Giá thức ăn chăn nuôi sẽ hạ nhiệt từ quý IV khi nguyên liệu Mỹ vào Việt Nam thuận lợi hơn
Nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ Mỹ sẽ thuận lợi hơn
Báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết nửa đầu năm 2023, chăn nuôi là lĩnh vực đóng góp hơn 27% GDP toàn ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành chủ lực này lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó có việc phụ thuộc vào nguyên liệu chăn nuôi nhập khẩu.
Việt Nam nhập khẩu khoảng 22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm, tương đương 60% nhu cầu toàn ngành. Trong đó, Mỹ là một trong những thị trường cung cấp nhiều hàng cho Việt Nam.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam chi gần 1 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ Mỹ, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 13% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng đầu vào chăn nuôi.
Trao đổi với người viết tại Triển lãm và Hội thảo Vietstock 2023, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) kỳ vọng sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, giao thương hàng hóa giữa hai nước sẽ tăng lên, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu từ Mỹ về Việt Nam nhiều và thuận lợi hơn.
Sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc với Hội đồng Ngũ cốc Mỹ nhằm thúc đẩy mối quan hệ thương mại nông nghiệp giữa hai nước.
"Chúng ta có thể tin tưởng rằng giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu có thể hạ nhiệt từ quý IV/2023 hoặc quý IV/2024, đây là tín hiệu tương đối tốt", ông Dương Tất Thắng nhận định.
Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70% giá thành nuôi heo, gia cầm. Do vậy, nếu nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt sẽ giúp chi phí chăn nuôi giảm, nông dân và doanh nghiệp có lợi nhuận tốt hơn.
Trong thời gian qua, sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu này là điểm yếu của ngành chăn nuôi khi tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang trải qua giai đoạn có nhiều biến động phức tạp và khó lường.
Để giải bài toán này, Bộ NN&PTNT đã phối hợp cùng với các doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu ở Tây Nguyên, giảm phần nào sự phụ thuộc vào nguồn cung thế giới.
Bột cá không phải là nguyên liệu chính trong thức ăn chăn nuôi
Ngoài ngũ cốc, bột cá cũng là một trong những thành phần của thức ăn chăn nuôi mà nước ta chưa thể chủ động 100%.
Mới đây Tổ chức Dầu cá, bột cá thế giới (IFFO) thông tin 7 tháng đầu năm 2023, sản lượng bột cá toàn cầu giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do Peru cấm khai thác cá cơm kể từ tháng 6. Động thái của nhà sản xuất bột cá hàng đầu thế giới đã khiến giá mặt hàng này lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2015, theo Undercurrentnews.
Thông tin này khiến nhiều người nghi ngại rằng loại nguyên liệu này sẽ cản đà giảm của thức ăn chăn nuôi.
Ông Dương Tất Thắng cho biết sau lệnh cấm của Peru, giá bột cá đã tăng 10-15%. Tuy nhiên bột cá chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cấu thành thức ăn chăn nuôi, do vậy dù giá bột cá tăng cũng không ảnh hưởng nhiều đến giá chung.
Còn theo ông Võ Trọng Thành, đại diện Cục Chăn nuôi, bột cá chỉ có trong công thức cám dành cho heo con, còn heo tăng trưởng sử dụng đạm chính từ các loại đậu nành, khô dầu. Do vậy, tin tức giá bột cá nhích lên cũng không tác động nhiều đến giá thành chăn nuôi.