Dabaco phải giảm 50% đàn gà giống, công ty khác bán 2 nhà máy để ‘gồng lỗ’, khó khăn với ngành gia cầm khi nào kết thúc?
Doanh nghiệp dùng hết “võ” vẫn thê thảm
Giai đoạn từ năm 2020 đến nay, ngành chăn nuôi gia cầm liên tiếp chịu những hệ lụy từ đại dịch COVID-19 khiến giá nguyên liệu đầu vào leo thang, nhu cầu tiêu thụ yếu, chưa kể dịch bệnh trên đàn gia cầm vẫn rình rập.
Trong báo cáo mới đây của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), quý I/2023 tổng đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên tổng cung đang mạnh hơn tổng cầu khiến giá gia cầm, đặc biệt là gà lao dốc.
Theo đó, giá gà bình quân từ đầu năm 2023 đến nay khoảng 25.600 đồng/kg. Giá gà thịt lông màu nuôi công nghiệp có xu hướng giảm, từ 39.000-43.000 đồng/kg trong tháng 1 xuống còn 26.000-32.000 đồng/kg trong tháng 4.
Điều này khiến tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm giảm mạnh, ngay cả “ông lớn” có tiềm lực và hàng chục năm kinh nghiệm như CTCP Tập đoàn Dabaco cũng không thoát khỏi vòng xoáy.
Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Dabaco cho biết dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, có những vùng tưởng chừng không bao giờ xảy ra dịch bệnh thì lại bị. Dabaco sản xuất 60 triệu con gà giống một năm nhưng phải huỷ 30 triệu con, chỉ bán 30 triệu con.
Sự chững lại của cả mảng chăn nuôi gia cầm và heo khiến quả kinh doanh năm 2022 của công ty không đạt được như kỳ vọng. Theo đó, doanh thu thuần năm 2022 của Dabaco đạt 11.558 tỷ, tăng gần 7%, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 99%, còn 5 tỷ đồng. Với kết quả này, Dabaco mới hoàn thành hơn 51% chỉ tiêu doanh thu và còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận 918 tỷ đồng.
“Chúng tôi đã sử dụng hết võ nhưng năm 2022 khó khăn quá. 27 năm làm lãnh đạo doanh nghiệp, chưa khi nào tôi phải họp ban lãnh đạo hàng ngày, thậm chí ngày 3 lần như hiện nay, vì thị trường diễn biến quá nhanh”, ông So nói.
Dù kết quả kinh doanh không đạt được như kỳ vọng nhưng ít nhất Dabaco vẫn chưa rơi vào cảnh thua lỗ. Cùng trong cơn bĩ cực của ngành chăn nuôi, các doanh nghiệp gia cầm quy mô vừa và nhỏ lại có một cái kết thê thảm hơn.
Trao đổi với người viết, ông Bùi Đức Huyên, Tổng giám đốc CTCP Dinh dưỡng Việt Tín cho biết doanh nghiệp chủ yếu nuôi dòng gà ri lai 95-100 ngày, cung cấp cho các nhà hàng, bếp ăn công nghiệp.
Tuy nhiên từ năm 2021 đến nay, nhu cầu tiêu thụ từ các khu công nghiệp giảm 30-40%, du lịch giảm 80% khiến công ty buộc phải thu hẹp quy mô chăn nuôi tới 90%, tổng đàn gia cầm giảm từ 4 triệu con vào năm 2021 xuống còn 400.000 con vào quý I năm nay.
Công ty Việt Tín tự chủ về sản xuất thức ăn chăn nuôi, giá thành với loại dòng gà này khoảng 57.000 – 58.000 đồng/kg, tuy nhiên giá bán ra cao nhất được 47.000 đồng/kg, thậm chí giai đoạn rơi xuống 35.000 đồng/kg.
“Chi phí cho nguyên liệu thức ăn chăn nuôi quá cao, kèm theo các khoản lãi ngân hàng, vận tải, khâu phân phối, trung gian đã ăn hết lợi nhuận của người chăn nuôi.
