Xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng đạt hơn 29 tỷ USD, gạo và rau quả tiếp đà tăng trưởng
Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 7 ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm nông sản đạt 2,3 tỷ USD, tăng 27%; thủy sản đạt 800 triệu USD, giảm 15%; lâm sản đạt 1,2 tỷ USD, giảm 11%; đầu vào sản xuất đạt 210 triệu USD, tăng 13%; chăn nuôi đạt 45 triệu USD, tăng 36%.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 29,1 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản đạt gần 15 tỷ USD, tăng 13%; nhóm thuỷ sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25%; lâm sản 7,8 tỷ USD, giảm 25,5%; đầu vào sản xuất đạt 1,1 tỷ USD, giảm 25%...
Về thị trường xuất khẩu, Bộ NN&PTNT cho biết 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 14 tỷ USD, tăng 2%; châu Phi đạt 573 triệu USD, tăng 14%. Ở chiều ngược lại, các khu vực khác đều ghi nhận sự giảm sút khá mạnh như: châu Mỹ đạt 6,5 tỷ USD, giảm 29%; châu Âu đạt 3,3 tỷ USD, giảm 13%; châu Đại Dương đạt 408 triệu USD, giảm 26%.
Hiện,Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là ba thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21,9%, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái; Mỹ chiếm 20,4%, giảm 29% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong những tháng còn lại của năm 2023, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, liên minh kinh tế Á - Âu...
Ngoài ra, Bộ sẽ tận dụng các hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Đồng thời, phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.