|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thuỷ sản bước vào giai đoạn phục hồi nhờ tồn kho giảm, nhu cầu tăng

11:31 | 30/06/2023
Chia sẻ
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ dần hồi phục trong những tháng tới và có kết quả tốt hơn so với nửa đầu năm nhờ những tín hiệu khả quan hơn ở các thị trường tiêu thụ, khi lượng tồn kho giảm và bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội.

Biên độ giảm đã được co hẹp

 
Nhìn vào các thông số về giá trị xuất khẩu thủy sản từng tháng từ đầu năm tới nay, thì rõ ràng là đang có sự hồi phục dần dần, tháng sau cao hơn so với tháng trước. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 4,2 tỷ USD, theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP).Riêng trong tháng 6, xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 800 triệu USD, giảm 21%.

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

 

Trong đó, xuất khẩu tôm ước đạt 341 triệu USD, mức cao nhất từ đầu năm tới nay, giảm 18% so với cùng kỳ - đây cũng là mức giảm thấp nhất từ đầu năm. Lũy kế nửa đầu năm, xuất khẩu tôm đạt gần 1,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với nửa đầu năm 2022.

  Số liệu: Tổng Cục Hải quan, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Xuất khẩu cá tra trong tháng 6 vẫn thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm trước đạt khoảng 156 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt trên 885 triệu USD, thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm ngoái. 

   Số liệu: Tổng Cục Hải quan, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Ngoài những khó khăn từ phía thị trường tiêu thụ kém, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm và cá tra bị sụt giảm lợi nhuận vì giá thức ăn, con giống và các chi phí đầu vào tăng cao, giá thành cao, trong khi giá bán hạ mà vẫn khó tiêu thụ, dẫn đến tồn kho càng khiến cho chi phí đội lên… 

Xuất khẩu cá ngừ và các mặt hàng hải sản khác có tín hiệu xấu đi trước những áp lực thiếu nguyên liệu và sự kiểm soát ngày càng chặt của thị trường nhập khẩu, điển hình là thị trường EU, liên quan đến kiểm soát an toàn thực phẩm và qui định chống khai thác IUU. 

Theo đó, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 6 giảm 29%, đạt 64 triệu USD, lũy kế nửa đầu năm giảm 31% đạt trên 380 triệu USD. Xuất khẩu các loại cá biển khác giảm sâu hơn tháng trước với mức 17% xuống 157 triệu USD, dù những tháng trước có tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ...

Xuất khẩu các mặt hàng khác như mực, bạch tuộc, cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ  trong tháng 6 cũng giảm từ 17-30% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu thuỷ sản có thể phục hồi trong những tháng tới

Nhìn chung, các thị trường nhập khẩu chính của thủy sản như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản... bị chi phối bởi 2 yếu tố chính: lạm phát và tồn kho.

VASEP cho biết lượng tồn kho đang được giải tỏa dần ở các thị trường, nhu cầu dự báo sẽ tăng trở lại trong nửa cuổi năm.

"Tuy nhiên, lạm phát tại nhiều thị trường chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đó sẽ là "cái phanh" kìm hãm sự hồi phục nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản tại Mỹ, EU...", VASEP nhận định.

Một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... vẫn được coi là điểm đến lạc quan cho sản phẩm thế mạnh của Việt Nam đó là hàng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao. Bởi vì ở những thị trường này, hàng thuỷ sản Việt Nam chưa bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán như ở Mỹ, EU hay Trung Quốc.

Bên cạnh đó, một số thị trường Đông Nam Á cũng được đánh giá là tiềm năng vì có nền kinh tế ổn định hơn, lạm phát thấp hơn cộng với lợi thế vị trí địa lý và ưu đãi thuế quan theo các FTA.

VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ dần hồi phục trong những tháng tới và có kết quả tốt hơn so với nửa đầu năm nhờ những tín hiệu khả quan hơn ở các thị trường tiêu thụ, khi lượng tồn kho giảm và bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội. 

Tại kỳ ĐHĐCĐ diễn ra vào tuần trước, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho rằng thị trường tháng 8 trở đi thị trường sẽ tốt lên khi nguồn cung tôm nguyên liệu tại các nước xuất khẩu lớn là Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam đều giảm mạnh. Trong khi đó, nhu cầu trên thế giới dần phục hồi. 

“Theo thông tin tôi nắm được Ấn Độ đang treo ao khoảng 30 - 50%. Ngoài ra Ecuador đang chịu ảnh hưởng bởi El Nino khiến hoạt động nuôi tôm không hiệu quả, tôm chết nhiều, ước tính thiệt hại 30%. Tại Việt Nam, do giá tôm thấp nên nhiều người treo ao, sản lượng giảm 30 - 50%. Do đó, tình hình tôm nguyên liệu cuối năm sẽ thiếu. Các đơn vị sẽ có cơ hội giảm bán ở hàng tồn kho khi nhu cầu tiêu thụ vào mùa lễ hội cao điểm cuối năm tăng cao”, ông Quang nói.

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.