Chúng tôi đã phải bán đi hai nhà máy gần 80 tỷ để bù lỗ, nếu tình trạng này kéo dài thêm 6 tháng, có thể chúng tôi sẽ phá sản”, ông Huyên nói.
Theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) hiện tỷ suất lợi nhuận của ngành chăn nuôi gia cầm đang ở rất thấp, thậm chí hai năm vừa qua xuống mức âm.
Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA cho biết tỷ suất lợi nhuận thấp nên việc giảm đàn của các doanh nghiệp đang diễn ra khắp cả nước, mà nguyên nhân chính là nhu cầu yếu, người chăn nuôi không tiêu thụ được hoặc buộc phải bán dưới giá thành.
Theo Chủ tịch VIPA, hiện 60-65% thịt gia cầm và trứng đang tiêu thụ trong khu vực ngoài gia đình (du lịch, bếp ăn công nghiệp), tuy nhiên du lịch vẫn chưa tăng, các công ty cắt giảm lao động, công suất khiến lực cầu sẽ vẫn yếu.
“Chúng tôi cũng kỳ vọng quý II, III mùa cao điểm du lịch sẽ mở ra cơ hội, nhưng hiện nay tín hiệu thị trường chưa có gì khởi sắc. Có lẽ tình trạng tiêu thụ gia cầm nói riêng và chăn nuôi nói chung sẽ tiếp tục ảm đạm hết năm 2023”, ông Sơn dự báo.
Dù vậy, ông Sơn cũng kỳ vọng rằng năm 2024 kinh tế bớt khó khăn, tổng cầu phục hồi sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận nhờ vòng quay của chăn nuôi gia cầm khá ngắn và sự hạ nhiệt của thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Doanh nghiệp tìm lối đi mới
Nghịch lý trong ngành chăn nuôi hiện nay là giá bán sản phẩm thấp, người nuôi thua lỗ nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao. Điều này các doanh nghiệp đều nhận thấy và đang xoay xở tìm hướng đi, đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng, giảm chi phí và tối ưu lợi nhuận.
Với Dabaco, Chủ tịch Nguyễn Như So cho biết trong năm 2023, công ty sẽ khai thác đa kênh phân phối, từ truyền thống đến hiện đại chứ không tập trung vào siêu thị.
Chủ tịch lý giải chi phí vào siêu thị rất cao, có những siêu thị đòi chiết khấu 30-40% trong khi người sản xuất ra còn không được 30-40% lợi nhuận. Hoặc có siêu thị muốn lấy sản phẩm của Dabaco rồi đóng tên sản phẩm của siêu thị nên công ty không làm.
“Dabaco sẽ không bỏ kênh siêu thị nhưng chỉ chấp nhận mức chiết khấu tối đa là 18-21% thì mới bán. Dabaco có phát triển một số kênh tiêu thụ như chợ truyền thống, thương mại điện tử, bếp ăn công nghiệp, các tòa nhà nhằm tiết giảm chi phí và phân phối sản phẩm bằng chính thương hiệu của mình, chúng tôi đi có thể chậm lại nhưng phải vững, chắc và hiệu quả”, ông So nói.
Cũng có ý tưởng tương tự như Dabaco, công ty Việt Tín cũng ý thức rằng phải tiếp cận khách hàng trực tiếp mới có thể gia tăng lợi nhuận, cả người sản xuất và người tiêu dùng đều có lợi.
Ngoài ra, lãnh đạo công ty cho biết trong giai đoạn khó khăn, công ty cũng phải “tự cứu mình” bằng tái cơ cấu, thu hẹp quy mô gà ri tới 90% và tập trung phát triển thêm dòng sản phẩm gà thảo dược, gà đặc sản. Công ty dự kiến sẽ làm thương hiệu cho dòng gà thảo dược và đi vào ngách khách hàng cao cấp, nâng dần quy mô theo nhu cầu thị trường.