Nguyễn Văn Trọng nhận định hiện nay nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong chăn nuôi ở Việt Nam, do vậy việc truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm chăn nuôi còn nhiều khó khăn.

Song theo lộ trình của Luật chăn nuôi, đến năm 2025, tất cả cơ sở chăn nuôi đều phải kê khai hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương để nắm được tình hình, quản lý và điều tiết cho phù hợp, đồng thời có biện pháp, chính sách hỗ trợ khi xảy ra dịch bệnh hoặc thiên tai.

Trở lại việc tiểu thương căng biển giải cứu trứng, ông Trọng cũng khẳng định đây là chiêu trò, chứ không phải là việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản có tổ chức bởi nhiều năm nay Bộ NN&PTNT đã không sử dụng khái niệm “giải cứu nông sản”.

Tại cuộc họp về tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm 2021, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh: "Lâu nay, đâu đó nông sản Việt Nam vẫn phải "giải cứu". Song, có lẽ chúng ta cần bỏ từ giải cứu vì nó giống với sự thương cảm, thương xót. Trong khi đó, chúng ta cần hành động cụ thể hơn. Mọi sản phẩm nông nghiệp cần được nâng niu hơn, tạo ra giá trị nhiều hơn, bởi đó là công sức của bà con nông dân".

Việc dùng từ "giải cứu" đã dẫn đến hiệu ứng ngược, giá cả nông sản đã giảm, nông dân còn bị ép giá thêm. Hay một trường hợp khác là một số người lợi dụng các điểm giải cứu để đưa hàng hóa không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ vào để tiêu thụ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và thương hiệu của nông sản.

Trong một số trường hợp bất khả kháng như dịch bệnh COVID-19 như giai đoạn 2020-2021, Bộ NN&PTNT đã vận động đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ và hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đây là cách mô hình kết nối cung- cầu chuyên nghiệp, vừa cung cấp sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ cho người tiêu dùng, vừa nâng niu giá trị nông sản Việt.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, tổng đàn gia cầm năm 2022 đạt khoảng 531 triệu con, tăng 1,4% so với năm 2021; sản lượng trứng đạt khoảng 18,3 tỷ quả, tăng 4,4%. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 3,5-4%, sản lượng trứng gia cầm năm 2023 có thể đạt 19,1 tỷ quả.

Hoàng Anh

Gần 30 doanh nghiệp lãi ròng trên nghìn tỷ quý I, một đơn vị bất ngờ lọt top sau chuỗi 16 quý thua lỗ
Bảng xếp hạng lợi nhuận quý I ghi nhận sự xáo trộn lớn khi đơn vị từng đứng đầu thị trường về lợi nhuận đã rời top lãi nghìn tỷ. Trong khi đó có đơn vị thua lỗ 16 quý liên tiếp lại bất ngờ đứng thứ 6 về lợi nhuận trên thị trường.