|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu nông lâm thủy sản hướng đến mục tiêu 54 tỷ USD, gạo và rau quả tiếp tục gánh tăng trưởng

20:14 | 03/07/2023
Chia sẻ
Để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 54 tỷ USD, ngành nông nghiệp cần tập trung vào các mặt hàng nông sản chủ lực và tiềm năng cao như gạo, rau quả, hạt điều... nhằm bù đắp cho những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản hướng đến mục tiêu 54 tỷ USD dù bối cảnh khó khăn

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó xuất khẩu nhóm nông sản chính 12,8 tỷ USD, tăng 12%; thuỷ sản 4,13 tỷ USD, giảm 27% và lâm sản chính 6,5 tỷ USD, giảm 28%...

(Nguồn: Phạm Mơ tổng hợp từ Bộ NN&PTNT) 

Tại họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) đánh giá kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, xu hướng phân mảnh địa chính trị, địa kinh tế giữa các khối nước trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, lạm phát gia tăng ở các nền kinh tế lớn khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, một số ngành hàng chịu ảnh hưởng lớn như gỗ, thủy sản...

 

Ông Nguyễn Văn Việt cho biết để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 54 tỷ USD, ngành nông nghiệp cần có các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.

Các chỉ tiêu được phân bổ ở các ngành như sau: nông sản chính 25 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; thủy sản 10 tỷ USD và các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD.

“Muốn đạt được kim ngạch xuất khẩu khoảng 54-55 tỷ USD, mỗi tháng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản phải ở mức 7 - 8%. Cùng với đó, ngành nông nghiệp cần tiếp tục mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại bởi không có thị trường thì không sản xuất được”, ông Nguyễn Văn Việt nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến. (Ảnh: Phạm Mơ)

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đã có sự chuyển dịch lớn về ngành hàng, thị trường.

Những mặt hàng như gạo, rau quả, hạt điều... nổi lên như những điểm sáng trong nhưng phân tích về đối tượng ngành hàng thì lại nổi lên những điểm sáng trong bức tranh ảm đạm chung.

Ngoài ra, thị trường xuất khẩu cũng có sự thay đổi linh hoạt, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

“Từ bức tranh thị trường, ngành hàng, chúng ta cần điều hành xuất khẩu một cách linh hoạt, hợp lý. Với nỗ lực của ngành nông nghiệp, tôi kỳ vọng xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm 2023 sẽ về đích con số 54 tỷ USD, dù trong bối cảnh khó khăn”, ông Phùng Đức Tiến nhận định.

Gạo, rau quả tiếp tục đóng vai trò gánh tăng trưởng chung

Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, người tiêu dùng chỉ mở hầu bao với các sản phẩm thiết yếu, điều này khiến xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ khó có sự tăng trưởng đồng đều giữa các ngành hàng.

Điển hình như kết quả 6 tháng đầu năm, nhóm nông sản, đặc biệt là gạo và rau quả tăng trưởng rất mạnh và được kỳ vọng tiếp tục gánh tăng trưởng cho toàn ngành, còn nhóm thủy sản và lâm sản lại có xu hướng đi lùi.

Theo đó nửa đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta đã cán mốc 4,3 triệu tấn, tương đương gần 2,3 tỷ USD, tăng 22% về lượng và tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy nếu so sánh với kết quả năm 2022, ngành gạo đã hoàn thành được 60% chỉ tiêu về lượng và 65% kim ngạch xuất khẩu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định giá gạo xuất khẩu của nước ta hiện xấp xỉ Ấn Độ và cao hơn Thái Lan. Trong tương lai, mặt bằng này sẽ tiếp tục được duy trì khi nước ta có 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải.

“Với đà tăng trưởng như hiện nay, xuất khẩu gạo chắc chắn sẽ đạt khoảng 8 triệu tấn, thu về hơn 4 tỷ USD”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dự báo.

