|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

HAGL dự kiến trả thêm 1.000 tỷ nợ ngân hàng năm nay, đặt mục tiêu mảng chăn nuôi có thể hoà vốn

08:41 | 21/04/2023
Chia sẻ
HAGL dự kiến sẽ duy trì ổn định quy mô chăn nuôi và cây ăn trái trong năm 2023 và sẵn sàng cho kế hoạch tăng trưởng trong tương lai.

Trong Báo cáo thường niên năm 2022 của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG), Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức cho biết, năm 2023 trước tình hình khó khăn và thách thức của môi trường kinh doanh, HAGL sẽ duy trì quy mô sản xuất như năm 2022, chờ nắm bắt cơ hội thị trường hồi phục.

HAGL tiếp tục tập trung vào hai lĩnh vực chính là cây ăn trái và chăn nuôi heo. Tính đến cuối năm 2022, diện tích chuối của công ty đạt 7.000 ha và HAGL đã xây dựng được 10 cụm chuồng trại với công suất nuôi khoảng 600.000 con heo thịt mỗi năm (mỗi cụm chuồng trại nuôi 2.400 con heo nái và mỗi con heo nái sinh khoảng 25 con heo thịt mỗi năm).

Năm 2022, HAGL cũng đã hoàn thành cơ bản việc thoái vốn đầu tư vào nhóm CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG). Cả năm, doanh nghiệp ghi nhận tổng doanh thu thuần 5.111 tỷ đồng, tăng 144% so với năm 2021 và lãi sau thuế 1.125 tỷ đồng, gấp 9 lần so với cùng kỳ.

"Kế thừa những thành quả đã đạt được trong năm 2022, HAGL sẽ duy trì ổn định quy mô trong năm 2023 và sẵn sàng cho kế hoạch tăng trưởng trong tương lai", ông Đức cho biết. 

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAG. (Ảnh: Đăng Nguyên).

Bên cạnh đó, tại báo cáo, Ban Giám đốc công ty còn cho biết trong năm nay HAGL dự kiến sẽ trả thêm khoảng 1.000 tỷ đồng nợ ngân hàng. Đồng thời duy trì, mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, chủ yếu là chuối và mục tiêu mảng chăn nuôi có thể hoà vốn.

Tính đến cuối năm 2022, HAGL vay nợ tổng cộng 8.165 tỷ đồng với 4.000 tỷ vay ngắn hạn. Trong đó trái phiếu dài hạn là 3.681 tỷ và trái phiếu đến hạn trả trong vòng 1 năm là 2.058 tỷ.

Theo thuyết minh, tại cuối tháng 12/2022, tập đoàn chưa thanh toán lãi vay phải trả đã đến hạn với trái chủ là Ngân hàng BIDV với tổng giá trị hơn 2.354 tỷ đồng. Công ty cho biết đang có kế hoạch thanh toán khoản vay đã đến hạn nói trên.

Bên cạnh đó, HAGL cũng chưa thanh toán khoản vay đến hạn liên quan đến khoản vay của Ngân hàng Eximbank vào tháng 8 và 9/2014 với tổng giá trị 279 tỷ đồng theo lịch cam kết với ngân hàng.

Cuối tháng 3, công ty cho hay đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã vi phạm của các hợp đồng vay có liên quan. Theo đó, tập đoàn có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo.

Mảng chăn nuôi heo gần như không sinh lợi trong quý I

Trong ba tháng đầu năm, HAGL ước tính doanh thu khoảng 1.823 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 308 tỷ đồng.

Trong đó, mảng chăn nuôi mang về 580 tỷ, mảng trái cây mang về 703 tỷ đồng, còn lại đến từ mảng phụ trợ. Song, lợi nhuận của doanh nghiệp được hỗ trợ chủ yếu bởi giá chuối tăng cao, trong khi đó, giá thịt heo vẫn duy trì ở mức thấp nên gần như không mang lại lợi nhuận.

Thực thế, biên lãi gộp mảng chăn nuôi của HAGL đã suy giảm mạnh ở quý IV/2022, khi chỉ đạt khoảng 16% (tính chung cả năm 25%). 

Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư vào giữa tháng 2/2023, ông Đức cho biết năm 2023, công ty sẽ xây dựng kế hoạch kinh doanh quanh mặt hàng chủ lực là chuối và không đưa lợi nhuận mảng chăn nuôi heo vào giai đoạn này vì chưa có lời.

Đồng thời, kế hoạch xuất chuồng một triệu con heo năm 2023 cũng không thực hiện được vì giá giảm và thiếu nguồn vốn. Doanh nghiệp đã vận dụng nhiều cách để thực hiện mục tiêu như lấy từ lợi nhuận 2022 và hiện đang có 10 cụm chuồng, nếu đủ công suất thì nuôi được khoảng 600.000 con heo. 

Dự kiến, ngày 28/4, HAGL sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023, công ty sẽ trình cổ đông kế hoạch với doanh thu thuần 5.120 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.130 tỷ đồng, tăng lần lượt 0,4% và 0,2% so với kết quả năm ngoái.  

(Nguồn: Hoàng Kiểu tổng hợp từ báo cáo tài chính tự lập của HAGL).

Giá lợn hơi chưa thể tăng mạnh

Theo báo cáo về ngành nông nghiệp hồi đầu tháng 4 của Chứng khoán VNDirect (Mã: VND), các công ty 3F phải đối mặt với hai trở ngại trong năm 2022 gồm giá nguyên vật liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cao và  nhu cầu trong nước yếu hơn dự kiến, giá lợn thậm chí còn giảm 8,2% so với năm 2021. Do đó, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất thịt đã giảm 4-7 điểm % so với cùng kỳ.

 

Trong năm 2023, đơn vị này dự báo giá thịt lợn sẽ tăng 5% so với cùng kỳ lên 59.000 đồng/kg, nhờ giá thịt lợn Trung Quốc phục hồi khi nền kinh tế mở cửa, điều này có thể ảnh hưởng một phần đến giá trong nước và nguồn cung từ các hộ chăn nuôi.

Song, với mặt bằng giá hiện tại, VNDirect không kỳ vọng hộ chăn nuôi sẽ tái đàn mạnh trong ngắn hạn. Bên cạnh đó với nhu cầu trong nước vẫn yếu trong nửa đầu năm 2023, VNDirect cho rằng giá lợn hơi chưa thể tăng mạnh, ít nhất cho đến quý III.

Đơn vị này dự báo trong năm nay, doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất thịt niêm yết sẽ tăng trung bình 3,6% so với kỳ cùng.

Đồng thời, lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ cải thiện khi giá nông sản toàn cầu được kỳ vọng sẽ thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất thịt và chi phí thức ăn chăn nuôi có thể sẽ hạ nhiệt dần từ quý II.

Ngoài ra, VNDirect còn cho biết các công ty 3F đang chần chừ trong việc đưa ra kế hoạch mở rộng sản xuất, ngoại trừ những doanh nghiệp mới muốn thâm nhập sâu hơn vào ngành thịt như BAF và HAG. Bởi vì, đa số các doanh nghiệp cho rằng ngành thịt sẽ gặp khó khăn trong hai quý đầu năm do nhu cầu yếu.

Đăng Nguyên