'Thời cơ vàng cho xuất khẩu gạo'
Nhiều nước cấm xuất khẩu gạo, cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Sau Ấn Độ, hai quốc gia khác là Nga và UAE vừa ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo nhằm ổn định thị trường trong nước, đảm bảo an ninh lương thực.
Việc một số nước tạm cấm xuất khẩu gạo nổi lên đúng vào thời điểm chuỗi cung ứng lương thực thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế, xung đột chính trị… khiến thị trường gạo toàn cầu thêm nóng và các nước có tiềm năng xuất gạo sẽ hưởng lợi, trong đó có Việt Nam.
Tại họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định: “Đây là thời cơ cho nước ta xuất khẩu gạo, nếu không tranh thủ sẽ bị lỡ cơ hội. Hôm qua (31/7), Bộ NN&PTNT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường xuất khẩu gạo nhằm tranh thủ cơ hội trong bối cảnh hiện nay của sản xuất lúa gạo thế giới”.
Sau khi Chỉ thị được ban hành, các Bộ ngành và địa phương sẽ tập trung các giải về kỹ thuật, hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nông dân để tăng xuất khẩu gạo.
Theo lãnh đạo của Cục Trồng trọt, kế hoạch gieo cấy năm 2023 khoảng 7,1 triệu ha, sản lượng lúa dự kiến đạt trên 43 triệu tấn. Qua khảo sát khu vực Đồng Bằng Sông Hồng, Đồng bằng Sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, cây lúa đang sinh trưởng và phát triển rất tốt, nếu không có điều kiện thời tiết bất thường, dịch bệnh thì sản lượng lúa năm 2023 có thể đạt mức kỷ lục.
“3 tháng chúng ta có một vụ lúa, tháng 1/2024 chúng ta sẽ có khoảng 1,2 triệu tấn thóc của vụ Đông Xuân. Do đó, chúng ta hoàn toàn yên tâm về vấn đề an ninh lương thực, cũng như tận dụng thời cơ tốt nhất cho xuất khẩu”, ông Nguyễn Như Cường nói.
Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định năm nay Việt Nam có thể xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo. Việc đẩy mạnh xuất khẩu tại thời điểm này sẽ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực.
Số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 7, xuất khẩu gạo đạt 600.000 tấn, tương đương 326 triệu USD, tăng 3% về lượng và tăng 15% về giá trị so với tháng 7/2022. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt hơn 4,8 triệu tấn, tương đương 2,6 tỷ USD, tăng 19% về lượng và tăng 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá gạo tăng từng ngày, Cục Trồng trọt nâng diện tích vụ Đông – Xuân 2024
Trước những tín hiệu tích cực của thị trường, giá lúa Hè Thu tại các địa phương vùng ĐBSCL trong tháng 7 tăng mạnh nhờ hoạt động giao dịch sôi động, nhu cầu và sức mua đang tốt. Cụ thể, giá lúa IR50404 lên mức 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 lên mức 6.800 đồng/kg, lúa Đài thơm lên mức 6.950 đồng/kg…
Sức mua của các thị trường vẫn đang khá tốt, câu hỏi liệu Việt Nam có mở rộng diện tích trồng lúa được giới báo chí quan tâm tại họp báo.
Phản hồi về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường cho biết theo chủ trương, diện tích trồng lúa chỉ có giảm, không tăng. Tuy nhiên để nắm bắt thời cơ, Cục Trồng trọt đã bố trí nâng diện tích trồng lúa vụ Đông – Xuân tới tại ĐBSCL từ 650.000 ha lên 700.000 ha.
Ngoài những thuận lợi, ngành lúa gạo của nước ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức chung về biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tưởng El Nino.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, El Nino sẽ bắt đầu tác động mạnh đến nước ta từ khoảng tháng 10, ảnh hưởng đến vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 ở khu vực ĐBSCL.
Tuy nhiên, Việt Nam đã có kinh nghiệm ứng phó với El Nino, chúng ta đã chuẩn bị các giải pháp ứng phó, bao gồm bố trí thời vụ, cơ cấu cây trồng và các giải pháp thủy lợi…
“So với các nước trồng lúa trên thế giới thì Việt Nam ít sẽ bị ảnh hưởng bởi El Nino nhưng chúng ta cũng không thể chủ quan", ông Cường khẳng định.
Để đạt được mục tiêu trên 43 triệu tấn lúa, Cục Trồng trọt đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các địa phương có kế hoạch gieo cấy, cùng các giải pháp kỹ thuật, đảm bảo sản xuất hiệu quả.