 

Tương tự như ngành gạo, mảng rau quả cũng có mức tăng trưởng ấn tượng 65% so với 6 tháng năm 2022 với kim ngạch 2,7 tỷ USD. Con số này đã đạt được 82% kết quả cả năm 2022.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định xuất khẩu rau quả nửa đầu năm 2023 đã đạt kỷ lục, nếu tiếp tục nhịp độ này, kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể cán mốc 5 tỷ USD.

Cùng với công tác phát triển giống, đầu tư vào chế biến sâu, mở rộng thị trường, Thứ trưởng kỳ vọng xuất khẩu rau quả sẽ tiến đến mục tiêu 10 tỷ USD trong tương lai gần.

Một số ngành tín hiệu phục hồi chưa rõ rệt

Trong khi các mảng rau quả, gạo được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng thì một số ngành khác như lâm sản, thủy sản lại được dự báo sẽ phục hồi chậm.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,2 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản đều ghi nhận sụt giảm do yếu tố lạm phát và tồn kho.

Nhận định về tình hình xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm 2023, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết bức tranh thị trường chưa có tín hiệu phục hồi rõ nét, lượng tồn kho của cả các nhà nhập khẩu và doanh nghiệp trong nước đều ở mức cao, trong khi lực cầu vẫn ở mức thấp.

Ngoài những khó khăn về thị trường, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết các doanh nghiệp đang phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật, những quy định ngày càng chặt từ phía thị trường EU nói riêng và các thị trường xuất khẩu nói chung.

“Nếu trước đây, thị trường EU yêu cầu kiểm soát theo chuỗi và truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp xuất khẩu có thể đăng ký và được mua nguyên liệu từ các cơ sở sơ chế, đại lý thì theo luật mới, chỉ trừ khâu sản xuất ban đầu, tất cả các khâu tiếp theo từ sơ chế, chế biến, logistics, kho lạnh tổng hợp đều phải đăng ký”, ông Nguyễn Như Tiệp thông tin.

Thách thức với ngành thủy sản Việt Nam là EU là thị trường dẫn dắt các quy định của thị trường xuất khẩu thế giới. Sau khi EU đưa ra quy định về chống khai thác bất hợp pháp IUU, các nước như Mỹ, Nhật Bản cũng rục rịch đưa ra các động thái về khai thác thủy sản.

“Bên cạnh yếu tố thương mại, những rào cản kỹ thuật cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải lưu tâm để làm sao mở rộng thị trường xuất khẩu, chứ không bị thu hẹp lại”, ông Nguyễn Như Tiệp lưu ý.

Một mặt hàng chủ lực khác của ngành nông nghiệp cũng ghi nhận mức giảm sâu là gỗ và sản phẩm từ gỗ. Cụ thể, xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 6,4 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp. (Ảnh: Phạm Mơ)

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết xuất khẩu lâm sản giảm mạnh ở 5 thị trường lớn, bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc do lạm phát tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu với các sản phẩm không thiết yếu. Do vậy, việc ký kết thêm các đơn hàng mới rất khó khăn.

Ngoài ra, giá dăm gỗ và viên nén giảm mạnh trong khi chi phí nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào vẫn ở mức cao đã ảnh hưởng đến việc sản xuất của doanh nghiệp, kéo theo kim ngạch xuất khẩu ngành đi xuống.

Thêm vào đó, Mỹ - thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam đang tăng cường điều tra phòng vệ thương mại với các sản phẩm gỗ dán, tủ bếp, bàn trang điểm... tạo ra một rào cản nhất định cho hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường này.

Không chỉ khó khăn ở thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp ngành gỗ cũng gặp nhiều vướng mắc về việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) với tổng mức 6.100 tỷ đồng, doanh nghiệp thiếu nguồn lực để sản xuất.

Trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu gỗ chưa về nhiều, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng cần nhanh chóng có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hoàn VAT, giảm lãi suất để chuẩn bị nguồn lực cho giai đoạn phục hồi.

Phạm Mơ