Giá heo hơi có thể đã chạm đáy, kỳ vọng phục hồi vào cuối năm
Giá heo hơi có thể đã tạo đáy quanh mức 47.000 đồng/kg
Đà giảm giá heo hơi trong nước vẫn chưa kết thúc khi rơi xuống dưới mức 50.000 đồng/kg. Cuối tuần trước, giá heo hơi nhiều tỉnh giao dịch trong khoảng 47.000 - 48.000 đồng/kg, thấp nhất kể từ tháng 1/2022. Với mức giá này, không chỉ người chăn nuôi nhỏ lẻ mà nhiều doanh nghiệp nuôi khép kín rơi vào thua lỗ. Theo một số chuyên gia trong ngành chi phí nuôi heo hiện tại dao động trong khoảng 49.000 - 53.000 đồng/kg.
Việc giá heo hơi liên tục giảm thời gian qua khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi đâu là đáy?
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng mức giá dưới 50.000 đồng/kg khiến nhiều hộ chăn nuôi lỗ nặng. Trong khi đó, dù nhu cầu thấp do ảnh hưởng bởi kinh tế khó khăn, thịt heo vẫn là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm mỗi gia đình.
“Theo tôi, mức giá 47.000 đồng/kg thời gian qua chính là đáy. Chúng tôi kỳ vọng giá heo hơi từ nay đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán có thể phục hồi lên mức 60.000 đồng/kg. Mức giá này mới đủ để phục hồi sản xuất và hài hoà với cả người chăn nuôi. Tuy nhiên, không thể kỳ vọng giá heo hơi sẽ tăng đột biến như những năm trước vì còn phụ thuộc vào tốc độ phục hồi kinh tế”, ông Công nói.
Trên thực tế, sau khi chạm mốc 47.000 đồng/kg, giá heo hơi nhanh chóng phục hồi trở lại dù mức tăng vẫn chưa nhiều. Tính đến ngày 25/10, giá heo hơi trung bình ở các tỉnh quanh mức 50.000 đồng/kg.
Ngoài ra, ông cho rằng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với heo bị tiêu huỷ nhiễm dịch tả châu Phi sẽ giúp cải thiện phần nào tâm lý của người chăn nuôi, giảm bớt tình trạng bán heo sớm để chạy dịch. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực nguồn cung lên giá trong thời gian tới.
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố về việc hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) và bệnh viêm da nổi cục.
Trong công văn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu địa phương hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả châu Phi và bệnh viêm da nổi cục theo đúng quy định tại Nghị định 02/2017.
Theo đó, ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy. Mức hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi đối với heo, 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò.
Giá heo hơi liên tục giảm kể từ khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2022 hồi tháng 7 ở mức 62.000 đồng/kg. Ngoài lý do nhu cầu yếu, nguồn cung từ heo nhập khẩu (theo cả chính ngạch và nhập lậu) càng tạo áp lực lên giá heo hơi.
“Nguồn cung từ các trang trại trong nước vẫn nhiều, tình trạng nhập heo lậu từ Thái Lan vẫn còn diễn ra. Trung bình mỗi ngày khoảng vài ba nghìn heo nhập lậu tuồn vào Việt Nam. Trong khi sức mua vẫn yếu, chưa thể tăng theo kịp do người dân tiết kiệm chi tiêu”, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi, Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết.
Ông nói thêm giá heo hơi nhập lậu từ Thái Lan rẻ hơn nhiều so với giá trong nước chỉ khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg.
Theo ông Công, có những loại thịt heo nhập khẩu chính ngạch về bán trong nước thậm chí còn rẻ hơn giá heo hơi. Điều này cũng tác động tiêu cực đến giá heo hơi trong nước.
Một yếu tố khác khiến sức ép từ nguồn cung lên giá càng lớn là dịch tả heo châu Phi. Báo cáo mới đây của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 9, dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở một số vùng khiến người dân bán lượng lớn heo ra ngoài thị trường. Điều này đồng thời tạo mức chênh lệch lớn về giá bán tại một số vùng.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê sản lượng thịt heo hơi của cả nước trong quý III đạt 1,2 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 9 tháng, con số này đạt 3,6 triệu tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ.
Nên tái đàn thời điểm này?
Đây cũng là câu hỏi mà nhiều hộ chăn nuôi đặt ra trong bối cảnh biến động giá mạnh như hiện tại. Họ lo ngại rằng nếu tái đàn bây giờ, đến lúc xuất chuồng, giá heo hơi vẫn thấp như hiện nay thì lỗ càng chồng lỗ. Nhưng nếu không tái đàn, đến cuối năm giá tăng, họ lại tiếc vì bỏ lỡ cơ hội.
Ông Công cho biết rất nhiều trang trại nhỏ lẻ chưa đáp ứng được yêu cầu về môi trường và an toàn dịch bệnh đã phải rời bỏ thị trường vì tỷ lệ heo chết cao trong khi chưa có phương án tối ưu được chi phí nuôi.
Theo ông trong thời gian tới nếu muốn trụ lại thị trường thì các hộ cần chăn nuôi theo chuỗi hoặc nuôi liên kết để giảm giá thành sản xuất. Đặc biệt, các hộ cần siết chặt việc kiểm soát dịch bệnh trong đàn heo thông qua vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng.
“Nếu đảm bảo được những yếu tố này thì mới có hy vọng tái đàn thành công. Rủi ro thời điểm này khá nhiều”, ông Công nói.
Trong khi đó, các công ty lớn vẫn có kế hoạch tái đàn bình thường bởi họ tối ưu được chi phí và kiểm soát tốt được dịch bệnh.
“Nhìn chung đàn heo của Việt Nam chỉ giảm đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ. Còn với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, đàn heo vẫn tăng lên nên không lo thiếu hụt nguồn cung”, ông Công nói.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tính đến cuối tháng 9, đàn heo của Việt Nam tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.